LTS: Vì học sinh nói tục nên cô giáo đã chỉ đạo, yêu cầu 23 học sinh trong lớp tát 230 cái vào mặt bạn, đồng thời cô giáo cũng tham gia tát một cái.
Hành động đáng lên án này đã khiến học sinh phải nhập viện trong tình trạng hai má bị sưng, không thể ăn uống được và tâm lý hoảng loạn.
Đây là hành vi đáng lên án về cả phương diện giáo dục lẫn pháp lý. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Hà Dung phân tích về hành vi có dấu hiệu hình sự này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Bất khả xâm phạm thân thể
Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm;
không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Vấn đề này cũng đã được Luật Giáo dục đặc biệt quan tâm khi đưa vào là hành vi cấm kị, nhà giáo không được làm, đó là: nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.
Em HLN. (học sinh lớp 6.2) phải nhập viện điều trị sau khi bị tát 230 cái vào má theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm. |
Các cơ quan cần phải xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề để có phương án xử lý phù hợp.
Thương tật cho học sinh trong vụ việc này, có thể không trực tiếp do cô giáo gây ra. Nhưng cô giáo là người chủ động chỉ đạo, yêu cầu 23 học sinh (những người phụ thuộc mình) tát bạn và bản thân cô cũng tham gia tát.
Hành vi này gây tổn hại trực tiếp cho sức khỏe của người bị hại và gây tổn thương tinh thần do bị xúc phạm nhân phẩm.
Học sinh nhập viện cấp cứu vì bị cô giáo ra lệnh cả lớp tát 230 cái |
Cụ thể, về vấn đề sức khỏe, nạn nhân trong vụ việc này đang phải nhập viện và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có kết quả chính thức về tỉ lệ tổn thương.
Những hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội “Hành hạ người khác” được quy định cụ thể tại điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Đối xử tàn ác ở đây được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.
Ở đây cô giáo không trực tiếp đánh 230 cái nhưng yêu cầu các học sinh khác (những người cũng lệ thuộc vào cô giáo) đánh học sinh này gây nên những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.
Trong vụ việc này, nạn nhân là học sinh đang tham gia học tập tại lớp lệ thuộc cô giáo, không giám phản kháng.
Chiếu theo điều luật này thì cô giáo đã vi phạm vào điểm 1 khoản 2 điều 140 nên có thể lãnh mức án từ 1 đến 3 năm tù.
Tội “Hành hạ người khác” được áp dụng khi việc đối xử tàn ác chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
Còn nếu xác định việc đánh học sinh là ý thức cố ý của cô giáo, ý thức được việc đánh đó sẽ gây tổn hại về sức khỏe thì phải truy cứu tội cố ý gây thương tích.
Đối với tội phạm này, nếu thương tích dù trên hay dưới 11% thì khả năng chịu trách nhiệm hình sự vẫn rất cao.
Bởi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác được quy định tại điểm e khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự thì:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương nếu dưới 11% nhưng thuộc trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 11% đến 30% thì sẽ bị phạt tù từ 02 đến 05 năm tù.
Tổn thất tinh thần rất nặng nề
Trong vụ việc này, học sinh bị bạn và cô giáo đánh không những bị tổn thương về mặt thể xác mà tâm lý sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Đình chỉ công tác cô giáo ra lệnh tát học sinh 230 cái |
Bước đầu tại bệnh viện Bác sĩ Lê Văn Hương - Phó trưởng khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Dinh Mười cho biết, qua thăm khám và điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu sang chấn tâm lý.
Đứng giữa lớp để chịu 231 cái tát, ở lứa tuổi mới lớn khó mà tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tổn thương về tinh thần.
Xét về mặt đạo đức nghề nghiệp thì cô giáo cũng đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức, gây tổn thương tinh thần không chỉ cho trực tiếp nạn nhân bị tát mà chính các em học sinh, bị ép tham gia tát bạn cũng là nạn nhân chịu những áp lực về tinh thần không hề nhỏ.
Bởi việc tát vào má bạn là việc mà không học sinh nào muốn thực hiện. Không khác nào việc “lấy học sinh trị học sinh” – một cách giáo dục thiếu nhân văn, thiếu tính giáo dục.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác định hành vi vi phạm pháp luật của cô giáo trong vụ việc này để có hình thức xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.