Dự thảo sửa đổi Thông tư 01-04 giải quyết được nhiều bất ổn trong nhà trường

06/06/2022 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, bước đầu đã mang lại làn gió mới, mang lại những tín hiệu tích cực hơn trong ngành giáo dục.

Ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT về việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường công lập.

Dù ở hạng nào, giáo viên đều cùng chung một nhiệm vụ như nhau (Ảnh tác giả)

Dù ở hạng nào, giáo viên đều cùng chung một nhiệm vụ như nhau (Ảnh tác giả)

Kể từ khi chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT này được ban hành, nó đã tạo nên nhiều bức xúc trong các trường học, trên các diễn đàn giáo dục vì vướng khá nhiều bất cập.

Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, bước đầu đã mang lại làn gió mới, mang lại những tín hiệu tích cực hơn trong ngành giáo dục, đặc biệt đã giúp cho hàng ngàn thầy cô giáo có cơ hội được trụ hạng (từ hạng II cũ chuyển sang hạng II mới) mà trước đó đã phải xuống hạng một cách tức tưởi.

“Cuộc chiến” xếp hạng ở trường

Hàng trăm nghìn thầy cô giáo trên cả nước đã được bổ nhiệm hạng II theo chùm các Thông tư 20,21,22,23/2015 /TTLT-BGDĐT-BNV.

Sau khi chùm các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ra đời thì hàng trăm nghìn nhà giáo đã được bổ nhiệm trước đó có nguy cơ phải xuống hạng III vì thiếu năm công tác hoặc thiếu nhiệm vụ.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, ngay sau khi chùm các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực vào ngày 20/03/2021, tại địa phương người viết, các trường học cũng đã tổ chức chuyển xếp hạng giáo viên.

Nhiều giáo viên đang ở hạng II cũ không được xét chuyển sang hạng II mới và có nguy cơ xuống hạng III.

Có trường đã xảy ra “cuộc chiến” giữa hiệu trưởng và tập thể (khi ấn định chỉ tiêu trong việc xét giữ hạng), khi xét cho giáo viên này có phần du di nhưng giáo viên khác lại tỏ ra khá khắt khe.

Rồi những xích mích giữa các cá nhân trong tổ với nhau. Nhiều cuộc "đấu tố" nổ ra, những phân bì, đố kị xảy ra khi vì sao bạn lại được bầu chọn giữ hạng II còn mình lại không?

Thế rồi, những bất bình dẫn đến thưa kiện, làm môi trường giáo dục trở nên căng thẳng và bất ổn.

Thầy giáo H. một đồng nghiệp của tôi dạy tại Biên Hòa chia sẻ: “Tôi ra trường được 6 năm, đã giữ hạng II được 4 năm, hiện đang nhận mức lương 2.67. Nếu theo quy định của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì tôi có đầy đủ các yêu cầu nên phải được xét chuyển qua hạng II mới với hệ số lương là 4.0.

Thế nhưng, nhà trường lại chuyển tôi xuống hạng III với lý do chưa đủ năm công tác theo quy định trong Thông tư 02/2021 là 9 năm.

Còn bản thân người viết và rất nhiều đồng nghiệp của mình cũng đã không có tên trong danh sách chuyển qua hạng II mới mà phải xuống hạng III với lý do thiếu nhiệm vụ.

Những nhiệm vụ của giáo viên hạng II được quy định ở Thông tư 02/2021 gần như chỉ tổ trưởng mới làm. Điều vô lý ở chỗ, có giáo viên đã làm tổ trưởng gần 20 năm mới xin nghỉ vài năm cũng mất luôn cơ hội trụ hạng. Ngược lại, giáo viên trẻ hơn đang ở hạng II cũ nhưng vừa được bổ nhiệm chức tổ trưởng chuyên môn thì nghiễm nhiên được chuyển qua hạng II mới.

Mức lương của một giáo viên trẻ ấy đang ở 3.67 (hạng II cũ) được điều chỉnh qua mức lương 4.0 của hạng II mới ngang bằng với một thầy cô giáo có thâm niên nghề gần 20 năm.

Điều bất cập này, nhiều hiệu trưởng nói cũng rất thấu hiểu, rất cảm thông. Tuy nhiên, quy định của thông tư phải căn cứ vào “nhiệm vụ đang đảm nhận” nên không thể xét du di được.

Những bất cập đã được tháo gỡ

Dự thảo Thông tư mới đã làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.[1]

Không căn cứ vào nhiệm vụ để xét mà chú trọng vào năng lực, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng. Điều này, đã gỡ khó cho nhiều trường khi tổ chức xếp hạng, đỡ mất bao công sức lục tìm hồ sơ lưu trữ theo yêu cầu, giáo viên cũng đỡ mất bao thời gian chạy đôn đáo về trường cũ cậy nhờ xem lại hồ sơ lưu trữ để tìm giấy quyết định, giấy điều động công tác trước đó.

Điều này, đã mang lại niềm vui cho nhiều thầy cô giáo đang ở hạng II cũ nhưng hiện không còn làm tổ trưởng chuyên môn, đã giúp cho nhiều trường học không bị áp lực khi tiến hành xét chuyển hạng cho giáo viên.

Với dự thảo chùm Thông tư 01-04 khi có hiệu lực, nhiều nhà giáo ở khắp nơi có cơ hội được trụ hạng II cũ và chuyển sang hạng II mới mà không phải bị xuống hạng tức tưởi như trước đây.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên