Nhiều trường hoang mang
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ sẽ tiến hành lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển, trong đó có xét học bạ. Quy định lọc ảo này đang khiến nhiều trường đại học hoang mang, lo lắng trong việc chủ động tuyển sinh.
Việc lọc ảo chung theo dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khiến nhiều trường hoang mang. Ảnh: AN |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng công tác sinh viên (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) cho hay, bản thân Đại học Đà Nẵng cũng đã xây dựng ra 3 phương án và yêu cầu các trường lựa chọn 1 trong 3 phương án đó.
“Cụ thể, phương án 1 là theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tức là cứ đợi đến tháng 7 thì tiến hành đăng ký cùng một lần.
Còn phương án 2 và 3 là các trường tiến hành sơ tuyển trước. Những em tốt nghiệp xong thì có thể nộp hồ sơ để nhập học trước nhưng Bộ cũng không cho nhập học mà phải đăng ký lên hệ thống của Bộ.
Như vậy, khi đã sơ tuyển rồi thì nhà trường sẽ đóng cổng đăng ký tuyển sinh lại hay mở ra. Lúc đó, trường đã có quyền công bố thí sinh đã trúng tuyển hay chưa? Nếu thí sinh đã trúng tuyển, trường tuyển đủ rồi thì không được tuyển thêm nữa.
Nếu không tuyển thêm thì những em chưa được đăng ký có mất quyền lợi hay không? Bởi vì thời điểm đăng ký chưa đến nên học sinh có thể đăng ký sơ tuyển sớm hoặc muộn, chỉ cần trong thời gian quy định là được.
Sơ tuyển xong thì công bố luôn điểm chuẩn. Những em cao hơn điểm chuẩn sẽ nộp hồ sơ vào. Nếu mở cổng đăng ký tuyển sinh cho các em nộp thì sẽ xảy ra hệ quả là những em đã được công bố trúng tuyển trước đó có nguy cơ bị trượt. Nếu trường đóng cổng đăng ký lại thì mất quyền lợi của các em đăng ký sau”.
Cũng theo thầy San, khi công bố trúng tuyển nhưng lại phải đăng ký trên hệ thống của Bộ và lúc đấy các em sẽ biết là trúng sơ tuyển rồi. Nhưng nhà trường không biết các em có đăng ký nguyện vọng 1 hay không?
Khi đó nếu nhà trường đóng cổng tuyển sinh lại thì có khi lại tuyển thiếu chỉ tiêu. Trường hợp nhà trường mở cổng đăng ký tuyển sinh thì nguy cơ các em đã được xác định sơ tuyển trúng rồi lại có thể trượt.
Nhiều thay đổi bất ngờ
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 thì bỏ hẳn chế độ học sinh trường chuyên ra khỏi danh mục được tuyển thẳng vào các trường đào tạo sư phạm.
Trước đây, theo quy chế tuyển sinh, các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với học sinh đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải nếu đáp ứng điều kiện gồm:
Ba năm học trung học phổ thông chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
“Lâu nay, các em học trường chuyên thường xác định đạt được 3 năm học sinh giỏi thì được tuyển thẳng vào sư phạm hoặc 3 năm học sinh giỏi và thi đạt giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố, trung ương thì được tuyển thẳng.
Nhưng trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022 của Bộ không có hạng mục này, khiến các trường sư phạm cũng bất ngờ mà học sinh cũng bất ngờ.
Như vậy, riêng đối với ngành Sư phạm và khối ngành sức khỏe thì Bộ can thiệp hoàn toàn, chứ các trường không tự chủ”.
Thầy San cũng lấy ví dụ, đối với các em học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) đạt thành tích học sinh giỏi 3 năm liền cũng phải chuyển sang xét học bạ và xét như những học sinh khác.
Như vậy có thể sẽ xuất hiện trường hợp hy hữu là học sinh chuyên Toán thì có thể hoàn toàn bị loại bởi một em học ở trung tâm giáo dục thường xuyên nếu em này có tổng điểm (học bạ) cao hơn. Như vậy, trường chuyên sẽ không “chiến đấu” được với ngay cả học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên.
Quay trở lại với câu chuyện lọc ảo chung 1 lần thì thầy San cho rằng, mọi năm đều có làm rồi nhưng Bộ không cương quyết với các trường làm trễ.
“Ví dụ như đến thời điểm này thì tất cả các trường phải nhập thí sinh đã xác nhận trúng tuyển lên hệ thống để lọc ra khỏi hệ thống ảo. Để khi xét điểm trung học phổ thông thì không còn em ấy nữa.
Nhưng thực tế là có rất nhiều trường chây ì không nhập lên. Đáng lẽ Bộ nên quyết tâm theo kiểu trường nào không chịu nhập lên là xóa luôn. Chứ không thể gom hết để về xử lý chung 1 lần như thế này. Việc xử lý lọc ảo cũng khá đơn giản, chỉ cần Bộ làm chặt chẽ hơn”, thầy San nói.
Năm nay, có một điểm khác là đối với Sở Giáo dục và Đào tạo thì chỉ lo thi trung học phổ thông, còn việc xét tuyển đại học thì không liên quan đến Sở, không thu tiền, không đăng ký hộ…
Vậy thì vấn đề phát sinh là những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông năm trước muốn đăng ký lại (xét học bạ) thì các em sẽ đăng ký ở đâu và ai là người nhập các dữ liệu thông tin của các em lên hệ thống của Bộ để mà xét – thầy San băn khoăn.