Đừng nghĩ Giáo sư, Phó Giáo sư về dạy trường chuyên là lãng phí chất xám

16/03/2022 06:46
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ cần một vài lĩnh vực chuyên ngành có một vài phó giáo sư về giáo dục cho một trường chuyên sẽ có tầm nhìn chiến lược, để hỗ trợ đồng nghiệp.

Tháng 8/2021, tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Theo đó là hỗ trợ 1 tỷ đồng mua nhà cho giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh, với điều kiện cam kết làm việc lâu dài (ít nhất 10 năm).

Đến đầu tháng 3/2022, tỉnh Hòa Bình ban hành dự thảo có nội dung phát triển trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ. Trong đó có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên có trình độ Phó Giáo sư, Giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng một người.

Việc hỗ trợ đối với phó giáo sư, giáo sư về giảng dạy tại trường chuyên đang là đề tài thu hút sự chú ý của dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách trên không phù hợp với thực tế của trường chuyên, vậy đâu là giải pháp phù hợp?

Về vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính (nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên) có chia sẻ liên quan đến chính sách này.

Hỗ trợ 1 tỷ đồng thu hút phó giáo sư, giáo sư là việc tốt

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính, việc các địa phương có chính sách hỗ trợ để thu hút phó giáo sư, giáo sư về trường trung học phổ thông chuyên là một việc làm tốt, nhưng không phải cứ có chức danh phó giáo sư, giáo sư đã là tốt cho trường chuyên.

Vấn đề mấu chốt ở đây là đòi hỏi phó giáo sư, giáo sư phải am hiểu về lĩnh vực giáo dục phổ thông và lĩnh vực giảng dạy chuyên môn ở trường phổ thông.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính phát biểu tại buổi hội thảo được tổ chức vào năm 2019. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính phát biểu tại buổi hội thảo được tổ chức vào năm 2019. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

"Phó giáo sư, giáo sư phải có năng lực giảng dạy, đồng thời có khả năng truyền lửa cho học sinh để các em phát triển năng khiếu của mình. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu họ không có được những tiêu chuẩn trên thì dù có danh nhưng chưa chắc đã chất lượng", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho hay.

Trước quan điểm cho rằng, trường trung học phổ thông chuyên chỉ cần thạc sỹ, tiến sĩ, còn phó giáo sư và giáo sư về giảng dạy thì rất lãng phí "chất xám" thì Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho rằng không lãng phí, bởi nếu tìm được phó giáo sư, giáo sư thực sự là chuyên gia giáo dục thì rất có ích.

"Tôi cho rằng chỉ cần một vài lĩnh vực chuyên ngành có một vài phó giáo sư về giáo dục cho một trường chuyên có tầm nhìn chiến lược, để hỗ trợ đồng nghiệp. Bởi phó giáo sư không chỉ có giảng dạy trực tiếp học sinh, mà họ phải có sức lan tỏa đối với giáo viên của nhà trường, để họ thường xuyên đổi mới các hoạt động giáo dục và giảng dạy của nhà trường thì mới hiệu quả. Để tìm được những người như này không phải là dễ dàng", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính chia sẻ.

Có quan điểm cho rằng việc tỉnh Hòa Bình đưa ra mức hỗ trợ 1 tỷ đồng để thu hút phó giáo sư, giáo sư thì chưa thực là hấp dẫn, bởi họ có thể kiếm được nhiều tiền từ nghiên cứu đề tài khoa học?

Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên nhận định, đây không phải là bài toán khó đối với phó giáo sư, giáo sư. Bởi lẽ, nếu họ có tâm huyết với nghề dạy học thì không tính ở mức độ tiền nhiều hay ít, bởi đó là công việc làm thay đổi người khác. Quan điểm về giá trị nghề nghiệp của mỗi người là khác nhau.

Đối với yêu cầu phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên phải gắn bó với nhà trường 10 năm, phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho rằng, yêu cầu này là phù hợp bởi trong quãng thời gian 10 năm, họ mới có đủ sự lan tỏa đối với người học, đồng nghiệp và nhà trường.

"Nếu thời gian gắn bó là 5 năm thì khi đó phó giáo sư, giáo sư mới tạo ra sức ảnh hưởng mà chuyển đi thì nó không có ý nghĩa", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính chia sẻ.

Tự đào tạo tiến sỹ cho địa phương

Việc địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng đối với tiến sỹ và 1 tỷ đồng đối với phó giáo sư, giáo sư, thì Phó giáo sư Tính nhận định, nếu như tỉnh Bắc Ninh hay Hòa Bình có thể tìm nguồn giáo viên tại địa phương để đào tạo họ để trở thành lực lượng giáo viên của trường chuyên thì hiệu quả hơn.

"Phó giáo sư chuyên giảng dạy cho đối tượng là sinh viên đại học, sau đại học, do đó nếu họ về trường chuyên thì phải mất một thời gian để làm quen với môi trường học tập, giảng dạy của nhà trường. Vậy tại sao tỉnh Hòa Bình không tìm giáo viên cốt cán của các trường và thu hút về trường chuyên, đào tạo họ thành tiến sỹ", Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính nói.

Về việc đào tạo một giáo viên cốt cán trở thành tiến sỹ giảng dạy ở trường chuyên, thì địa phương hỗ trợ giáo viên một khoản tiền khoảng 200-300 triệu đồng, đồng thời định hướng cho họ chuyên nghiên cứu về những lĩnh vực để bồi dưỡng và phát triển nhân tài.

Khi họ đã nghiên cứu sâu về lĩnh vực đó và tốt nghiệp bằng tiến sỹ, thì những tân tiến sỹ này vận dụng kiến thức đó vào việc giảng dạy tại trường chuyên sẽ hiệu quả.

"Tìm nguồn, đào tạo nguồn, đặt hàng và nghiên cứu, sau đó trở lại phục vụ cho trường chuyên, thời gian sẽ mất khoảng 3-4 năm, lâu thì 5 năm là cùng. Địa phương sẽ có được một đội ngũ gắn chặt với nhà trường, tức có cả gốc lẫn ngọn", Phó giáo sư Tính chia sẻ.

Mạnh Đoàn