LTS: Tiếp tục loạt bài về truyền thống tôn sư trọng đạo và chiếc phong bì, Tòa soạn đăng tải, chia sẻ, ý kiến của Ths. Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) với góc độ vừa là một giáo viên, vừa là một phụ huynh.
Theo thầy Hiếu, đây chỉ là ý kiến mang tính cá nhân, là những tâm sự cởi mở và chân thành của một người trong cuộc.
Qua rồi cái thời xa vắng ấy.
Nhớ cái thời xưa gian khó ấy, mỗi khi đến dịp ngày lễ của thầy cô giáo, thủa học trò chúng tôi đều háo hức tụ tập để bàn chuyện đến thăm thầy cô bằng những món quà thật đơn giản như 1 bó hoa nhỏ, vài quả cam, trái ổi, nắm rau hái từ vườn, 1 tấm thiếp, 1 cuốn sổ tay mà chúng tôi đã giao 1 bạn có chữ đẹp nhất thay mặt lớp viết lên tấm thiếp những dòng chữ hồn nhiên nhất chúc mừng thầy cô.
Hơn 20 năm đi dạy, tôi cũng đã từng đón nhiều học trò đến thăm và chúc mừng gia đình tôi vào những ngày lễ, dịp Tết. Tôi nhớ nhiều những dịp , các em đi bằng xe đạp, tập trung đầy đủ cả lớp và đi đến nhà các thầy cô. Có những lúc tôi thấy lúng túng vì có nhiều nhóm, nhiều lớp đến cùng một lần, nhà chật không có chỗ để ngồi, nước không đủ uống. Sau khi các em về đã để lại 1 “bãi chiến trường” vỏ kẹo, hạt hướng dương nhưng sao tôi thấy thật vui và ấm cúng.
Ảnh minh họa. Báo Gia đình Việt Nam |
Trong những năm gần đây, hình ảnh những tốp các em học sinh rồng rắn nối đuôi nhau đến thăm và chúc mừng thầy cô trong ngày lễ, Tết ít dần. Thay vào đó, là từng nhóm đại diện cho Hội phụ huynh của lớp mang phong bì hoặc những lẵng hoa thật đẹp đến và đi một cách chóng vánh như hiện tượng ca sỹ “chạy xô” cho xong nhiệm vụ.
Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với phong bì?
(GDVN) - Người nhận và người trao phong bì trong một hoàn cảnh nào đó đều thấy mình ngại ngùng, ngại không phải mình làm điều gì xấu mà ngại ở ngay “món quà” giấy này.
Vì rất nhiều lý do tế nhị, thầy cô vẫn nhận và phải nhận, nhưng vui thì ít mà cảm thấy xót xa thì nhiều bởi không phải chúng tôi không cần “quà”. Có những món quà tặng với mục đích yêu thương và kính trọng đã khiến chúng tôi nhớ mãi và vẫn luôn trân trọng lưu giữ nó như những kỷ vật suốt hàng chục năm qua.
Đơn giản, gọn nhẹ như phong bì.
Càng gần đến ngày lễ, dịp Tết cổ truyền, nhiều bậc phụ huynh (trong đó có tôi) thường bận tâm đến câu chuyện tặng quà gì, giá trị của món quà đó như thế nào để “ghi điểm” trong mắt thầy cô giáo dạy con mình, xem đó như là một lời cảm ơn có giá trị nhất.
Hầu hết, họ đã chọn giải pháp bằng những chiếc phong bì, vừa nhẹ nhàng, nhanh gọn và “hiệu quả”. Một thực tế là, hầu hết đời sống vật chất của các nhà giáo thường đạm bạc hơn trong nghành hành chính sự nghiệp và các nghành khác.
Nhiều phụ huynh tỏ ra cảm thông, chia sẻ với đời sống của các nhà giáo và đã chọn giải pháp đó. Nhưng vô tình họ đã làm biến tướng và méo mó hình ảnh của những “người lái đò” khi những người làm thầy không thể chối từ những chiếc phong bì như thế.
Xót xa biết bao khi giá trị hơn kém trong chiếc phong bì đồng nghĩa với độ quan trọng hay không quan trọng của thầy cô dạy bộ môn khác nhau, vai trò và ảnh hưởng đến học sinh khác nhau: có sự phân biệt giữa thầy chủ nhiệm với thầy dạy bộ môn, giữa các thầy đã dạy và không còn dạy, giữa môn thi với những môn không thi, giữa cái gọi nôm là “môn chính” với “môn phụ”.
Phụ huynh đang làm “hư” học sinh
Hiện nay, hầu hết các lớp học, cấp học, bậc học phổ thông đều có Hội cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh) để cùng phối hợp với nhà trường thực hiện chức năng xã hội hóa giáo dục.
Nhiều hội phụ huynh đã làm tốt chức năng của mình, tuy nhiên vẫn không ít hiện tương phụ huynh tự nguyện tham gia vào ban đại diện Hội để có thêm nhiều cơ hội gần gũi và lấy lòng với các thầy cô để con mình có kết quả bảng điểm, học bạ sáng sủa khi tốt nghiệp.
Đến các ngày lễ của thầy cô cũng như những ngày Tết cổ truyền, Hội phụ huynh đều muốn tích cực quyên góp và làm thay thiên chức của con em mình trong việc chúc mừng và tri ân thầy cô. Trước tiên, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng vì bố mẹ đã quan tâm, lo lắng đến việc học tập và tu dưỡng con cái mình ở tầm vi mô hơn, sát sao hơn.
Tuy nhiên, chính cái gọi là “xã hội hóa giáo dục”, “tự nguyện thu chi” đã giúp các Hội phụ huynh làm mất hình ảnh trong sáng của giáo viên trong con mắt ngây thơ của các em học sinh.
“Tôn sư trọng đạo” và chiếc phong bì ngày lễ
(GDVN) -“Không gì nhanh và tiện hơn chiếc phong bì, thầy cô có công dìu dắt con mình thì những dịp lễ, tết cũng là lúc để đền ơn các thầy, các cô là chuyện bình thường.
Nguy hiểm hơn, có những em đã “phó thác” và ỷ lại cho cha mẹ, không cần phải phấn đấu học tập và tu dưỡng mà vẫn có kết quả tổng kết cao, hạnh kiểm tốt. Có những em học sinh vi phạm khuyết điểm, bố mẹ không hề biết, và khi biết lại không hề nhắc nhở, răn dạy con nhận lỗi và sửa lỗi với thầy cô giáo mà đến ngay nhà thầy cô đề quà cáp và phong bì mong thầy cô bỏ qua.
Xin đừng tri ân thầy cô bằng những chiếc phong bì vô cảm
Ngày xưa, khi đất nước đang nghèo khó, gian nan, khi không có cái “chuyện phong bì”, thầy cô giáo vẫn sống, vẫn tâm huyết giảng dạy và vẫn yêu nghề, tận tụy với trò, vẫn miệt mài với phấn trắng bảng đen, với từng con chữ…
Pháp luật và đạo lý của người Việt không cấm học trò chúc mừng và tri ân thầy cô giáo.
Chúng tôi cho rằng, các thầy cô giáo chúng ta sẽ cảm thấy vui hơn và ý nghĩa khi đón nhận những món quà hay phong bì trong hai trường hợp sau.
Thứ nhất, giá trị và ý nghĩa của quà tặng đó phải phù hợp trong điều kiện và hoàn cảnh gia đình của 1 học sinh. Vì mục đích của món quà là để thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng nên giá trị tinh thần phải được đặt lên hàng đầu. Khi giá trị vật chất của món quà quá lớn, nó sẽ vượt qua khuôn khổ ý nghĩa. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa biểu thị sâu sắc và lớn lao sẽ có ý nghĩa và giá trị lớn hơn nhiều.
Có thể món quà đó là những sản phẩm được làm bằng chính đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các em như 1 hình vẽ, một bức tranh nhỏ, 1 cuốn sách nhỏ kèm theo những dòng chữ lưu niệm bày tỏ tình cảm và sự biết ơn của các em. Là giáo viên, hầu như ai cũng thích đọc sách, báo.
Tôi chỉ có 1 ước ao rất bình dị, có khi cảm thấy còn quý hơn cả của cải và tiền bạc, món quà tặng đó là những cuốn sách hay để lưu giữ nó trong tủ sách gia đình như là những kỷ vật, luôn được sử dụng lâu dài, trân trọng và nâng niu.
Thứ hai, cách tặng quà và thái độ tặng quà như thế nào sẽ làm cho thầy cô cảm thấy đón nhận một cách vui vẻ và trân trọng.Theo chúng tôi, người tặng chính là các em học sinh.
Nên để chính các em tự bàn bạc và tự lên kế hoạch, tổ chức chọn 1 món quà ý nghĩa cho thầy cô của mình. Phụ huynh không nên quá can thiệp sâu vào ý tưởng và cả những sự sáng tạo trong khả năng của các em và càng không nên làm thay thiên chức của các em đối với thầy cô.
Với những sự trăn trở của một nhà giáo, thiết nghĩ với “những người lái đò”, có lẽ nhiều đồng nghiệp cùng đồng cảm với tôi rằng, điều hạnh phúc hơn cả của những nhà giáo là có được những học trò ngoan, giỏi và sống có ích, trưởng thành và thành đạt trong đường đời.
Món quà thiết thực và ý nghĩa nhất vẫn là tinh thần, thái độ học tập và kết quả học tập của các em chứ không phải quan trọng ở những món quà giá trị hay những chiếc phong bì lạnh lùng, vô cảm. Trong xã hội ngày nay, có ai chê tiền và không cần tiền bao giờ đâu.
Nhà giáo cũng đâu phải là ngoại lệ. Điều quan trọng là tấm lòng và thái độ tặng của người tặng ra sao. Tri ân có nhiều cách và phong bì đâu phải là cách duy nhất để tri ân. Xin đừng để những giá trị vật chất tầm thường làm mất đi ý nghĩa nhân văn tri ân thầy cô, làm xấu đi hình ảnh của người thầy trước mắt học sinh.
Xin mong các bậc cha mẹ chúng ta hãy dạy con mình biết ơn ai đó một cách chân thành, hãy dạy con mình rằng, tiền bạc không phải là sức mạnh quyền năng. Ngoài cha mẹ, các thầy cô chính là bệ phóng tương lai của chúng, là những người không cùng máu mủ nhưng luôn sẵn lòng yêu thương không chút toan tính, vụ lợi.
Cha mẹ chúng ta hãy cùng giúp con cái chúng ta trưởng thành với một tâm hồn trong sáng và một trái tim nguyên vẹn không méo mó vì đồng tiền. Bởi, có thể đến một ngày nào đó, chúng cũng sẽ dùng đồng tiền thay thế tình yêu của chúng giành cho cha mẹ.
Hãy trả chúng tôi trở về với vị trí xứng đáng được nhận và cần được nhận trong sự kính trọng của xã hội và của những học trò của chúng tôi. Vì, chúng tôi không chỉ dạy cho các em kiến thức mà còn có trọng trách thiêng liêng hơn là dạy các em “tư cách” làm NGƯỜI.
Xin các đồng nghiệp, các bậc phụ huynh và độc giả đừng xem đây là những lời thuyết giáo sáo rỗng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khi mà nhiều giá trị của cuộc sống đang bị đảo lộn. Chỉ là những nỗi niềm và cả sự trăn trở của một giáo viên, của một người trong cuộc và cần lắm những nỗi niềm đồng cảm và sẻ chia.