Gần 300 triệu đồng 30 giây quảng cáo Chung kết The Voice Kids là nhỏ

06/09/2013 14:10
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là ý kiến nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng khi nhìn vào bảng giá quảng cáo trong đêm Chung kết Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013.
Mới đây, bảng giá quảng cáo trong và trước đêm Chung kết Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013 (21h ngày 7/9) của Đài Truyền hình Việt Nam được công bố. Theo đó, các doanh nghiệp nếu muốn quảng cáo ở khung giờ từ 21h đến 24h sẽ phải bỏ ra số tiền theo khung giá 140 triệu; 168 triệu; 210 triệu và 280 tương đương với thời lượng 10 giây; 15 giây; 20 giây; 30 giây.

Mức giá quảng cáo trên được xem là bất ngờ khi mới đây trên diễn đàn xã hội facebook, ban tổ chức chương trình Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013 bị phụ huynh thí sinh “chê” khéo khi kể lại hành trình đưa con đi thi. Thêm vào đó so với khung giá quảng cáo của nhà đài thì mức giá trên là khá cao.

Bảng giá quảng cáo trong và trước chương trình Đêm chung kết Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013
Bảng giá quảng cáo trong và trước chương trình Đêm chung kết Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013


Ví dụ trong chương trình phim truyện Việt Nam khung giờ 21h đến 22h20 giá cao nhất cũng chỉ 90 triệu; hay giá quảng cáo trước chương trình thời sự từ 18h45’ đến 19h giá cao nhất là 44 triệu; chương trình phim truyện 20h đến 20h30 là 35 triệu.

Liên quan hiệu quả thực tế doanh nghiệp nhận được từ việc quảng cáo trên truyền hình và chi phí quảng cáo hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng, hiện nay trong các loại hình quảng cáo thì truyền hình là nơi có chi phí quảng cáo lớn nhất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu


Lý giải việc chi phí quảng cáo trên truyền hình lớn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Thực tế truyền hình hiện nay là phương tiện thông tin được con người ưa thích nhất vì ở đó có cả âm nhạc, tiếng động hình ảnh động…Vì vậy quảng cáo trên truyền hình thì các clip quảng cáo sẽ có tác động đến người xem cả ba giác quan thị giác, thính giác, xúc giác. Việc quảng cáo liên tục sẽ tạo ấn tượng ghi nhớ cho người xem, từ đó thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến, đây cũng là mục đích của doanh nghiệp làm quảng cáo trên truyền hình”.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu trên thế giới có những chương trình quảng cáo chỉ trong vòng vài giây nhưng doanh nghiệp phải chi trả số tiền rất lớn lên tới hàng trăm nghìn USD, thậm chí lên đến cả triệu USD. Tuy nhiên chi phí quảng cáo còn tùy thuộc vào chương trình phát sóng, khung giờ phát sóng của các chương trình này.

“Ví dụ ở những trận đấu bóng đá lớn thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới hay thế vận hội, Olympic thì tác động của chương trình quảng cáo đó lan tỏa hàng trăm triệu người thập chí hàng tỷ người trên thế giới vì vậy chi phí quảng cáo trong các chương trình này rất lớn” – TS Hiếu đưa ra ví dụ.

Trở lại khung giá quảng cáo tại chương trình truyền tại Việt Nam, đặc biệt tại chương trình Đêm chung kết Giọng hát Việt nhí The Voice Kid 2013, doanh nghiệp phải bỏ gần 300 triệu đồng nếu muốn quảng cáo trong nửa phút, tương đương gần 15.000 USD, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng số tiền trên sẽ là nhỏ nếu so chi phí quảng cáo cho chương trình tuyền hình trên thế giới.

“Nhưng tại Việt Nam thì trừ chương trình đặc biệt thu hút người xem còn với chương trình bình thường việc bỏ ra chi phí gần 300 triệu cho quảng cáo truyền hình là tương đối lớn với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi sức hút chương trình không nhiều lượng người xem chỉ vài triệu người đồng nghĩa với việc thương hiệu quảng cáo tại chương trình đó không có sức lan tỏa lớn” – TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu quảng cáo truyền hình hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoặc thương hiệu hàng tiêu dùng. Vì sản phẩm gần gũi sinh hoạt của người dân, truyền hình có sức lan tỏa lớn vì vậy doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chi phí rất nhiều trong quảng cáo.
Hoàng Lực