Bà mẹ 40 tuổi có 13 con kể về gia cảnh tan nát ở Hà Nội

22/02/2013 07:12
Xuân Trung
(GDVN) - Chị bắt đầu câu chuyện về 13 đứa con của mình bằng việc quệt hai ngón tay gầy khô lên đôi mắt hốc hác với một giọng thở dài ngao ngán...
"Tôi khổ từ bé"

Chị Đặng Thị Hải (thôn Cổ Bản, phường Đông Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội), người mẹ của 13 đứa con, năm nay mới trạc ngoài 40 nhưng vóc dáng và khuôn mặt khắc khổ vì sương gió, già hơn nhiều so với tuổi. Hai con mắt hốc hác vì đàn con, chị tự nhận mình là “người đàn bà đau khổ” từ nhỏ. Số phận không may mắn khi chị lấy được ông chồng rượu chè be bét, mỗi lúc say cũng chửi bới, cũng đánh đập vợ con liên hồi. Cho tới khi biết được tác hại của rượu, dù anh Ngô Doãn Năm đã cố hạn chế uống nhưng trong cơ thể “nội tạng đã nát hết rồi, duy chỉ còn quả tim là tương đối lành” - như lời chị Hải chia sẻ với chúng tôi trong căn lều trống hoác ngoài cánh đồng.

Chị Đặng Thị Hải cùng con trong ngôi lều tạm ngoài đồng. Ảnh XT
Chị Đặng Thị Hải cùng con trong ngôi lều tạm ngoài đồng. Ảnh XT

Chị bắt đầu câu chuyện về 13 đứa con của mình bằng việc quệt hai ngón tay gầy khô lên đôi mắt hốc hác với một giọng thở dài ngao ngán. Chị bảo số chị là thế, mới lấy chồng đã phải ra đường dựng lều ở, 20 năm trước cũng đã từng mơ ước có lấy một gian nhà cấp bốn lợp ngói đỏ, chỉ thế thôi chứ không cần vài gian hay nhà mái bằng làm gì. Cho tới bây giờ khi tuổi cũng sắp xế bóng, cũng được lên chức mẹ, chức bà, vui cũng có đấy nhưng cuộc sống còn gian truân và bấp bênh chưa biết ngày nào đủ ăn. 

Hiện mỗi bữa chị phải lo đủ hơn 5kg gạo cho các con đủ nồi cơm. Chồng chị do mắc bệnh gút nên không thể lội nước kiếm con tôm, con tép được. Mặc dù biết sinh nhiều con là khổ, là đói nhưng mỗi khi được hỏi chị chỉ Hải trầm ngâm nói rằng: “Ở đời chỉ nghĩ lại một cái Đức. Sự việc thì đã rồi, tôi không muốn để lại cho các con phải mang tiếng này kia, đối với tôi không có ân hận gì khi sinh nhiều con, dù rằng có vất vả bằng mấy vẫn chấp nhận, mà không muốn làm sai cái đạo đời”.

Đến đây người mẹ 13 con có vẻ như thắt lòng lại khi nói tới 3 đứa đang tuổi đi học phải dừng giữa chừng vì không có giấy khai sinh. Ngô Doãn Tám, Ngô Doãn Phúc (ở nhà thường gọi là Chín vì sinh thứ 9), Ngô Doãn Đức đã nghỉ một học kỳ chưa đi học lại. Trước kia Trường Tiểu học Đông Mai 1 còn có người nhà (Bác họ) làm cán bộ ở trường nên mấy đứa con của chị được ông Quý lên phường xin giấy khai sinh hộ, nhưng những tờ giấy khai sinh xin cho con sau này không hiểu sao chị Hải lại thường xuyên đánh mất. Khi được hỏi chị chỉ nói gia đình hay chuyển chỗ này, chỗ kia nên không biêt để đâu (?) Ngay cả  giấy chứng nhận hộ nghèo gia đình cũng không giữ được, do vậy bây giờ cái khó càng khó thêm!
Trách nhiệm của người làm bố, làm mẹ

Nói về những đứa trẻ con nhà Năm – Hải, cả làng Cổ Bản ai cũng cười nói rằng, trong ngôi trường của làng từ lớp 1 tới lớp 5 đều từng có mặt chúng theo học.

Anh Ngô Doãn Năm thừa nhận: Anh được "rèn" uống rượu từ nhỏ nên giờ không thể bỏ được. Sau khi biết bệnh tình mỗi lúc một nặng, cũng có hạn chế uống nhưng mỗi bữa cũng phải 5-7 nghìn rượu bên cạnh mới nuốt nổi cơm. Ảnh bảo: "Giờ mà bỏ rượu thì bệnh chắc chắn sẽ phát. Trước kia mỗi ngày bình quân phải nửa lít rượu chia thành ba bữa". Ảnh XT
Anh Ngô Doãn Năm thừa nhận: Anh được "rèn" uống rượu từ nhỏ nên giờ không thể bỏ được. Sau khi biết bệnh tình mỗi lúc một nặng, cũng có hạn chế uống nhưng mỗi bữa cũng phải 5-7 nghìn rượu bên cạnh mới nuốt nổi cơm. Ảnh bảo: "Giờ mà bỏ rượu thì bệnh chắc chắn sẽ phát. Trước kia mỗi ngày bình quân phải nửa lít rượu chia thành ba bữa". Ảnh XT

Thầy Nguyễn Viết Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Mai 1 cho biết: “Vì gia đình mỗi năm đều đều một đứa nên lũ trẻ con nhà ông Năm có mặt ở tất cả các lớp trường này, trông chúng cứ sàn sàn như nhau. Tôi về nhận công tác tại trường năm 2009, sau khi tiếp nhận hai đứa con nhà anh Năm (ngày 10/9/2010). Biết được hai cháu không có giấy khai sinh nên tôi cũng phải lên phường xin, xin nhưng không có ai khai cho các cháu thì cũng chịu. Tôi giao cho thầy Cư (hiệu phó) phải tìm cách đưa anh Năm hoặc chị Hải lên phường khai giấy khai sinh cho các cháu nhưng từ đó tới nay không ai lên”.

Thầy Hải phân trần, không phải nhà trường không có động thái mà chính gia đình anh Năm, chị Hải không muốn lên phường. Quan điểm của nhà trường là theo đúng quy định của nhà nước, các cháu trong độ tuổi đến trường phải được đi học. Sau khi biết được các cháu không có giấy khai sinh nhưng do nhà hoàn cảnh thuộc hộ nghèo lãnh đạo trường cũng đã xin phép UBND phường Đông Mai và Phòng Giáo dục quận Hà Đông cho các cháu được tiếp tục học. “Đối với 3 học sinh nói trên không phải nhà trường không cho học mà như thầy Cư nói, gia đình cần có bản cam kết để sau khi có giấy khai sinh các cháu tiếp tục được đi học”, thầy Hải khẳng định lại.

Hiện tại, theo gợi ý của lãnh đạo trường, đại diện gia đình anh Năm, chị Hải chỉ cần theo thầy Cư cùng lên UBND phường để làm giấy khai sinh cho con theo hình thức một cửa, tạo điều kiện hết mức để cho các cháu được đến trường, không mang tiếng là “học nhờ”. Tuy nhiên, cho tới sáng 21/2 khi chúng tôi liên lạc lại phía nhà trường, lãnh đạo trường cho biết vẫn chưa thấy người nhà anh Năm có thiện chí.

Trước đó, chiều 20/2, anh Năm vì "ngủ quên" đã lỡ hẹn với thầy Cư (hiệu phó trường Đông Mai) lên phường xin giấy khai sinh cho con! (xem chi tiết)

Cuối cùng, chị Đặng Thị Hải nói với phóng viên rằng, đầu tuần tới nếu chồng không trực tiếp lên phường thì chị sẽ là người lên làm giấy khai sinh cho các con...
"Phường sẵn sàng giúp đỡ"!

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về thông tin vướng vắc chuyện tới trường của những đứa con anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải, ông  Đoàn Viết Tưởng – Phó Chủ tịch UBND phường Đông Mai, Q. Hà Đông, Hà Nội cho biết: Phường sẵn sàng tạo điều kiện cho các con anh Năm được làm giấy khai sinh, nhưng phải có bố hoặc mẹ đại diện lên khai báo.

“Tôi vẫn bảo thầy Cư, trách nhiệm của thầy là tới vận động, nếu không vận động được gia đình cho con đi học thì gọi tổ trưởng dân phố, gọi các bên đến làm biên bản để thấy được chính quyền đã làm hết trách nhiệm, không lại bảo xã hội không quan tâm tới con anh Năm”, ông Tưởng chia sẻ. 

Vợ ông Phó Chủ tịch phường Đoàn Viết Tưởng, đồng thời cũng là giáo viên dạy những đứa con nhà anh Năm tại Trường Tiểu học Đông Mai 1, cho biết: Những đứa con nhà anh Năm học đã không mất tiền, sách vở, quần áo các cô cũng mua cho. “Không có giáo viên nào dạy con nhà anh Năm lại không tự bỏ tiền ra mua đồ. Nhưng mỗi lần bảo đi học là mấy đứa lại nói phải ra đồng mò cua đã. Nhiều lần các cô cũng bảo chị Hải cho con lên trường để học nhưng sau vài lần vâng, dạ rồi cũng mất tăm”.

Theo thông tin từ ông Tưởng, trong 15.000 nhân khẩu và hơn 3.000 hộ khẩu tại phường không hộ nào “đặc biệt” như nhà anh Ngô Doãn Năm. Ngay từ những năm 2009-2010-2011 các đoàn thể đã vận động dừng sinh, thậm chí tiêm thuốc ngừa thai nhưng rồi cũng đành chịu. Chuyện gia đình anh Năm, chị Hải thường xuyên mất sổ hộ khẩu rồi liên lụy tới các con là trách nhiệm của người làm bố, làm mẹ không cẩn thận trong việc giữ gìn tài sản. 
Xuân Trung