Dừng tuyển sinh lớp 6 chuyên Ams là tuân thủ luật pháp, giảm áp lực cho học sinh

09/03/2024 07:56
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 vào chuyên Ams là tuân thủ Luật Giáo dục 2019 và cũng là cách thức để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa “tuýt còi” việc tuyển sinh hệ trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Cụ thể, trong công văn gửi Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời việc tuyển sinh lớp không chuyên ở Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học tới. Theo đó, Bộ cho hay, theo Luật Giáo dục năm 2019, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp trung học phổ thông. Do đó, không có trường trung học cơ sở trong trường chuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên đúng quy định.

Không riêng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng tồn tại hệ trung học cơ sở trong nhiều năm qua.

Thông tin trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là đối với những phụ huynh có mong muốn cho con theo học tại các cơ sở giáo dục này.

Dừng tuyển sinh hệ THCS không chỉ tuân thủ luật mà còn có nhiều tích cực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng đưa ra quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam là tuân thủ Luật Giáo dục 2019 và cũng là cách thức để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục.

Ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường trung học phổ thông chuyên có nhiều mặt tích cực”.

368606535_10229364779599050_4428065765263730466_n.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: FBNV.

Thầy Nam dẫn chứng: “Bởi, nếu duy trì hệ trung học cơ sở trong các trường trung học phổ thông chuyên, xu hướng chạy theo thành tích rất dễ diễn ra, nhất là đối với học sinh từ lứa tuổi tiểu học, khi trẻ phải đối mặt với những áp lực từ quá sớm.

Như thông tin trên báo chí chia sẻ thời gian qua, kỳ thi tuyển sinh này hằng năm đã tạo ra một “cuộc đua” khốc liệt, với số hồ sơ đăng ký lên tới hàng nghìn thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 200 suất. Năm học 2023-2024 vừa qua, học sinh muốn trúng tuyển lớp 6, cần vượt qua các yêu cầu khắt khe như có 5 năm tiểu học đạt hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, đồng thời không được có quá 2 điểm 9 trong suốt 5 năm ở tất cả các môn học. Có bài viết chia sẻ học sinh 5 năm tiểu học không có nghỉ hè...

Chính yêu cầu khắt khe đối với hệ trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã vô tình dẫn đến áp lực học tập cho trẻ, dẫn đến áp lực phải chuẩn bị các điều kiện học bạ, thậm chí luyện thi để đỗ. Điều này đang đi ngược với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như xu thế phát triển trên thế giới - giáo dục phát triển năng lực phẩm chất”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý cho rằng trường chuyên, trường chất lượng cao là tốt, đảm bảo trẻ có tương lai thành công. Vì vậy, dù mất nhiều thời gian, công sức, họ vẫn muốn tìm mọi cách từ học thêm, luyện thi để con có thể đỗ vào.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng cho rằng, tương lai một đứa trẻ không phụ thuộc 100% vào ngôi trường, bởi ngôi trường chỉ là một phương tiện chứ không phải là tất cả điều kiện cần và đủ. Trẻ cần có mục tiêu, động lực học tập nhưng quan trọng, việc học tập phải là niềm vui, niềm say mê chứ không phải “cày ngày cày đêm, không có nghỉ hè” để đạt được mục tiêu, đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ.

“Nhiều phụ huynh tiếc công sức học tập của con nếu không được thi vào trường Ams, nhưng thực tế, việc học không bao giờ là thừa. Nếu không thi, kiến thức, năng lực của con vẫn ở đó, không mất đi đâu cả. Việc của phụ huynh là tìm môi trường phát triển toàn diện năng lực của trẻ, thay vì chỉ tập trung vào một ngôi trường và cho rằng đó là số 1, là mục tiêu duy nhất” - thầy Nam phân tích.

Hệ trung học cơ sở không nên tồn tại trong các trường chuyên

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng nhắc đến tình trạng hàng nghìn học sinh phải “chạy đua giành vé” vào lớp 6 của Trường Ams mỗi năm. Không chỉ có tỉ lệ “chọi” cao, điều kiện nhận hồ sơ cũng khá khắt khe, bởi vậy, dễ dẫn đến áp lực rất lớn lên học sinh, hay thậm chí có thể là tình trạng “làm đẹp học bạ” như nhiều người lo ngại...

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ: “Hệ trung học cơ sở đúng là không nên tồn tại trong các trường chuyên. Bởi, thứ nhất, luật đã quy định thì phải tuân thủ. Thứ hai, do một ý nghĩa thực tiễn khác: hiện nay chúng ta thường có tâm lý “học vì thi cử”, và một khi điểm số được dùng làm căn cứ để tuyển chọn, sẽ tạo ra nhiều áp lực cho học sinh.

Chúng ta có nhiều trường học có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ, không nhất thiết phải để tồn tại một “hệ trung học cơ sở” trong trường trung học phổ thông chuyên - vốn không được cho phép trong luật. Hơn nữa, học chuyên hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Đó cũng chính là cái điều mà phụ huynh cũng như xã hội nói chung, phải thấy được để không còn chuyện ép con em mình phải “chạy đua” như vậy. Nhiều khi nguyện vọng vào học trình độ nâng cao lại là mong muốn của người lớn chứ không phải trẻ con.

Bên cạnh khía cạnh về luật pháp, phải đề cập đến cơ sở khoa học: Trẻ con phải được lớn theo đúng độ tuổi của mình, chứ không phải là “chín ép”, sẽ chỉ tạo áp lực, mà bản chất không đáp ứng được nhiều nhu cầu phát triển khác của trẻ”.

gdvn-thay-tung-lam-5391.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.

Liên quan đến nội dung này, nhà văn Bùi Ngọc Phúc - tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” chia sẻ: “Số lượng học sinh thi vào hệ trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (phụ huynh thường gọi là Ams2) trong những năm qua, năm sau lại đông hơn năm trước. Sau khi qua vòng xét tuyển, số học sinh trúng tuyển so với học sinh trung học cơ sở toàn thành phố không nhiều.

Vẫn biết các em có học lực giỏi cần có môi trường để phát triển, tuy nhiên, việc xét tuyển học bạ với yêu cầu quá cao, vô hình trung khiến học sinh ngay từ bậc tiểu học đã bị phụ huynh ép vào “cuộc đua” không đáng có. Nhiều phụ huynh tìm đến các lớp luyện thi từ rất sớm, mục tiêu để con vào được Ams2 khiến “cuộc đua” giành một suất vào trường ngày càng trở nên khốc liệt.

Với những trẻ có tố chất, việc học và thi vào Ams2 tương đối nhẹ nhàng. Song, với những trẻ bị phụ huynh ép học, đó là áp lực quá lớn cho các con. Đó là một phương pháp phản giáo dục”.

“Giáo dục đại trà dành cho số đông, nhưng cần có một môi trường cho những em thật sự giỏi, quan trọng là phải thay đổi phương thức tuyển sinh. Thậm chí tách hẳn thành trường trung học cơ sở chất lượng cao, việc này cần sự đồng thuận của thành phố và ngành giáo dục Thủ đô.

Đó chính là lý do tôi mong muốn ngành giáo dục cần có định hướng dài hơi trong công tác tuyển sinh. Những gì không hợp lý cần loại bỏ, có như vậy sẽ không bỏ lọt những học sinh giỏi thật sự, đồng thời cũng tránh tình trạng ép con học hay “làm đẹp học bạ” từ lớp 1” - nhà văn Bùi Ngọc Phúc nhấn mạnh.

gdvnanh0-6052.jpg
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc. Ảnh: Ngân Chi.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đào tạo nhân tài là nhu cầu cần thiết, nhưng phải làm sao cho thực chất: “Phải phát hiện ra năng lực, sở trường của mỗi học sinh và tạo điều kiện cho các em phát triển, cha mẹ phải hiểu điều đó và tìm được môi trường, người hướng dẫn phù hợp, chứ không phải “chạy đua” theo thành tích, các cuộc thi quốc gia, quốc tế... Làm như vậy, sẽ tạo ra những áp lực giả, nhưng lại gây hậu quả thật cho học trò - phát triển không lành mạnh, không cân đối...”.

“Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định dừng tuyển sinh, có phụ huynh vì lo lắng quá, còn cho rằng, liệu Bộ có vội vàng quá không? Phải khẳng định một lần nữa, việc Bộ “thổi còi” là hoàn toàn đúng luật, đây là trách nhiệm của Bộ phải “thổi còi” chứ không phải có vội vàng hay không?” - thầy Tùng Lâm nêu quan điểm.

Cần thay đổi theo hướng tất cả trường công lập đều có chất lượng tốt, giảm áp lực đổ dồn vào một trường

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng đề cập: “Chúng ta cũng không thể phủ nhận môi trường đào tạo hiện nay tại các trường chuyên là tốt, song, chưa phải là môi trường có thể phát huy hết tài năng của học sinh.

Tâm lý phụ huynh thường lựa chọn các trường chuyên, trường chất lượng cao là bởi mong muốn con có thể học tập tại môi trường có ưu điểm vượt trội như đội ngũ giáo viên chất lượng, cơ sở vật chất tốt.

Như vậy, cần thay đổi theo hướng đảm bảo tất cả trường công lập đều có chất lượng tốt từ giáo viên đến cơ sở vật chất, nhằm giảm áp lực khi phải đổ dồn vào một trường.

Đặc biệt, việc tuyển sinh chuyển cấp cần thay đổi, không thể đặt ra điều kiện quá khắt khe từ học bạ đến thi tuyển bởi điểm học bạ sẽ không đủ độ tin cậy và độ hiệu lực, đồng thời điểm số của các bài kiểm tra chỉ đánh giá được một phần chứ không thể đánh giá toàn diện năng lực học sinh.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải thay đổi tư duy, đánh giá, nhìn nhận khách quan hơn trong định hướng giáo dục, bởi không phải cứ trường chuyên, trường chất lượng cao là tốt hoàn toàn. Ngược lại, không phải các trường công bình thường là kém chất lượng”.

Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, trong khi thị trường lao động yêu cầu một nhân sự không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn phải có rất nhiều năng lực cảm xúc xã hội khác như tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội, khả năng phục hồi linh hoạt sau nghịch cảnh, sự tò mò và tinh thần học tập suốt đời, kỹ năng công nghệ, thiết kế và trải nghiệm người dùng, kỹ năng tự tạo động lực, đồng cảm và lắng nghe tích cực… thì những năng lực này không phải đặc quyền, thậm chí chưa phải là thế mạnh của các trường chuyên.

Chính vì vậy, thầy Nam đề xuất: “Các trường cần xây dựng các chương trình giáo dục cá nhân hóa phù hợp với tiềm năng từng cá nhân theo hướng linh hoạt, mô-đun hóa và cơ chế tăng tốc (trẻ được tiếp xúc với nội dung mới cao hơn ở độ tuổi sớm hơn những đứa trẻ khác, hoặc học cùng một nội dung nhưng trong thời gian ngắn hơn) và làm giàu (không rút ngắn chương trình mà lấp đầy bằng những hoạt động bổ sung)”.

Ngân Chi