Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học chính quy 2018 chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 9/2.
Theo đó, thay đổi đáng chú ý nhất về chính sách điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh.
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực thì mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như hiện nay là 0,5 điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc thi cử vốn dĩ thiên về đánh giá năng lực và tạo ra sự công bằng giữa các học trò. (Ảnh: Thùy Linh) |
Như vậy, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 điểm dành cho thí sinh khu vực 1. Điểm ưu tiên cho thí sinh khu vực 2 nông thôn, khu vực 2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm.
Việc giảm điểm ưu tiên khu vực có thể giảm khoảng cách giữa các khu vực, giải quyết phần nào những bất cập về điểm ưu tiên trong các kỳ tuyển sinh trước.
Những thay đổi mới nhất ở kỳ thi quốc gia 2018 mà học sinh cần lưu ý |
Gạch đầu dòng thứ 4, Điểm b, Khoản 4 Điều 7 về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cũng được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học trung học phổ thông hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hiện hành của Thủ tướng Chính phủ nếu học trung học phổ thông (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên”.
Bên cạnh đó, nguyên tắc làm tròn điểm thi trung học phổ thông quốc gia cũng có sự thay đổi. Điểm lẻ của tổng điểm toàn bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân thay vì làm tròn 0,25 như trước đây.
Như vậy, những trường hợp thí sinh đạt 4,99 điểm sẽ giữ nguyên điểm này, không làm tròn lên 5 điểm.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho hay:
“Tôi hoàn toàn ủng hộ nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong dự thảo về chính sách điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh đại học”.
Thầy Lâm cho rằng, việc thi cử vốn dĩ thiên về đánh giá năng lực và tạo ra sự công bằng giữa các học trò.
Do vậy, nếu tuyển sinh vào đại học mà vẫn còn hiện tượng học trò được cộng 6 điểm ưu tiên thì còn gì là công bằng nữa và các trường đại học cũng khó chọn được học sinh có năng lực thực sự.