Gần 40 năm đứng lớp, cô Mùi tâm niệm, không trau dồi chuyên môn sẽ bị thụt lùi

30/09/2021 06:32
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Công tác chuyên môn là xương sống của mỗi nhà trường nên hàng năm, hàng tháng tôi đều trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ của bản thân” cô giáo Mùi chia sẻ.

Yêu và mơ ước được trở thành giáo viên từ nhỏ, cô giáo Trần Thị Mùi (sinh năm 1967) không ngừng nỗ lực học tập để theo đuổi mục tiêu của bản thân.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp cô giáo Mùi công tác tại Trường Cấp 1 – 2 An Hòa (huyện An Dương, Hải Phòng), một trong những vùng khó khăn của huyện. Việc phổ cập giáo dục tại đây khi đó vẫn còn vô vàn trắc trở.

Bỏ qua những thiếu thốn về điều kiện dạy học, cô giáo Mùi cảm thông sâu sắc với những hoàn cảnh khó khăn và mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé để mang “con chữ” tới học sinh nơi đây.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi là những ngày đầu tiên chính thức trở thành một giáo viên.

Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 5 của nhà trường. Được đứng trên bục giảng là mơ ước từ bé nên tôi rất yêu và trân trọng thời gian được gắn bó với học sinh, đồng nghiệp.

Tôi vẫn nhớ có hôm khi đạp xe về nhà với chồng vở bài tập cột sau yên. Khi ấy trời bất ngờ đổ mưa, tôi lập tức dùng chiếc áo mưa duy nhất để che chắn kĩ vở của học sinh còn mình thì dầm mưa chạy nhanh về nhà.

Câu chuyện cách đây 35 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in, hành động ấy luôn nhắc nhở bản thân tôi đã bắt đầu bằng niềm đam mê, nhiệt huyết thì phải luôn kiên trì đến cùng”, cô giáo Mùi rưng rưng chia sẻ về kỷ niệm trân quý ấy.

Cô giáo Trần Thị Mùi yêu có mơ ước trở thành giáo viên từ thuở bé (Ảnh: Phương Linh)

Cô giáo Trần Thị Mùi yêu có mơ ước trở thành giáo viên từ thuở bé (Ảnh: Phương Linh)

Đến tháng 8/1990, cô giáo Mùi được chuyển công tác về trường Tiểu học An Dương và gắn bó cho đến hiện tại.

Quá trình công tác tại trường cô được nhận xét là một giáo viên có tinh thần cầu thị và luôn nghiêm túc trong công việc.

Đối với đồng nghiệp, cô là tấm gương yêu nghề, say sưa với chuyên môn và tâm huyết với mọi công việc, nhiệm vụ được giao.

Theo cô giáo Mùi, để hoàn thành tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn của nhà trường cô đặt việc nâng cao trình độ chuyên môn lên hàng đầu.

Theo cô giáo Mùi, công tác chuyên môn là xương sống của mỗi nhà trường (Ảnh: Phương Linh)

Theo cô giáo Mùi, công tác chuyên môn là xương sống của mỗi nhà trường (Ảnh: Phương Linh)

“Công tác chuyên môn là xương sống của mỗi ngôi trường nên hàng năm, hàng tháng tôi đều trau dồi, học hỏi từ đồng nghiệp, tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ của bản thân.

Khi bản thân có chuyên môn tốt mới có thể giúp đỡ, chia sẻ với đồng nghiệp và mang lại những tiết học bổ ích cho học sinh.

Từ đó, mỗi thế hệ học sinh của tôi đều được trang bị kiến thức, kĩ năng để học tập tốt khi lên lớp. Đồng thời, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục chung của nhà trường” cô giáo Mùi cho biết.

Có cơ hội được tham dự một tiết học Tiếng Việt của cô giáo Mùi, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ấn tượng bởi cách cô dẫn dắt tiết học và hướng dẫn học sinh chủ động tiếp cận kiến thức.

Mở đầu tiết học với phần ôn tập kiến thức cũ, cô tạo cơ hội để các học sinh xung phong giới thiệu về gia đình mình.

Với hình thức trên, bầu không khí tiết học trở nên sôi nổi hơn khi em học sinh nào cũng mong muốn được thể hiện bản thân trước các cả lớp.

Học sinh hăng hái giơ tay phát biểu, chủ động tiếp cận kiến thức bài học (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh hăng hái giơ tay phát biểu, chủ động tiếp cận kiến thức bài học (Ảnh: Phương Linh)

Từ bài giới thiệu của học sinh, cô giáo đưa ra nhận xét và chỉnh sửa cách phát âm, dùng từ để các em rút kinh nghiệm cho các bài tập sau.

Đồng thời, cô truyền tải thông điệp tới học sinh: “Gia đình là nơi đùm bọc, che chở cho chúng ta nên các em phải có trách nhiệm học tập thật tốt, chăm ngoan để đền đáp lại”.

Bước vào bài học mới, học sinh được lắng nghe cô kể câu chuyện “Dại gì mà đổi”. Giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô khiến câu chuyện trở nên sống động và hấp dẫn hơn.

Học sinh xung phong tham gia thi kể chuyện trong tiết học Tiếng Việt (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh xung phong tham gia thi kể chuyện trong tiết học Tiếng Việt (Ảnh: Phương Linh)

Đặc biệt, học sinh chỉ thông qua hai lần kể chuyện của cô để nắm bắt được nội dung, trả lời lưu loát các câu hỏi và ghi nhớ để tham gia phần thi kể chuyện tiếp theo.

Theo cô giáo Mùi, việc khuyến khích học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, trao đổi với bạn theo nhóm làm tăng sự tương tác trong lớp học và không em học sinh nào mất tập trung bỏ lỡ bài học.

Ngoài ra, các cuộc thi nhỏ được tổ chức xen kẽ trong tiết học như thi xem ai kể chuyện hay hơn, ai nhớ bài học nhanh nhất,…còn giúp phát triển các kĩ năng thuyết trình, tăng sự tự tin cho học sinh.

Một tiết học diễn ra sôi nổi, tương tác giữa cô và trò tự nhiên trôi chảy tưởng chừng như đơn giản nhưng vai trò dẫn dắt của giáo viên trong tiết học rất quan trọng.

Để mang lại những bài học sống động và gần gũi như vậy, theo cô Mùi điểm mấu chốt là giáo viên phải có chuyên môn vững vàng và giữ được “lửa” đối với nghề.

Học sinh học tập theo nhóm với sự hướng dẫn của cô giáo (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh học tập theo nhóm với sự hướng dẫn của cô giáo (Ảnh: Phương Linh)

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đỗ Thị Thanh Đượm – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Dương cho biết: “Là giáo viên luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học, chất lượng của lớp do cô giáo Mùi chủ nhiệm luôn vượt các chỉ tiêu của lớp đề ra.

Mỗi thế hệ học sinh với sự dìu dắt của cô giáo Mùi đều thể hiện ý thức, năng lực học tập tốt, kĩ năng hoạt bát trong mọi hoạt động.

Không chỉ giữ vững chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi luôn được cô phát hiện và bồi dưỡng kịp thời.

Năm học nào lớp cô giáo Mùi cũng có nhiều học sinh giỏi đạt thành tích cao ở các cuộc thi giao lưu như Toán Hoàng gia Úc, Tiếng Anh Cambridge, sơn ca, đá cầu, cờ vua, Toán trực tuyến,…

Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô chỉ đạo, quản lý hoạt động của tổ chuyên môn đi đúng hướng, đúng chủ trương, kế hoạch của nhà trường và ngành giáo dục. Tổ chuyên môn luôn duy trì hoạt động một cách nề nếp và khoa học.

Đặc biệt các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã giúp cho các giáo viên trong tổ ngày càng nắm vững quan điểm về giáo dục, dạy học, vững vàng về nội dung, kiến thức và phương pháp dạy học theo yêu cầu mới.

Điều hành tổ chuyên môn với phong cách làm việc thể hiện chính kiến rõ ràng nhưng luôn thể hiện sự thân ái, chan hòa, cô giúp nội bộ tổ chuyên môn đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”.

PHẠM LINH