Ngày 20/5/2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội là chưa tăng lương cơ sở theo lộ trình vào ngày 1/7/2020 tới đây do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trước thông tin này, dù có nhiều người buồn nhưng đa phần những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng đều sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung cùng Chính phủ trong lúc này.
Tuy nhiên, điều mà hàng triệu nhà giáo đang lo lắng là một khi lương cơ sở chưa tăng theo lộ trình thì phụ cấp thâm niên nhà giáo có bị cắt vào ngày 1/7 tới đây hay không?
Nếu chưa tăng lương cơ sở mà cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo thì đời sống của hàng triệu giáo viên trên cả nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là những thầy cô đã công tác lâu năm trong ngành Giáo dục.
Theo Luật giáo dục sửa đổi thì từ ngày 1/7 tới đây nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên (Ảnh minh họa: VOV.vn) |
Chưa tăng lương cơ sở, lộ trình tăng lương năm 2021 cũng có thể chậm lại
Trước tình hình dịch bệnh trong thời gian qua và có thể còn ảnh hưởng đến những tháng tiếp theo nên kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn- đó là điều mà ai cũng nhìn thấy được.
Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở vào ngày 1/7/2020 theo lộ trình cũng là điều phù hợp bởi đội ngũ đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay đang rất lớn.
Dù chỉ tăng lương cơ sở lên hơn 100 nghìn đồng nhưng đội ngũ đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cộng lại sẽ là con số rất lớn, tạo nên áp lực lớn cho Chính phủ và các địa phương.
Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ với báo chí rằng: “Trong tình hình này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, thống nhất đề nghị với Chính phủ, trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7.
Kể cả lộ trình tăng lương theo đề án cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 của Trung ương 7 khóa 12, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh.
Lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại, thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định”.
Như vậy, dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy được tình hình khó khăn chung về ngân sách hiện nay.
Vì thế, việc tăng lương cơ sở từ từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng vào ngày 1/7 chưa thực hiện được mà ngay cả đề án trả lương theo vị trí việc làm vào năm 2021 cũng có thể chưa thực hiện theo lộ trình.
Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước thì hàng triệu nhà giáo cũng hiểu rõ vấn đề này nên việc chưa tăng lương cơ sở cũng chưa phải là vấn đề quá lớn.
Nhưng, có lẽ đội ngũ nhà giáo mong muốn Chính phủ, ngành Giáo dục và các địa phương cũng tạm ngưng việc cắt phụ cấp thâm niên vào ngày 1/7 tới đây để đời sống của hàng triệu nhà giáo vơi bớt những khó khăn.
Bởi, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của mọi người dân, trong đó có đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Nên nếu không tăng được thì thôi chứ đừng giảm thêm những đồng lương từ lâu vẫn được xem là khiêm tốn, hạn hẹp của người thầy.
Theo Luật giáo dục sửa đổi thì nhà giáo sẽ bị cắt thâm niên từ ngày 1/7/2020
Chúng ta đều biết, chỉ còn 1 tháng nữa (01/7/2020) là Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực và nó sẽ có những thay đổi, tác động trực tiếp đến đội ngũ thầy, cô giáo trên cả nước.
Nhưng, vấn đề mà mọi người quan tâm hơn cả là lương và phụ cấp của người giáo viên hiện nay.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 là điều không phải bàn cãi bởi nó đã được Quốc hội thông qua.
Nhưng, nếu như cắt thâm niên nhà giáo mà tăng lương cơ sở thì bù qua, lấp lại, lương giáo viên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thực tế chỉ những nhà giáo có thâm niên cao mới chịu ảnh hưởng lớn.
Giờ đây, lương cơ sở chưa tăng mà cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo thì phần lớn nhà giáo hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.
Người có thể giảm vài ba trăm ngàn đồng nhưng những thầy cô lớn tuổi có thể giảm đi vài ba triệu đồng- số tiền này so với một số ngành nghề khác không lớn nhưng với phần nhiều nhà giáo thì nó lại rất cần thiết.
Thời gian từ nay đến ngày 1/7 là không còn nhiều, nếu không nói là đã sát bên rồi nhưng việc tiếp tục trả hay ngưng trả phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn chưa thấy có những hướng dẫn cụ thể...
Vì thế, những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp chỉ mong muốn, hy vọng các cơ quan chức năng tính toán, cân nhắc và chưa cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi tăng lương cơ sở hoặc trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Tài liệu tham khảo:
//laodong.vn/thoi-su/de-xuat-chua-tang-luong-co-so-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-se-cham-lai-807321.ldo