Hoạt động trải nghiệm (cấp Tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 - 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động này, mỗi địa phương lại có những khó khăn khác nhau. Đặc biệt, với một số trường học ở vùng núi, vùng khó khăn khi điều kiện tài chính của phụ huynh còn eo hẹp, việc huy động kinh phí để có thể tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế gần như là không thể.
Vì thế, lãnh đạo nhà trường cũng đã phải dùng đến những phương án "lạ đời" để học sinh của mình không bị "thiệt thòi".
Chia sẻ về thực tế này với phóng viên, thầy Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho biết, vì gặp khó trong việc huy động kinh phí từ phụ huynh nên nhà trường cũng phải tính đến phương án lồng ghép với các nội dung khác diễn ra trong trường để học sinh được trải nghiệm.
Thậm chí, để cho học sinh có thể hình dung về các địa phương khi không đủ điều kiện tổ chức cho các em đến tận nơi, nhà trường đã phải đầu tư mua tivi để học sinh có thể ngồi tại trường và trải nghiệm thực tế qua màn ảnh nhỏ.
Thầy Nguyễn Duy Linh Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn. Ảnh: T.D |
Thầy Linh bày tỏ: "Thông thường, với các trường học ở Con Cuông, học sinh sẽ được đi trải nghiệm ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương), xa hơn nữa thì có thể xuống quê Bác Hồ hoặc Cửa Lò hay thành phố Vinh. Đó là với các trường mà phụ huynh có điều kiện kinh tế, sẵn sàng đóng góp cho con được đi thực tế.
Tại trường tôi công tác, thuộc vùng còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nhiều vất vả nên đối với việc này gần như là "lực bất tòng tâm" vì phụ huynh không có đủ tiền để đóng góp.
Trên thực tế, đa phần phụ huynh cũng muốn cho con em mình được tham gia các hoạt động như vậy và yêu cầu trong chương trình học của các em bắt buộc cũng phải có hoạt động trải nghiệm nhưng khi đề cập đến kinh phí thì ai nấy cũng đều lắc đầu".
Về việc này, vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn cho hay, căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường đã phải linh hoạt và chuyển hoạt động trải nghiệm sang hình thức khác.
Thầy Linh nêu dẫn chứng: "Trong dịp cuối năm, chúng tôi có phát động giáo viên, công nhân viên nhà trường ủng hộ học sinh nghèo. Với số tiền được ủng hộ đó, chúng tôi không trực tiếp phát cho học sinh nghèo mà tổ chức hoạt động gói bánh tập thể tại trường.
Nhà trường mua nguyên liệu, các học sinh góp lá, củi và được trực tiếp tham gia hoạt động gói bánh đón Tết. Khi cho học sinh cùng phụ huynh, giáo viên trong trường thực hiện một hoạt động tập thể như vậy chúng tôi cũng coi như đó là học sinh đã được tham gia hoạt động trải nghiệm.
Hoặc nhà trường tự bỏ kinh phí để thuê bể bơi gần trường, đồng thời bố trí giáo viên thể dục phụ trách, quản lý các em, phụ huynh tự chở con mình đến để tham gia, cho dù không được nhiều buổi nhưng các em cũng được trải nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hay như mới đây, huyện Con Cuông tổ chức cắm trại và hội chợ, nhân cơ hội này nhà trường cũng đã lên kế hoạch và họp phụ huynh để cho học sinh được đi trải nghiệm. Sau khi phụ huynh đồng ý, nhà trường bố trí người dẫn đoàn, phụ huynh tự chở các em đến. Khi kết hợp được với các hoạt động như vậy chúng tôi không phải thu tiền từ phụ huynh nhưng các em vẫn được tham gia trải nghiệm".
Học sinh Bắc Giang tham gia hoạt động trải nghiệm tại Đền Xương Giang (thành phố Bắc Giang). Ảnh: Trung Dũng |
Vị Hiệu trưởng cũng nêu nhận định, khi được bố trí công tác tại các địa bàn khó khăn, việc ảnh hưởng khi thực hiện các chương trình phải huy động nguồn xã hội hóa là điều nhìn thấy trước.
Qua đó, thầy Linh nêu quyết tâm rằng, trong thời gian sớm nhất vẫn phải tổ chức cho học sinh được tham gia trải nghiệm thực tế đúng nghĩa.
Vị này nêu giải pháp: "Sắp tới, có thể chúng tôi vẫn huy động từ sự đóng góp của thầy cô, các đơn vị trên địa bàn xã và một phần từ phụ huynh để tổ chức các chuyến trải nghiệm cho học sinh.
Nếu nguồn kinh phí vẫn còn ít không thể tổ chức đồng loạt thì chúng tôi cũng tính đến phương án là tổ chức trải nghiệm theo thứ tự.
Trong đó, ưu tiên cho các học sinh có thành tích nổi trội, học sinh khá, giỏi hoặc cho học sinh khối lớp 5 được đi trước khi các em chuyển cấp. Cứ theo thứ tự như vậy thì có thể các em phải mất thời gian chờ đợi một chút nhưng tương lai học sinh nào cũng sẽ được đi.
Hiện tại, trong khi chờ các phương án như vậy thì nhà trường cũng đang chủ động để mua thêm tivi để các em có thể trải nghiệm thực tế bằng hình thức trực tuyến. Cần giới thiệu địa phương nào thì giáo viên sẽ cho các học sinh xem clip về những địa phương đó".
Thầy Linh cũng cho rằng, chính vì có nhiều yếu tố chi phối đến các hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh nên đối với một số địa phương đặc thù, hoạt động này chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Vị Hiệu trưởng cũng nêu ra một số đề xuất đối với các vùng khó khăn, trong đó có việc cấp thêm kinh phí cho các vùng đặc thù, hỗ trợ phụ huynh khi thực hiện các chương trình học tập cần huy động nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, thầy Linh cho rằng, đối với các hoạt động trải nghiệm thì trong các văn bản hướng dẫn cần chi tiết, cụ thể hơn trong yêu cầu thực hiện để các trường có thể dễ dàng áp dụng, không tạo ra sự chồng chéo, vướng mắc.
Cùng bàn về nội dung này, thầy Nguyễn Đức Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhận định, trong việc triển khai các hoạt động trải nghiệm thực tế, khó khăn vướng mắc mỗi nơi là khác nhau.
Vị này cũng cho rằng, có thể có vùng khó khăn sẽ gặp khó trong khâu huy động kinh phí từ phụ huynh, nhưng với vùng phát triển hơn, có thể phụ huynh có điều kiện đóng góp nhưng lại có tâm lý sợ nhà trường trục lợi, lo ngại học sinh không an toàn trong các chuyến trải nghiệm cũng làm cho việc tổ chức hoạt động này không hề đơn giản.
"Đối với nhà trường, một số hoạt động trải nghiệm của học sinh được chúng tôi lồng ghép vào trong quá trình học tập. Ngoài ra, nhà trường cũng ưu tiên cho học sinh trải nghiệm tại một số địa chỉ ngay trên địa bàn trước.
Nếu lên kế hoạch trải nghiệm ở các địa điểm xa hơn thì thông qua các cuộc họp phụ huynh chúng tôi cũng nói rõ quan điểm là nó hoàn toàn tự nguyện, phụ huynh có quyền chọn lựa cho con mình tham gia hay không.
Tất nhiên, trong việc này, về phía nhà trường cũng cần phải có sự đồng ý của phụ huynh chúng tôi mới lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi đó. Dưới góc độ của nhà trường, chúng tôi luôn mong muốn các học sinh của mình sẽ có nhiều hoạt động như vậy hơn nữa, đặc biệt là với các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp", Hiệu Phó Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 thông tin thêm.
Thầy Nguyễn Đức Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4. Ảnh: T.D |
Qua đó, vị này khẳng định, đối với các hoạt động cần huy động nguồn xã hội hóa, nhà trường luôn coi trọng nguyên tắc tự nguyện và xin ý kiến phụ huynh, tránh việc gây ra tâm lý bức xúc khi thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ cùng với phụ huynh để đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện các đợt trải nghiệm thông qua việc kết nối liên tục với phụ huynh trong suốt hành trình.
Thầy Thiện nêu giải pháp: "Để tổ chức được các hoạt động có liên quan đến nguồn kinh phí phụ huynh bỏ ra, nhà trường cũng có các phương án để phụ huynh có thể yên tâm.
Đó là việc công bố chi tiết chi phí chuyến đi là bao nhiêu để phụ huynh biết rõ, trong chuyến trải nghiệm đó thì học sinh được làm những việc gì, đi những đâu? Thậm chí, với một số địa điểm chúng tôi còn mời cả phụ huynh tham gia cùng chuyến đi trải nghiệm với học sinh.
Điều đó là để đảm bảo chắc chắn rằng, việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh phải là nhà trường và phụ huynh cùng làm. Có như vậy mới hy vọng rằng, sau mỗi chuyến đi, phụ huynh thì yên tâm, học sinh thì có thêm kiến thức".