Chủ tịch HĐGS ngành Toán: Tỷ lệ giảng viên GS, PGS thấp là điều bình thường

18/10/2022 06:51
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiện nay, tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư được đánh giá là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến tháng 12/2021, số giảng viên có chức danh giáo sư (đang tham gia giảng dạy) chỉ có 757 người, chiếm tỷ lệ 0,89%, tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Đặc biệt là tỷ lệ này đang có xu hướng giảm.

Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thấp vì nhiều người đã về hưu, trong khi lớp trẻ chưa kịp đào tạo lên. Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Thủy lợi

Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thấp vì nhiều người đã về hưu, trong khi lớp trẻ chưa kịp đào tạo lên. Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Thủy lợi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nói rằng, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư thấp là điều bình thường, từ trước đến nay, con số này của chúng ta chưa đạt mức cao.

Tỷ lệ giảm một phần là do các cán bộ giảng viên, nhà khoa học đã đến tuổi nghỉ hưu và họ dừng công tác giảng dạy.

Đặc biệt, mới đây, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập" có nêu, viên chức được công tác thêm tối đa 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định trước đây về thời gian kéo dài công tác tối đa là 10 năm).

Như vậy, khi giảm tuổi nghỉ hưu đối với viên chức là giáo sư, phó giáo sư, sẽ có nhiều người phải nghỉ hưu sớm hơn so với trước đây, để thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư đã ít, giảm thời gian kéo dài công tác thì sự sụt giảm sẽ càng rõ rệt.

Giáo sư Lê Tuấn Hoa cho biết, số lượng ứng viên của ngành Toán học trong những năm qua tương đối ổn định, khoảng tầm 15 ứng viên phó giáo sư và 2 - 4 ứng viên giáo sư mỗi năm. Để cải thiện số lượng và chất lượng giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo Giáo sư Hoa, cần khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

“Trong những năm qua, chúng ta đã xác định được vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đại học cũng đầu tư kinh phí cho hoạt động này, vì vậy xu hướng nghiên cứu của Việt Nam ngày càng được chú trọng. Cùng với đó, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ tăng lên, song cũng cần phải có quá trình để chuẩn bị và thực hiện”, Giáo sư Lê Tuấn Hoa nói.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học cũng khẳng định, Quyết định 37/2018 ra đời với quy định mới về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chặt chẽ hơn, mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ. Và đây là quyết định mang ý nghĩa tích cực. Cùng với yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế, chất lượng đội ngũ này ngày càng có sự cải thiện, nâng cao.

“Tất nhiên, trong những năm vừa qua, có những lùm xùm liên quan đến việc đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế, điều đó khó tránh khỏi, nhưng vấn đề này chỉ xảy ra với một đối tượng nhỏ, còn lại các ứng viên đều thực hiện tốt, quá trình đánh giá đảm bảo khách quan, công bằng và đang có xu hướng tốt lên”, Giáo sư Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là hệ quả của việc đào tạo, bổ sung đội ngũ không kịp thời và thiếu tính liên tục suốt thời gian qua.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Nguyên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Nguyên

"Trong khoảng thời gian những năm 1980-2000, điều kiện nghiên cứu ở các trường đại học rất thiếu thốn, không có các thiết bị nghiên cứu hiện đại, vì vậy chỉ khi nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà khoa học mới có các bài báo, các công trình nghiên cứu công bố quốc tế. Thời điểm đó cũng ít giảng viên đi học ở nước ngoài, hoặc có đi học thì khi về nước, họ cũng không muốn quay lại làm việc ở trường đại học vì chế độ đãi ngộ, mức lương còn thấp", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Từ năm 2000, Chính phủ ra Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg phê duyệt đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Chính sách này đã mở đường cho các giảng viên, các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài đào tạo, từ đó số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ tăng lên.

“Những năm gần đây, các trường đại học có thêm chính sách thu hút tiến sĩ về tham gia giảng dạy. Hơn nữa, học bổng du học nước ngoài nhiều nên đã thu hút được số lượng lớn các giảng viên có trình độ cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thấp vì nhiều người đã về hưu, trong khi lớp trẻ chưa kịp đào tạo lên.

Tôi nghĩ rằng, chỉ cần đợi 1, 2 năm nữa, số tiến sĩ trong trường đại học sẽ đủ “chín” để xét duyệt chức danh phó giáo sư”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Lực lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với các trường đại học, vì vậy cần có giải pháp để nâng cao số lượng giảng viên này. Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho biết, khi còn là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhờ vậy, số lượng giảng viên của trường là phó giáo sư trong vòng 8 năm tăng khoảng 10 lần.

“Lúc đó, nhà trường đã áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Cụ thể, trường có tặng thưởng cho những giảng viên có công bố quốc tế 100 triệu đồng/bài. Chính sách này tạo động lực cho các thầy cô cố gắng để tăng chỉ số công bố quốc tế.

Vì thực tế, khi quy mô đại học mở rộng, số lượng sinh viên tăng lên, giảng viên dành hầu hết thời gian, công sức để cống hiến cho hoạt động giảng dạy, không có thời gian nghiên cứu. Khi có mức thưởng cao như vậy, họ sẽ có sự so sánh, từ đó phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Không chỉ có vậy, khi giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, nhà trường cũng có mức thưởng xứng đáng, kịp thời động viên các thầy cô.

Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện thêm nhiều quy chế về lương, thưởng, tạo điều kiện cho giảng viên dạy bù giờ,... hỗ trợ để thầy cô yên tâm công tác. Đó là những chính sách quan trọng để trọng dụng nhân tài”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Anh Trang