Đứa trẻ bật khóc vì áo bố ướt đẫm mồ hôi, tóc mẹ ngày nào cũng có mùi gà

28/01/2021 09:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy lắng nghe, chia sẻ, khơi dậy tình yêu thương trong trái tim, trẻ sẽ có suy nghĩ và hành động đúng đắn, trở thành người tử tế.

Guồng quay của cuộc sống hiện đại đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Những việc đơn giản như nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, chia sẻ những câu chuyện, tình cảm, cảm xúc trong cuộc sống dường như cũng trở nên khó khăn hơn.

Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy - Chuyên gia giáo dục kỹ năng Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng cho biết: “Muốn xóa bỏ khoảng cách vô hình giữa bố mẹ và con cái, cần có sự thấu hiểu, sẻ chia từ hai phía, đặc biệt là bố mẹ cần chủ động gần gũi và chia sẻ cùng con”.

“Công chúng hoá” lỗi lầm của trẻ và những tác dụng ngược

Theo Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, nhiều bố mẹ hiện nay thường có thói quen giáo dục con bằng cách “công chúng hóa lỗi lầm” của con mình.

Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ chưa tìm hiểu nguyên nhân, đã vội kết tội, chỉ trích, phê bình con... điều này sẽ gây ảnh hưởng, tác động rất lớn đến cảm xúc, tâm lý của trẻ.

“Đôi khi, những ứng xử sai lệch, thiếu chuẩn mực, thậm chí là thái độ bất cần của một đứa trẻ lại bị tác động từ hoàn cảnh gia đình, từ những cú sốc tâm lý.

Nếu bố mẹ, thầy cô đều không thấu hiểu trẻ, chỉ nhìn vào lỗi lầm sẽ khiến các con tổn thương hơn, mối quan hệ ngày càng trở nên xa cách.

Nghiêm trọng hơn, những đứa trẻ ấy sẽ mất lòng tin vào bố mẹ, vào những người thân yêu nhất và dễ sa ngã, sai lầm nối tiếp những sai lầm”, cô Thủy cảnh báo.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy cho rằng, việc chỉ trích, phê bình, đưa ra hình phạt nặng không phải là phương pháp giáo dục hiệu quả đối với con trẻ (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy cho rằng, việc chỉ trích, phê bình, đưa ra hình phạt nặng không phải là phương pháp giáo dục hiệu quả đối với con trẻ (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Là một giáo viên tâm huyết với công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, cô Thủy đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn về giáo dục của một số phụ huynh, sai lầm lớn nhất của bố mẹ là “công chúng hoá” lỗi lầm của con.

Cô Thủy chia sẻ: “Tôi biết đến một học sinh bỏ học nhiều ngày, bố mẹ đến tận trường học và trách mắng, quát tháo con trước mặt bạn bè, thầy cô. Hành vi ứng xử như vậy là hoàn toàn sai lầm, đứa trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, thậm chí trở nên tức giận, bất mãn với bố mẹ, với mọi người xung quanh mà không nhìn vào lỗi lầm của mình để thay đổi”.

Bố mẹ phải lắng nghe, thấu hiểu, gần gũi, sẻ chia cùng con những câu chuyện và cả những sai lầm trong cuộc sống. Lỗi lầm là điều không ai tránh được, chúng ta không thể đòi hỏi sự hoàn hảo không tì vết ở một đứa trẻ.

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, tư duy, thị hiếu, tâm lý của trẻ có nhiều điều khác biệt so với xã hội ngày xưa, vì vậy không nên áp đặt con theo mong muốn của mình, không nên trách mắng hay sử dụng những hình phạt nặng, vì chẳng ai muốn bị chê trách.

Giáo dục trẻ cần tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Giáo dục trẻ cần tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Bố mẹ cần giúp các con nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm đó bằng sự kiên nhẫn, bằng một trái tim yêu thương, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và bằng cả sự chân thành.

Để làm rõ quan điểm này, cô Thủy đã chia sẻ về câu chuyện về tâm lý lứa tuổi cùng cách ứng xử của bố mẹ: “Khi một học sinh nữ lớp 7 có bạn trai với mức tình cảm yêu đương tuổi học trò. Bố mẹ bạn ấy biết chuyện, họ đã đến trường la mắng bạn nam, yêu cầu bạn nam ấy chấm dứt quan hệ với con gái mình.

Rõ ràng, cách ứng xử này đã khiến cả hai bạn đó cảm thấy xấu hổ, vì tình cảm riêng tư ấy đang bị chính bố mẹ chỉ trích trong trường học, trước mặt bạn bè.

Bạn nữ sinh sẽ thất vọng, mất niềm tin vào bố mẹ mình, sẽ cho rằng bố mẹ không hiểu mình, cũng sẽ không bao giờ tâm sự câu chuyện, nỗi lòng tâm tư, tình cảm của mình với bố mẹ. Như vậy, bố mẹ càng ngày càng xa con, không hiểu được con, khoảng cách cứ thế lớn dần”.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy nêu giải pháp, trong trường hợp này, bố mẹ cần gần gũi, quan tâm, chia sẻ với con mình, không nên phủ nhận tình cảm của con, không được quy kết, chỉ trích tình cảm tuổi học trò là sai lầm.

Bố mẹ cần giúp con hiểu rằng, tình yêu tuổi học trò không phải là sai lầm, tình cảm ấy chỉ sai nếu các con sa đà vào câu chuyện đó dẫn đến những hệ quả không tốt, làm ảnh hưởng tới học tập.

Hãy để con con nhận thức được rằng tình cảm đó chỉ đẹp khi cả hai là bạn của nhau và cùng giúp nhau phấn đấu vươn lên, quan hệ yêu đương ở tuổi con chưa phù hợp.

Cách giáo dục con tốt nhất là giúp con tự nhận ra vấn đề, không phải chỉ trích, đưa lỗi lầm của con ra để phê bình và trách phạt nặng nề.

Cô Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ với học sinh về công ơn của bố mẹ, giúp các em hiểu về giá trị của tình thương yêu (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Cô Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ với học sinh về công ơn của bố mẹ, giúp các em hiểu về giá trị của tình thương yêu (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Khơi dậy cảm xúc trong trẻ về tình yêu thương

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy cho rằng, để xóa bỏ khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, ngoài việc chia sẻ, gần gũi, thấu hiểu con thì cần phải giúp trẻ khơi dậy những cảm xúc yêu thương, đặc biệt là cần dạy trẻ biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi.

Tình yêu thương, sự sẻ chia, thấu hiểu ấy không chỉ đến từ một phía là bố mẹ, mà những đứa trẻ cũng cần học cách thấu hiểu, chia sẻ.

Trong khi con trẻ chịu áp lực với việc học tập thì bố mẹ cũng có những áp lực cuộc sống. Một lời nói, một hành động nhỏ của các con sẽ là động lực to lớn để bố mẹ vượt qua khó khăn, quên đi những mệt nhọc của cuộc sống đời thường.

Tình yêu thương, sự sẻ chia không thể xuất phát từ một phía, vậy nên hãy trò chuyện, chia sẻ mỗi ngày để hiểu nhau hơn, để giúp các con sẽ được khơi dậy những cảm xúc yêu thương, hiểu được công ơn, những vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ.

Và khi đã có sự quan tâm, thấu hiểu, các con cũng sẽ chủ động chia sẻ những câu chuyện của bản thân mình. Đó chính là sợi dây để kết nối tình yêu thương.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà những đứa trẻ biết cách yêu thương, sẻ chia, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Đó chính là nhiệm vụ của bố mẹ, của thầy cô, của nhà trường, để con hiểu và nói lời yêu thương nhiều hơn.

Trong trường học cũng cần quan tâm giáo dục các con những kỹ năng sống, cảm xúc, đạo đức... để có hướng suy nghĩ đúng, hành xử đúng.

Hãy khơi dậy những cảm xúc tốt đẹp và tình yêu thương trong trái tim những đứa trẻ (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Hãy khơi dậy những cảm xúc tốt đẹp và tình yêu thương trong trái tim những đứa trẻ (Ảnh: Cô Thủy cung cấp)

Cô Thủy chia sẻ: “Khi thực hiện những chuyên đề giáo dục về kỹ năng sống như ‘Điều con muốn nói’, ‘Làm bạn cùng con’, tôi đã giúp các em học sinh hiểu về công ơn của bố mẹ, hiểu về tình yêu thương, giá trị của những lời nói yêu thương.

Trong những buổi sinh hoạt như vậy, có em học sinh đã bật khóc và chia sẻ rằng: Bố em làm bốc vác ở kho sắt. Mỗi ngày đi làm về, áo bố ướt sũng, em hỏi thì bố bảo nước rơi vào áo bố. Nhưng giờ thì em biết rồi, đó là mồ hôi.

Mẹ em chăn nuôi gà, tay mẹ có mùi gà, tóc cũng vậy. Em thương mẹ mà không bao giờ nói được điều đó.

Có em lại nuối tiếc trong dòng nước mắt: Em biết em làm mẹ buồn nhiều, nhưng em không biết nói lời xin lỗi mẹ.

Những tình cảm, cảm xúc trong mỗi đứa trẻ đều đơn thuần như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách khơi dậy những cảm xúc yêu thương đó, cần dạy trẻ học cách yêu thương, cảm thông, chia sẻ. Chính điều này sẽ giúp điều chỉnh thái độ, hành vi, ứng xử của trẻ trong cuộc sống, giúp trẻ thấu hiểu để yêu thương nhiều hơn”.

Phạm Minh