LTS: Đưa ra những góc nhìn của mình về vấn đề giáo viên trực trường ở một số trường hiện nay, thầy Sơn Quang Huyến tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Theo thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT Quy định ở Điểm a, khoản 3, Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".
Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, giáo viên cũng không phải tham gia trực trường.
Thế nhưng, không ít nơi, Hiệu trưởng vẫn điều động giáo viên đến trực trường trong kì nghỉ hè, điều đáng nói giáo viên “được” cử đi trực hè không được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.
Giáo viên có bắt buộc phải đi trực trường? (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn). |
Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Đã có luật, tại sao có hiệu trưởng vẫn làm bừa” ngày 09/06/2019 đã nhận được phản hồi của không ít thầy cô giáo trên cả nước.
Bạn TH. HÙNG phản ánh: “Lịch trực trường do chủ tịch Công Đoàn xếp, Hiệu trưởng kí duyệt, mấy chục năm nay vậy mà. Ai không trực cắt thi đua”. (Đồng Tháp).
Bạn NGUYỄN THẢO: “Trường tôi cũng phải trực hè này. Mấy năm trước thì phải đóng tiền trả bảo vệ trực thay. Sau này có chi theo nghị quyết 03 của Thành phố Hồ chí Minh để chấm thi đua thì bắt buộc mỗi giáo viên phải trực ít nhất 1 ngày trong tháng. Không trực cắt hết”.
Bạn có bí danh GIAO VIEN: “Trường mầm non Bãi Tranh, Như Xuân,Thanh Hóa. Hiệu trưởng bắt giáo viên trực hè để làm các công việc như tưới cây, trồng cây, nhổ cỏ, quét dọn vệ sinh. Nhà báo cho số điện thoại để tôi cung cấp thêm thông tin. Cảm ơn”.
Bạn GIÁO TRƯỜNG LÀNG: “Tôi dạy một trường trung học phổ thông ở Tiền Giang. Hàng năm, đến hè vẫn được phân công trực trường, lễ Tết cũng vậy. Nhằm đảm bảo "cơ quan an toàn". Nhưng hỏi về phụ cấp thì…”.
Bạn có bí danh XIN GIẤU TÊN: “Em đang trực trường đây, em biết là hiệu trưởng sai nhưng không dám nói, cả trường không ai dám nói, công đoàn... có như không.
Viết thư không đề tên phản ánh với phòng... cũng không được. Có giáo viên gửi báo, khi phóng viên về hỏi không ai dám nói bị điều động, mà nói tình nguyện vì yêu trường lớp. PHÁP LUẬT THUA HIỆU TRƯỞNG THẦY ƠI!”
Có phải tại hiệu trưởng, chính sách nghỉ hè của giáo viên bị xâm hại không?
Giáo viên trực trường 30/4, 1/5 được hưởng chế độ như thế nào? |
Đích mục sở thị, người viết gặp một hiệu trưởng nhà trường, có phân công giáo viên trực hè để nghe tâm sự:
“Tôi hỏi thầy có biết luật không? Biết chứ, nói không thì xấu hổ quá, em cũng từng là giáo viên mà.
Tại sao em vẫn phân công trực hè cho giáo viên ư? Cả tỉnh đều làm thế, một mình em không làm, cũng không được.
Mà phân công giáo viên trực, cũng có cái lợi, trường luôn có giáo viên trực, cấp trên hay khách đến có giáo viên tiếp, mình cũng yên tâm.
Những năm trước, có “sếp” về trường nọ chỉ đạo “Sao trường vắng như chùa Bà Đanh thế này?” Hiệu trưởng trường nọ phân bua…, nhận được lời chỉ đạo “Phân công cho giáo viên, hè trực vài ngày, quét dọn trường cho sạch, có ai từ chối đâu”.
Từ đó đến nay thành lệ, hè giáo viên phải trực.
Em “dân chủ”, cho giáo viên đăng ký thời gian thích hợp, chọn cặp với nhau hoặc cho trực thay, trực giúp, không yêu cầu đóng tiền”.
Đúng là “oan” cho hiệu trưởng, thành thật xin lỗi! Lỗi giáo viên trực trường trong hè, không có chế độ, có thể thuộc về cấp cao hơn.
Chế độ nghỉ hè, giáo viên còn bị xâm hại như thế, những chế độ khác bị xâm hại chắc cũng là chuyện… thường ngày ở huyện.
Nguyên nhân ư, người viết xin trích dẫn lời của bạn đọc: “Em đang trực trường đây, em biết là hiệu trưởng sai, nhưng không dám nói, cả trường không ai dám nói, công đoàn... có như không.
Nhiều nhà giáo không có nghỉ hè |
Viết thư không đề tên phản ánh với phòng... cũng không được. Có giáo viên gửi báo, khi phóng viên về hỏi không ai dám nói bị điều động, mà nói tình nguyện vì yêu trường lớp”.
Tiền trách kỉ, hậu trách nhân, chỉ có thể tự trách mình trước!
Như vậy, dù đã có luật, thế nhưng giáo viên vẫn chịu thiệt thòi, vì không dám bảo vệ quyền lợi của mình, các tổ chức trong trường học không nắm luật, không thực hiện chức trách của mình.
Dân ta có câu “con khóc mẹ mới cho bú”, để thực hiện đúng luật, không gì hơn, giáo viên phải “khóc”.
Gửi ý nguyện của mình lên trưởng Phòng, Giám đốc Sở. Tôi tin rằng, những người đứng đầu Phòng giáo dục, Sở giáo dục thừa hiểu luật, chỉ đạo cấp dưới làm cho đúng luật, thể hiện trách nhiệm, hiểu biết, tâm và tầm của một lãnh đạo.
Việc một số địa phương, giáo viên chịu thiệt thòi trực hè, do yếu tố “lịch sử” để lại, những người đứng đầu đương nhiệm, “bận trăm công, nghìn việc”, không biết nỗi khổ của giáo viên mà thôi.
Nếu biết giáo viên dưới các cơ sở đang phải trực hè, trưởng Phòng, Giám đốc Sở không chỉ đạo “bỏ trực hè cho giáo viên” ngay, thực ra họ đang thú nhận mình đang ngồi sai ghế.