Đưa tác phẩm lớp trên xuống chương trình Ngữ văn 10 mới là quá sức với HS

24/12/2022 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đưa các tác phẩm hiện hành ở lớp cao xuống lớp dưới là quá sức với học sinh lớp 10 vốn đã quen với lối học chương trình cũ. 

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 nên giáo viên và học sinh không tránh khỏi khó khăn, trong đó có việc dạy và học môn Ngữ văn.

Theo chia sẻ của một số giáo viên hiện đang dạy môn Ngữ văn lớp 10, thực tế hiện nay, họ đang chủ yếu vừa dạy vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm và được ví như những người “mở đường”.

Ở chương trình mới, môn Ngữ văn được đánh giá có nhiều ưu điểm, nhưng cũng tạo ra vất vả hơn cho giáo viên so với chương trình cũ (chương trình giáo dục phổ thông 2006). Hiện, giáo viên chủ yếu hỗ trợ học sinh quen dần với cách học, chưa yêu cầu cao về điểm số vì sách giáo khoa mới nhưng đa số học sinh còn tư duy cũ, chưa "bắt nhịp" được với cách học mới.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên có thâm niên gần 20 năm dạy môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông tâm sự rằng, năm học 2022-2023, cô dạy môn Ngữ văn lớp 10, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. Hầu hết học sinh lớp 10 còn bị ảnh hưởng bởi lối dạy và học cũ là đọc, chép, tư duy cũ, dẫn đến "lệch nhịp" khi tiếp cận với chương trình mới.

“Lối học văn cũ là theo kiểu đọc, chép, học thuộc nội dung bài học, đến khi vào các bài thi, học sinh cứ thế viết theo những gì đã học, làm tốt, điểm cao. Tuy nhiên, ở chương trình mới, giáo viên không thể duy trì cách dạy và học này đối với học sinh.

Khi tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở môn Ngữ văn lớp 10, việc đổi mới cách tiếp cận cho học sinh đã quen theo chương trình cũ sẽ không tránh khỏi những khó khăn về kiến thức, phương pháp và kỹ năng.

Chương trình mới, kiến thức nặng, khó, phương pháp dạy học đòi hỏi đổi mới, sáng tạo trong khi thực tế giáo viên còn đơn điệu, lúng túng. Học sinh chưa quen hay được rèn nhiều về các kỹ năng đọc, nghe, nói, viết”, giáo viên này chia sẻ.

Đổi vị trí nhiều tác phẩm có thể gây quá sức với học sinh

Cũng theo chia sẻ của một số giáo viên, chương trình Ngữ văn lớp 10 có những điểm còn khó khăn trong quá trình dạy và học.

Thứ nhất, việc đưa một số tác phẩm ở những lớp cao (theo chương trình 2006) xuống chương trình lớp 10 (theo chương trình 2018) là hơi quá sức đối với học sinh do các em mới từ bậc trung học cơ sở chuyển lên, vốn quen được học theo chương trình cũ.

Đơn cử, những tác phẩm được cho là quá khả nặng đối với hầu hết học sinh lớp 10 như "Tuyên ngôn độc lập" (của tác giả Hồ Chí Minh), "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (của tác giả Lưu Quang Vũ)… vốn được học ở lớp 12 (chương trình 2006) nay lại chuyển xuống học ở lớp 10. Bởi, đây là những tác phẩm kinh điển, đơn vị kiến thức dày, khó.

Thứ hai, các ngữ liệu gợi ý trong sách giáo khoa chưa cụ thể, còn gộp chung, gây khó cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình học tập.

Thứ ba, chương trình mới không có bài khái quát văn học, khái quát lịch sử văn học như chương trình 2006. Thay vào đó, là những bài học theo dạng đọc hiểu các văn bản và được tìm hiểu với những kiến thức rất sơ giản.

“Từ năm học 2022-2023, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Ở môn Ngữ văn nói riêng, bản thân giáo viên phải tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập.

Khác với trước đây, giáo viên hiện nay phải dành nhiều thời gian cho các hoạt động như: thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ. Đáng nói, việc hướng dẫn, cảm thụ thẩm mỹ còn phụ thuộc theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học khác nhau”, giáo viên này cho hay.

Cũng theo chia sẻ của một số giáo viên khác, trong quá trình dạy học, họ phải thường xuyên giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của từng học sinh. Do đó, giáo viên phải “dạy thật”, đánh giá thật năng lực của học sinh thì mới có căn cứ để giao nhiệm vụ.

“Mỗi lần giao nhiệm vụ cho học sinh, chúng tôi phải nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm đầu ra mà học sinh cần phải hoàn thành. Đồng thời, nhắc nhở thường xuyên, chú trọng việc kiểm tra, đánh giá, song song với hỗ trợ, động viên, khích lệ học sinh rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để dạy tốt chương trình mới, chúng tôi xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy môn Ngữ văn theo mục tiêu tăng cường rèn luyện phương pháp học cho học sinh. Hướng dẫn các em thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học trong và ngoài lớp, trường”, một giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10 ở Hà Nội chia sẻ.

Tập trung hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản

Cũng theo một số giáo viên, lấy ví dụ, đối với dạy kỹ năng đọc, giáo viên phải xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu các văn bản. Thông qua đó, hình thành những phẩm chất, nhân cách sống. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh.

Để khơi dậy kỹ năng đọc, giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của giáo viên hay của bất kỳ ai để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của bản thân học sinh. Giáo viên tránh đọc, chép và yêu cầu học sinh phải ghi nhớ những kiến thức một cách máy móc, khuôn mẫu.

Đối với dạy kỹ năng viết, giáo viên chú trọng yêu cầu giúp học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyến phục để qua đó rèn tư duy và cách viết các thể loại văn bản khác nhau. Ở chương trình mới, giáo viên tập trung nhiều hơn vào việc hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản.

Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, vị nhà giáo chia sẻ: “Mỗi thành viên trong tổ chuyên môn sẽ phải tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

Đầu tiên, phải tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy và học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tiếp đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn thông qua hội nghị, hội thảo, học tập giao lưu giữa các nhà trường".

Giáo viên cần quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn thực hiện theo Công văn số 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 21/7/2022.

“Theo tinh thần của công văn, tôi hiểu rằng, khi ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, giáo viên cần tránh sử dụng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa, mà sẽ sử dụng ngữ liệu mới hoàn toàn nhưng cùng thể loại với các văn bản đã học. Cách xây dựng đề này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc văn mẫu, các bài phân tích đã từng học, lối suy nghĩ, quan điểm của người khác để cứ thế ghi nhớ và chép vào bài thi của mình”, một giáo viên dạy Ngữ văn chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề xây dựng đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, một vị Hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở Hà Nội chia sẻ, trong quá trình dạy học và xây dựng đề, giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào ngữ liệu mới.

“Văn học là nhân học - Học văn là học làm người. Giáo viên phải coi bài kiểm tra đánh giá là cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm cảm thụ mới, mang đậm cá tính, tư chất riêng biệt. Đề kiểm tra phải gợi mở, kích thích những liên tưởng, tưởng tượng, đồng thời, huy động được vốn sống vào quá trình xử lý các tình huống văn học, cũng như hình thành kỹ năng sống đời thường”, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Để khắc phục những hạn chế trong dạy và học môn Ngữ văn nói riêng và các môn của chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung, giáo viên cần quan tâm đến tình hình, khả năng học tập của mỗi học sinh trong quy mô lớp. Trong đó, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, rèn kỹ năng cho học sinh thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá đa dạng, không bó hẹp như các hình thức cũ.

Cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, cốt cán, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên – nhân tố quan trọng quyết định thực hiện hiệu quả chương trình mới.

“Bồi dưỡng bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trong tổ, nhóm chuyên môn để trao đổi cách dạy, tổ chức các tiết dạy chuyên đề, dự giờ, rút kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau. Nâng cao vai trò của quản lý trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, động viên, khích lệ giáo viên dạy tốt, không gây áp lực.

Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh.

Tất cả những khó khăn, bất cập, mỗi giáo viên và nhà trường đang từng bước khắc phục, tháo gỡ để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của chương trình mới”, vị Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ngọc Mai