Đồng Tháp họp toàn bộ cán bộ quản lý giáo dục vụ học sinh lớp 6 đọc không thông

15/04/2021 06:54
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đầu tuần tới, tỉnh Đồng Tháp họp các cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn, triển khai cụ thể các công việc liên quan đến vụ học sinh lớp 6 đọc không thông.

Ngày 14/4/2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự kiến, đầu tuần tới (19/4), tỉnh sẽ họp các cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn, triển khai các công việc cụ thể liên quan đến việc học sinh lớp 6 đọc không thông, viết không thạo.

Theo ông Bùi Quý Khiêm, hiện ngành giáo dục của tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh về tình trạng học sinh không đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng, làm rất nghiêm túc việc này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, sau sự việc của học sinh huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp như vậy, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh liệu có tính đến việc xử lý trách nhiệm cho lãnh đạo trường học, nếu để xảy ra tình trạng học sinh không đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng theo quy định không?

Ông Bùi Quý Khiêm nói rằng: Hiện vẫn đang tính toán, nhưng có thể năm học tới sẽ đưa vào tiêu chí thi đua, quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo đơn vị về chất lượng đào tạo của trường mình.

Ví du: Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước trưởng phòng giáo dục và đào tạo, trưởng phòng thì chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân huyện (thành phố), sở giáo dục tỉnh, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông thì chịu trách nhiệm trước sở.

Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp - ông Đoàn Tấn Bửu (đứng) tại buổi làm việc ngày 13/4 (ảnh: dongthap.edu.vn)

Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp - ông Đoàn Tấn Bửu (đứng) tại buổi làm việc ngày 13/4 (ảnh: dongthap.edu.vn)

Hôm 13/4, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong đó có vấn đề học sinh lớp 6 đọc không thông, viết không thạo nhưng vẫn được lên lớp.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thanh Danh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, đã từ rất lâu, Sở đã có một chỉ đạo rất xuyên suốt, là không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên, không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện hay khống chế trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Thế nhưng, trên thực tế là vẫn có một vài trường, ban giám hiệu muốn thành tích của trường mình đẹp, không chấp hành các chỉ đạo của ngành, có những quy định gây áp lực cho giáo viên, nên mới xảy ra tình trạng học sinh yếu kém nhưng vẫn cho lên lớp.

Sau sự việc này, Sở đã có chấn chỉnh tới các trường học, cơ sở giáo dục là phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục, kiên quyết không để tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn về kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà vẫn được lên lớp.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Sở đã đưa ra giải pháp là có thể cuối năm, trường sẽ tổ chức thêm học kỳ 3, để giáo viên tập trung ôn tập cho học sinh những kiến thức căn bản nhất, tối thiểu để các em lên lớp.

Nếu qua học kỳ này mà học sinh vẫn chưa đạt thì bắt buộc phải ở lại lớp. Sở cũng yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên phải tìm ra nguyên nhân học sinh còn học yếu, tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, sự quan tâm của phụ huynh đối với việc học của học sinh.

Riêng đối với một số học sinh lớp 6 đọc không thông, viết không thạo ở huyện Thanh Bình, Phòng Giáo dục huyện đã thành lập một nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở trường tiểu học, kèm cặp riêng số em này.

Thầy cô ở trường trung học cơ sở thì củng cố kiến thức các môn học lớp 6 cho các em học sinh này, để cho các em có đầy đủ chuẩn kiến thức. Còn đã nỗ lực, cố gắng mà vẫn chưa đạt thì phải để các em ở lại lớp 6.

Phát biểu tại buổi làm việc này, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo, Sở cần đặt nặng trách nhiệm của nhà trường, thầy cô có các hỗ trợ tích cực đối với các em học sinh có năng lực học yếu, khó lên lớp, hoàn cảnh khó khăn.

Nếu học sinh học hoài không lên lớp, thì phải hướng nghiệp cho các em học nghề sơ cấp, trung cấp, để các em có cái nghề mà không sợ thất nghiệp.

Việt Dũng