Khi giảng đường là vườn ươm doanh nghiệp.

18/07/2012 07:00
Theo VOV
(GDVN) - Các trường ĐH ở Ireland tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp sáng sủa, đầu tư hạ tầng, nhân lực, hỗ trợ vốn và các kỹ năng quản lý để hình thành các doanh nghiệp...
"Giáo dục luôn là điều đáng kính trọng, nhưng nên nhớ, đôi khi những điều được dạy là những cái không đáng biết." - Đại thi hào người Ireland - Oscar Wilde đã không hề trào lộng khi đúc kết điều này. Đó cũng là lý do khiến nền giáo dục ở quê hương Oscar Wilde hiện nay đặc biệt chú trọng tới khả năng ứng dụng. Đây cũng là nơi mà chương trình đào tạo của các trường đại học, các Viện công nghệ được chính các doanh nghiệp tham gia xây dựng.
Sinh viên vừa làm vừa học ở vườn ươm doanh nghiệp
Sinh viên vừa làm vừa học ở vườn ươm doanh nghiệp
Liên kết E-B-E. Hệ thống giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp của Ireland bao gồm 51 tổ chức, thuộc 7 trường đại học, 14 viện công nghệ, cùng với một số trường tư thục nhưng được nhà nước hỗ trợ. Tất cả các tổ chức giáo dục này đều có sự kết nối, tương hỗ chặt chẽ với các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế theo mối liên kết vòng Education - Business - Education. Theo đó, các tổ chức giáo dục đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu trực tiếp của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư trở lại cho các tổ chức giáo dục bằng cách tham gia vào việc xây dựng chương trình, tiếp nhận, đào tạo sinh viên thực hành kỹ năng. Mối liên kết E-B-E không chỉ thể hiện ở việc cung cấp nhân lực và nhận đầu tư trở lại mà còn được nâng lên một mức độ gắn kết chặt chẽ bằng mô hình vườn ươm doanh nghiệp ở các trường đại học và viện công nghệ. Không ít doanh nghiệp thành công của Ireland hiện nay được khởi sự từ những ý tưởng được ươm mầm dưới các mái trường. Đúng với cái tên "vườn ươm doanh nghiệp" các trường đại học tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp sáng sủa, đầu tư hạ tầng, nhân lực, hỗ trợ vốn và các kỹ năng quản lý để hình thành các doanh nghiệp, sau đó nuôi nấng đến khi doanh nghiệp đó phát triển, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi thành công, những doanh nghiệp đó sẽ thực hiện cam kết đóng góp trở lại cho các trường tiếp tục ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Lãnh đạo các doanh nghiệp đó cũng sẽ tham gia xây dựng các chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy bằng chính kinh nghiệm thành công của mình. Mối liên kết E-B-E cũng được thể hiện bằng những chương trình thực tập chiếm tới ¼ thời gian học tập của sinh viên. Hầu hết các tổ chức giáo dục ở Ireland đều bắt buộc sinh viên trải qua hai kỳ thực tập, mỗi kỳ kéo dài 6 tháng tại các doanh nghiệp. Sự va đập trong thực tiễn công việc không chỉ giúp sinh viên gia tăng kỹ năng, mà còn tạo nên môi trường rất tốt cho sinh viên thực hành, làm quen với môi trường thật của công việc, của ngành nghề mà họ được đào tạo. Đây cũng là lý do khiến ông Stephen McManus, thuộc Ban Quốc tế của Viện công nghệ Dundalk tự tin khẳng định sinh viên tốt nghiệp các trường ở Ireland hoàn toàn tự tin làm việc ở bất cứ môi trường nào trên toàn thế giới. Điều này cũng được chứng minh bằng việc Iredand được xếp vị trí số 1 thế giới về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao (theo niên giám cạnh tranh toàn cầu 2010).
Trường Đại học
Trường Đại học
Công nghệ giáo dục. Nhìn vào tương quan đào tạo sau bậc phổ thông của Ireland có thể thấy ngay số lượng 14 Viện công nghệ so với 7 trường đại học tổng hợp. Các Viện công nghệ của Ireland được lập ra cùng thời điểm đất nước này chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, với nhiệm vụ cụ thể là đào tạo nhân lực có khả năng làm việc cho các công ty nước ngoài đến đầu tư tại Ireland. Chương trình học ở đây được xây dựng một cách rất cụ thể để đào tạo ra những con người hữu ích cho việc phát triển kinh tế, và mối liên hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp cũng được hình thành từ đó. Các Viện công nghệ tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp về chương trình đào tạo, mời lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp xét duỵệt mức độ phù hợp của nội dung giảng dạy. Tư duy cầu thị tạo tiền đề cho năng lực thích ứng của các Viện công nghệ. Thập niên 80 của thế kỷ 20, khi ngành công nghiệp điện tử, các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử bùng nổ thì các Viện công nghệ tập trung vào việc đào tạo một số lượng lớn sinh viên ngành này. Sang thập niên 90, ngành tin học và sản xuất máy tính bắt đầu phát triển thì lập tức các Viện công nghệ của Ireland cũng đào tạo ra rất nhiều kỹ sư tin học. Kết quả của sự thích ứng nhanh chóng này khiến cho đất nước chỉ hơn 4 triệu dân nhưng chỉ đứng sau Mỹ trong việc sản xuất phần mềm, trên cả cường quốc phần mềm Ấn Độ. Thời điểm hiện tại, khi mà Ireland đã bỏ lại quá khứ đói nghèo sau hơn 30 năm để trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới với GDP bình quân đầu người lên tới 37.000 USD thì Chính phủ bắt đầu khuyến khích người dân khởi sự doanh nghiệp riêng của mình. Các Viện công nghệ Ireland giờ đây lại mang một sắc thái khác, tất cả các chương trình học đều được xây dựng với ý tưởng: Làm doanh nghiệp và sáng tạo.
McParland, Quản lý giáo dục của Phòng thương mại Ireland
McParland, Quản lý giáo dục của Phòng thương mại Ireland

- Ireland thu hút 25% dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ.
- 12% tổng số sinh viên đang theo học các trường đại học, viện công nghệ Ireland là du học sinh nước ngoài.
- Ireland được xếp vị trí số 1 thế giới về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao (theo Niên giám cạnh tranh toàn cầu 2010).
Khi giáo dục là lựa chọn để phát triển. Vào thời điểm hiện tại, khi đất nước nhỏ bé này thu hút tới 30.000 du học sinh mỗi năm, và chất lượng của nền giáo dục đứng hàng đầu thế giới, ít người còn nhớ đến những khó khăn đã từng tồn tại. Đại sứ Ireland tại Việt Nam, ông Damien Cole đã từng chia sẻ:"Hơn 20 năm trước, khi mà sự đầu tư cho chương trình đào tạo chưa có sự chuẩn bị tốt thì việc trang bị kiến thức cho sinh viên chưa thực tế nên khi ra trường vẫn còn rất khó khăn để tìm việc làm." Tuy nhiên, Ireland đã lựa chọn giáo dục là yếu tố cốt lõi của phát triển để đầu tư một cách mạnh mẽ. Đứng thứ 8 thế giới về chi tiêu công cho giáo dục, tính trên đầu người. Chiến lược phát triển quốc gia về giáo dục và đào tạo 2007 -2013 cho thấy đất nước này dành tới 6 tỷ EURO cho nghiên cứu, trong đó 3,5 tỷ cho các Viện giáo dục đại học; 13 tỷ EURO cho hạ tầng và các sáng kiến, và cam kết tăng mỗi năm 10% tổng đầu tư phát triển tri thức quốc gia. Sự đầu tư mạnh mẽ và liên tục cho giáo dục đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho Ireland khi đất nước này trở thành địa chỉ thu hút đầu tư số 1 châu Âu nhờ khả năng đáp ứng nguồn nhân lực  chất lượng cao. Dù là một đảo quốc nhỏ bé nhưng Ireland là nơi được hầu hết những thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực công nghệ như IBM, Google, Facebook, Twitter, Linkidln, hay Paypal chọn làm nơi đặt trụ sở châu Âu. Các chỉ số phát triển của Ireland cũng luôn đứng hàng đầu thế giới. Là nước đứng đầu khu vực đồng tiền chung châu Âu về môi trường kinh doanh tốt. Đứng thứ 2 thế giới về các công ty lớn có hiệu quả theo chuẩn quốc tế, cũng như khả năng thích ứng nhanh của các công ty.
Điểm nóng
Bài dự thi số 01: Viết cho các bạn - Những CĐV Ireland tôi ngưỡng mộ Giải thưởng hấp dẫn cho cuộc thi viết: “Tìm hiểu về đất nước Ireland"
Bài dự thi số 02: Ireland-Quyến rũ trái tim cô gái Việt vì một nụ cười Thông tin, điều lệ, cơ cấu giải thưởng cuộc thi "Tìm hiểu Ireland".
Bài dự thi số 03: Ai Len - đất nước yêu chuộng hòa bình. Bài dự thi số 04 - Về với thiên đường trong mộng - Ái Nhĩ Lan.
Theo VOV