Được phê duyệt làm PGS, GS cũng là lúc đến tuổi nghỉ hưu, động lực còn đâu?

26/10/2022 06:48
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi đã được phê duyệt làm PGS, GS, cũng là lúc sắp đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, còn đâu động lực cho nhiều người phấn đấu?

Nguyên nhân chính khiến nguồn phó giáo sư, giáo sư sụt giảm

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học cho thấy, tỉ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư là 0,89%, phó giáo sư 6,21%. Tỉ lệ này được đánh giá là thấp và đã giảm so với thống kê năm 2010.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân (Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: “Trước đây, có những thời điểm chúng ta xét duyệt rất nhiều phó giáo sư, giáo sư… Những người đạt trình độ đó, đến thời điểm này đã đến tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, thời gian công tác của giáo sư, phó giáo sư cũng đang bị giảm xuống, theo tôi, đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng thiếu phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học”.

Cụ thể hơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chỉ ra: “Trước đây, Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học có nội dung tại Điều 9 về “Kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu”. Theo đó: “Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên… có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Đến nay, Nghị định 50/2022/NĐ-CP được ban hành vào ngày 2/8/2022, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (khi đến tuổi nghỉ hưu).

Nghị định này đã làm phát sinh các tình huống, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhân sự, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có người đang triển khai thủ tục kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định 141 thì phải dừng lại, chờ về hưu theo Nghị định 50... Chính những quy định giảm thời gian kéo dài công tác như vậy đã khiến nhiều người mất động lực, không muốn nâng chuẩn trở thành phó giáo sư, giáo sư”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chỉ ra một số nguyên nhân khiến số lượng và tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư trong các trường đại học công lập có chiều hướng giảm. (Ảnh: Mộc Trà).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chỉ ra một số nguyên nhân khiến số lượng và tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư trong các trường đại học công lập có chiều hướng giảm. (Ảnh: Mộc Trà).

“Ngoài ra, đối với các yêu cầu khoa học, tôi cho rằng, trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, cả thế giới đều đồng đẳng; song, đối với lĩnh vực khoa học xã hội thì lại khác, luận điểm, nghiên cứu về khoa học xã hội thì công bố quốc tế thường rất khó… Trong khi bài báo khoa học, công bố quốc tế là tiêu chuẩn cứng để xét nâng chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư.

Chưa kể, đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, những người trẻ tuổi cũng có thể trở thành phó giáo sư, giáo sư; trong khi đó, về khoa học xã hội, đòi hỏi phải có một bề dày nghiên cứu theo thời gian. Thành ra, có nhiều người đến khi được phê duyệt trở thành phó giáo sư, giáo sư, thì cũng đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, mà độ tuổi này lại đang bị giảm xuống, hỏi còn đâu động lực để phấn đấu?” - vị Chủ tịch Hội đồng trường đặt câu hỏi.

Lý do nữa được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân đề cập đến, chính là sự chênh lệch về chế độ đãi ngộ giữa các trường đại học khối công lập và ngoài công lập: “Trước đây, mức lương cho phó giáo sư, giáo sư khá tốt, tuy nhiên, bây giờ đã không còn duy trì như vậy nữa. Thử tưởng tượng, một phó giáo sư mà lương chỉ loanh quanh chưa đến 12 triệu đồng/tháng, thì có giữ chân được người tài hay không?

Trong khi ở một số môi trường, mức lương thạc sĩ đã khoảng 20 triệu đồng/tháng. Điều đó dẫn đến, một số phó giáo sư, giáo sư nghỉ việc ở trường công qua trường tư làm việc. Đó là chuyện bình thường! Nhưng mức thu nhập chưa tương xứng cũng là rào cản khiến nhiều người ngại nâng chuẩn, là nguyên nhân khiến số lượng, tỉ lệ phó giáo sư, giáo sư sụt giảm”.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo tôi, còn một nguyên nhân nữa, do sự cắt giảm nhân sự hiện nay. Việc cắt giảm biên chế, giảm đầu mối công việc là rất đúng với chủ trương chung, nhưng lại có những đơn vị hiểu nhầm giữa cắt một cách cơ học với giảm biên chế.

Chẳng hạn, đối với các đơn vị giáo dục công lập, ví dụ, nếu xã hội đang có nhu cầu đào tạo, phải tăng lượng biên chế để phù hợp với nhu cầu hiện tại, hoặc có cơ chế ký hợp đồng với giảng viên, nhưng hiện nay hầu như rất ít trường công lập thực hiện điều này.

Tại Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi vừa thống kê, trung bình giảng viên trẻ nhất cũng đã ở tuổi 40. Bẵng đi thời gian khoảng 10 năm, chúng ta không có nguồn giảng viên trẻ, bởi tiến hành giảm biên chế nên không tuyển mới.

Như vậy, không có nguồn nhân lực trẻ, lấy đâu ra giảng viên nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, lấy đâu ra nguồn để làm phó giáo sư, giáo sư?

Trường tôi vừa có 3 phó giáo sư nghỉ hưu, trong khi các tiến sĩ thì “chưa kịp lớn””.

Thiếu “máy cái”, sẽ không thể kéo được “đoàn tàu con”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, bất cứ một quốc gia nào cũng cần đội ngũ các nhà khoa học gạo cội, để hướng dẫn lớp trẻ - những người tiếp bước, đào tạo thế hệ kế cận.

“Không có giáo sư, sẽ không có những tiến sĩ giỏi, phải có giáo sư giỏi thì mới có tiến sĩ giỏi, rồi tiến sĩ giỏi ấy mới dần dần thành phó giáo sư, thành giáo sư sau này… Bởi vì, giáo sư, phó giáo sư là những người làm trưởng nhóm, đứng đầu phòng thí nghiệm nghiên cứu... đó là những người đạt chuẩn để hướng dẫn nghiên cứu.

Tình trạng sụt giảm nguồn phó giáo sư, giáo sư như thế này, tức là các “máy cái” của chúng ta đang ít đi, dẫn đến hệ lụy là các “đoàn tàu con” được kéo theo cũng ít đi.

Để có một phó giáo sư, giáo sư, chúng ta phải mất rất nhiều thời gian, mà họ lại không được cống hiến và hưởng đãi ngộ xứng đáng. Để họ không có động lực gắn bó, tức là chúng ta đang lãng phí chất xám, trữ lượng đào tạo đang dần bị mất đi” - thầy Nhâm phân tích.

Từ đó, để giải quyết bài toán trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho rằng: “Chúng ta cần nhiều hơn nữa cơ chế thúc đẩy cho giảng viên trẻ có động lực trở thành phó giáo sư, giáo sư. Đặc biệt, quan trọng nhất là mức sống, mức tăng lương hiện tại không thấm vào đâu so với các mức chi phí hiện nay, như vậy sẽ nguồn phó giáo sư, giáo sư trong các trường công lập sẽ càng khan hiếm, họ sẽ chuyển sang các đơn vị ngoài công lập.

Bên cạnh đó, theo tôi, nên giữ nguyên Nghị định 141, kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên đến tuổi nghỉ hưu như trước để phó giáo sư, giáo sư yên tâm gắn bó với môi trường đã làm việc, như vậy, phần nào cũng khiến số lượng, tỉ lệ phó giáo sư, giáo sư trong trường đại học tăng lên”.

Mộc Trà