Chuyện “tiến sĩ chưa muốn làm phó giáo sư”... có tính phổ quát
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề về số lượng phó giáo sư, giáo sư trong tổng số đội ngũ giảng viên đại học đang có xu hướng giảm.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả năm học 2021-2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến ngày 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.
Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021. |
Đánh giá về số liệu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu cho rằng, tổng số lượng phó giáo sư, giáo sư chỉ chiếm hơn 7% trong tổng số đội ngũ giảng viên đại học. Trong khi đó, cuối năm 2010, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số lượng phó giáo, giáo sư chiếm 8%. Như vậy, sau 12 năm, số lượng này có xu hướng giảm đáng kể.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán cho biết: “Thật ra, câu chuyện đội ngũ giảng viên đại học là phó giáo sư, giáo sư trên thực tế còn liên quan đến đặc thù từng trường. Chẳng hạn, như với Trường Đại học Tài chính - Kế toán, mới được nâng cấp từ cao đẳng lên đại học trong khoảng 10 năm qua, với chiều dài 10 năm ấy, nhà trường cũng cố gắng quyết liệt, nhưng đối với việc bố trí giảng viên đi học tập, nghiên cứu để có học vị tiến sĩ hay được phong hàm phó giáo sư, giáo sư, cũng cần phải có thêm thời gian.
Hiện nay, nhà trường đảm bảo số lượng giảng viên ở mức tối thiểu với khoảng 25 tiến sĩ và 1 phó giáo sư, đáp ứng yêu cầu tối thiểu để duy trì, phát triển các ngành đào tạo của trường”.
Theo vị Hiệu trưởng, để đầu tư cho một giảng viên hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, rồi sau đó, tích lũy để được phong hàm phó giáo sư cũng là cả một quá trình. “Chính vì vậy, những trường đại học “trẻ” như Trường Đại học Tài chính - Kế toán cũng rất khó để tăng đội ngũ phó giáo sư, giáo sư trong nhà trường” - ông cho biết.
Cũng theo vị Hiệu trưởng, chuyện các giảng viên đại học hiện đang là tiến sĩ không (hoặc ít) có nhu cầu, nguyện vọng trở thành phó giáo sư hay giáo sư, là có tính phổ quát chứ không riêng gì tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng -Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán. (Ảnh: website nhà trường). |
Theo đó, thầy Hùng lý giải: “Bởi, thực ra, thầy cô nào cũng có nỗ lực phấn đấu nhưng ở mức độ tích lũy để đủ điều kiện phong hàm phó giáo sư, giáo sư, đòi hỏi rất vượt trội, tức là sẽ có một sức ép khá lớn. Trong lúc các tiêu chuẩn điều kiện phong hàm khá khắt khe như hiện nay, mà đặc biệt, đến 80% giảng viên nhà trường là giảng viên nữ, nên sẽ có những hạn chế khó khăn nhất định.
Tất nhiên, sau khi đào tạo xong thạc sĩ, tiến sĩ, cũng có một số thầy cô tiếp tục phấn đấu, nhưng cũng có những thầy cô ưu tiên cho các mục tiêu khác.
Chính vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên rà soát và có những tác động rất cụ thể, “giao nhiệm vụ” chu kỳ 5 năm cho từng người, mới có thể có một vài “hạt nhân” để theo đuổi, tích lũy dần điều kiện để được phong hàm”.
“Mặt khác, nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ cụ thể, vừa giảm áp lực trường lớp để các thầy cô yên tâm nghiên cứu, có các bài báo quốc tế, điều kiện để chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và tham gia các hội thảo,... có đủ tích lũy đáp ứng tiêu chuẩn.
Phải như thế mới tác động giúp các thầy cô phấn đấu, liên tục tạo động lực rất cụ thể, chứ không chỉ nằm ở chính sách chung. Thậm chí, các thầy cô đi học là chúng tôi phải tài trợ hết từ viên phấn, cây bút, ăn ở, đi lại, học phí,...” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.
Cần thêm nhiều chính sách tạo động lực
Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng cũng bày tỏ: “Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai rất tốt Đề án 89 (Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030) hỗ trợ đối với đào tạo trình độ tiến sĩ.
Vậy, trên nền tảng đó, chúng tôi cũng mong, sẽ có thêm các chương trình tương tự, hỗ trợ các giảng viên của trường đại học có đủ điều kiện nghiên cứu làm tiến sĩ và từ đó thúc đẩy việc tích lũy điều kiện để phong hàm phó giáo sư, giáo sư.
Tất nhiên, muốn thành công, cũng phải xuất phát từ nỗ lực và cố gắng chính bản thân các thầy cô, tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ, thúc đẩy, tạo động lực kịp thời, tôi cho là sẽ góp phần mang lại hiệu quả!”.
Về phía Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức toàn trường là 744 người, đội ngũ giảng dạy là 562 người, trong đó có: 3 giáo sư, 26 phó giáo sư, 125 tiến sĩ, 408 thạc sĩ.
Với đội ngũ này, cơ bản đã đáp ứng được quy mô đào tạo cũng như các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng năm.
Trong những năm qua, trường có nhiều chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” và khuyến khích cán bộ, giảng viên nội tại đi học nâng cao trình độ nên đội ngũ cán bộ khoa học và giảng viên đã tăng lên, mặc dù, việc xét tiêu chuẩn đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư trong những năm gần đây theo bộ tiêu chuẩn ngày càng tăng lên”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, để tăng số lượng phó giáo sư, giáo sư trong nhà trường, cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích, động viên: “Nguồn nhân lực là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các hoạt động của nhà trường.
Hiện tại, cơ chế, chính sách về thu hút và phát triển nguồn nhân lực đã được nhà trường chú trọng, đây là hành lang pháp lý thuận lợi, đồng thời cũng tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: hufi.edu.vn). |
Từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý của nhà trường, nhằm đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghệ số.
Trong thời gian tới, trường tiếp tục chính sách tốt hơn nhằm khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ trong và ngoài trường hoàn thiện hồ sơ xét học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Đồng thời, xây dựng quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức, người lao động phù hợp đảm bảo thực hiện chính sách ưu đãi để sử dụng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước thông qua các hợp đồng lao động với các công việc cụ thể để tăng cường chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và xếp hạng trường đại học”.