Dự báo điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng tăng từ 0.25-1 điểm

30/07/2024 09:31
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số trường đại học đào tạo các ngành trong nhóm Kiến trúc và xây dựng dự đoán điểm chuẩn năm 2024 sẽ tăng từ 0.25-1 điểm.

Với sự kết hợp giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật, đòi hỏi khả năng tính toán và óc thẩm mỹ cao cùng cơ hội phát triển nghề nghiệp đa dạng, Kiến trúc và xây dựng vẫn đang là nhóm ngành thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh.

Nhóm ngành này được đào tạo với nhiều ngành học phong phú như Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật xây dựng…

Để hỗ trợ thí sinh đưa ra quyết định về việc lựa chọn nguyện vọng một cách hợp lý nhất, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ các cơ sở giáo dục đào tạo nhóm ngành này để dự báo điểm chuẩn năm nay.

Dự báo điểm chuẩn sẽ tăng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng (trừ ngành Kiến trúc) chủ yếu xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, A07, một số trường có xét tuyển thêm tổ hợp D01.Theo công bố kết quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, phổ điểm của các tổ hợp này cao hơn năm trước.

Căn cứ theo nguyên tắc xét tuyển đại học, thí sinh chỉ đăng ký theo ngành và không chọn phương thức, tổ hợp. Các trường phải xem xét tất cả các phương thức và lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển cho thí sinh.

Theo thầy Hà, có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng. Đó là phổ điểm năm 2024 của các tổ hợp xét tuyển cho nhóm ngành và số lượng thí sinh đăng ký.

Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông Vận tải thông tin, đơn vị đã tính toán tổ hợp có điểm cao nhất trong các tổ hợp A00, A01, A07, D01 của các thí sinh. Kết quả cho thấy, trong khoảng điểm từ 15-23.75, nguồn tuyển năm 2024 tăng 10-20% so với năm 2023. Trong khoảng điểm 24-28, nguồn tuyển năm 2024 tăng 30-50% so với năm 2023.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: website nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: website nhà trường

Các năm gần đây, điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng của các trường đại học dao động 17-24 điểm, do đó Tiến sĩ Phạm Thanh Hà dự đoán, điểm chuẩn của nhóm này có thể tăng so với năm 2023 từ 0.25 đến 0.5 điểm tuỳ từng ngành.

Hiện nay, phòng đào tạo đại học của trường chưa nhận được dữ liệu thí sinh đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên qua khảo sát tình hình xét tuyển sớm và theo kinh nghiệm tuyển sinh các năm, thầy Hà nhận định, sự phân hoá về số lượng đăng ký và điểm chuẩn rơi vào các nhóm sau.

Nhóm 1 là các ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng, Quản lý đô thị và công trình. Nhóm 2 là các ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Xét về số lượng, số thí sinh đăng ký vào nhóm 2 nhiều hơn nhóm 1, tuy nhiên nhóm 1 có số lượng chỉ tiêu thấp nên điểm chuẩn của nhóm 1 thường cao hơn nhóm 2.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải, trong ba năm gần nhất, điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng dao động 16.00-24.10 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với phương thức xét học bạ, điểm chuẩn nhóm ngành dao động từ 18.00-26.48 điểm.

Trong khi đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, dựa trên phân tích phổ điểm các tổ hợp xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký, nhu cầu xã hội ở các nhóm ngành nghề này hiện nay, điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng nói riêng và điểm chuẩn của các nhóm ngành đào tạo nói chung của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội năm 2024 sẽ tăng so với năm 2023, đặc biệt tăng mạnh với phương thức xét tuyển kết hợp.

Tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các ngành Công nghệ thông tin, ngành Khoa học máy tính, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngành Kinh tế xây dựng, ngành Quản lý xây dựng, chuyên ngành Kỹ thuật ô tô... nằm trong nhóm các ngành, chuyên ngành được nhiều thí sinh quan tâm và lựa chọn.

Có một số ngành mới nhưng thu hút được quan tâm của thí sinh, như ngành Quản lý dự án, chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng, chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện, chuyên ngành Logistics đô thị, ngành Mỹ thuật đô thị, …

Khánh.jpeg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, thầy Hồ Quốc Khánh cũng đưa ra dự báo điểm chuẩn một số nhóm ngành đào tạo cụ thể của trường. Với nhóm ngành Kiến trúc và quy hoạch, điểm chuẩn dao động từ 18-22 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 22-26 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Mỹ thuật, điểm chuẩn dao động từ 17-19 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 22-23 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Xây dựng, điểm chuẩn dao động từ 22.5-25 điểm với phương thức xét tuyển kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ), 17-21 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 22-25 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, điểm chuẩn dao động từ 27-28 điểm với phương thức xét tuyển học bạ, 25-27 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 26.5-27.5 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Quản lý xây dựng, điểm chuẩn dao động từ 24.5-26.5 điểm với phương thức xét tuyển học bạ, 21.5-23.5 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 25.5-26.5 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí, điểm chuẩn dao động từ 22.5-27 điểm với phương thức xét tuyển học bạ, 18.5-24.5 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 22-25.5 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Kỹ thuật vật liệu và môi trường, điểm chuẩn dao động từ 22.5-23 điểm với phương thức xét tuyển học bạ, 17-19 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 22-23 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp.

Với nhóm ngành Quản lý công nghiệp, bao gồm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Logistics đô thị, điểm chuẩn dao động từ 20-23 điểm với phương thức xét tuyển học bạ, 21-23 điểm với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và từ 26.5-27.5 điểm với phương thức xét tuyển kết hợp. Điểm giữa các nhóm ngành có độ chênh nhất định.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đưa ra nhận định, khả năng điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng năm nay cao hơn so với năm ngoái, có thể tăng trong khoảng 0.5 cho đến 1 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, các ngành thuộc nhóm Kiến trúc và xây dựng như Thiết kế đồ họa, Kiến trúc, Thiết kế nội thất được nhiều thí sinh quan tâm và nộp đơn đăng ký nhất.

Theo thầy Hoàn, điểm chuẩn của các ngành thuộc nhóm Kiến trúc và xây dựng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào số lượng thí sinh quan tâm đến ngành. Thí sinh đăng ký càng nhiều điểm chuẩn ngành đó sẽ càng cao.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, trong hai năm gần nhất, điểm chuẩn nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng của trường dao động từ 14.00 - 20.00 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Số lượng hồ sơ xét tuyển sớm tăng cao ở các trường

Năm nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuyển sinh theo 6 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dự vào kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển thẳng (tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tuyển thẳng theo đề án của trường); Ưu tiên xét tuyển.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh cho biết, năm 2024 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có tổng nguyện vọng xét tuyển học bạ là hơn 22.000 hồ sơ, trong đó có hơn 100 thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng.

Thầy Khánh đưa ra nhận định chung về tình hình tuyển sinh, với phương thức xét kết quả học bạ, các thí sinh đăng ký nhiều hơn năm trước và tổng điểm các tổ hợp xét tuyển vào trường cũng cao hơn năm 2023.

Số lượng thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp (số thí sinh có chứng chỉ quốc tế) tăng cao. Kỳ thi đánh giá tư duy bắt đầu được thí sinh quan tâm nhưng nguồn tuyển ở phương thức này vẫn chưa nhiều.

Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh cho biết, nước ta là một nước đang phát triển nên cơ hội việc làm và mức lương sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn là yếu tố quan trọng thu hút người học.

Hiện nay, các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam ngày càng tốt hơn, tăng cường đầu tư công, thu hút được nguồn vốn nước ngoài, xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật được chú trọng, nhu cầu về nhà ở tăng, nhu cầu về tiện nghi các dịch vụ công cộng tăng, ... điều đó đồng nghĩa với việc cần tăng cường nguồn nhân lực ở nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà chia sẻ, hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường cao tốc liên vùng và sắp tới là đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư của nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng sẽ không ngừng tăng lên.

Thầy Hà thông tin, năm nay, nhà trường dành khoảng 30% chỉ tiêu xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ, xét kết hợp chứng chỉ IELTS và kết quả 2 môn học bậc trung học phổ thông. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm năm nay cao hơn năm ngoái 20%.

Tiến sĩ Phạm Thanh Hà cho rằng, từ nhiều năm nay, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xét tuyển tạo ra nhiều thuận lợi cho thí sinh. Các em được chọn nhiều nguyện vọng, đồng thời các trường sẽ xét từ nguyện vọng ưu tiên cao trước, nếu không trúng tuyển nguyện vọng trước thì thí sinh được xét nguyện vọng sau. Với quy định này, thí sinh hoàn toàn có thể đặt các nguyện vọng ưa thích lên trước và các nguyện vọng ưu tiên thấp hơn xuống dưới.

Để đảm bảo an toàn và tránh bỏ lỡ các nguyện vọng ưa thích, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà đưa ra một số lời khuyên, thí sinh nên thực hiện theo hai bước.

Bước đầu tiên, thí sinh căn cứ vào khả năng và sở thích để xác định các nhóm ngành ưu tiên. Nhóm ưu tiên cao là các ngành có điểm xét tuyển nhỏ hơn điểm chuẩn năm 2023 khoảng 1 điểm. Nhóm ưu tiên vừa là các ngành có điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn năm 2023. Nhóm ưu tiên thấp là các ngành có điểm xét tuyển lớn hơn điểm chuẩn năm 2023.

Bước thứ hai, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của nhóm. Các ngành trong nhóm ưu tiên cao đặt trước, sau đó là các ngành trong nhóm ưu tiên vừa và cuối cùng là các ngành nhóm ưu tiên thấp.

Cũng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh cho biết, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đào tạo đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo mở đến ngày 30/7/2024 để các thí sinh đăng ký và sắp xếp nguyện vọng. Thí sinh cần lưu ý các vấn đề sau:

Thí sinh thực hiện quy trình trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đào tạo đại học chính quy của Bộ theo thứ tự, không bỏ sót một bước nào. Các em rà soát, kiểm tra kỹ các thông tin, ví dụ như đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên mà mình được hưởng để chỉnh sửa và hoàn thiện.

Khi kết thúc quy trình, thí sinh lưu trên tài khoản của mình để hệ thống ghi nhận dữ liệu mà thí sinh đã cung cấp. Nếu muốn điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cũng phải thực hiện quy trình đó từ đầu đến cuối.

Thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng mà mình mong muốn trên giấy trước, sau đó mới sắp xếp vào hệ thống để tránh tình trạng bị rối và nhầm lẫn. Các em nên sắp xếp những ngành mà mình mong muốn lên đầu.

Đồng thời, thí sinh chọn lựa kỹ ngành học phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, không nên lựa chọn theo xu hướng, xu thế. Tránh trường hợp sau 1, 2 năm học tập, các em không thấy ngành nghề phù hợp và phải thay đổi, dẫn tới tốn kém thời gian và tiền bạc.

Nếu đã đỗ xét tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký và sắp xếp nguyện vọng trên hệ thống của Bộ, nếu chưa đăng ký trên hệ thống của Bộ thì nguyện vọng của thí sinh chưa được ghi nhận và chưa có giá trị pháp lý.

Cuối cùng, thí sinh phải bảo mật tài khoản đăng ký để tránh tình trạng bị người khác sử dụng để đăng ký, sắp xếp lại nguyện vọng không theo mong muốn của mình.

Bích Ngọc