Bí quyết giảng dạy đặc biệt của thầy giáo không bằng cấp

10/03/2013 15:35
Theo Người đưa tin
Dù không có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm nào nhưng hơn chục năm nay, thầy giáo làng Nguyễn Xuân Điền (ở xã Đình Cao, Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã đưa hàng trăm học sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Tỷ lệ đỗ đại học trong các lớp luyện thi của thầy luôn duy trì ở con số 80 - 90%. Điều đặc biệt là không cần giáo án hay một khuôn mẫu sư phạm nào cụ thể, thầy Điền vẫn có thể giảng dạy cả 3 môn toán, lý, hoá một cách nhuần nhuyễn. Đến nay, tiếng tăm của thầy Điền không chỉ giới hạn trong vùng. Học sinh trên khắp cả nước còn khăn gói quả mướp đến ăn ở tại nhà thầy cả năm với mong ước bước vào cánh cửa đại học.

Thành thầy giáo từ việc kèm con học

Theo sự chỉ dẫn của người dân, qua các con đường quanh co của thôn Duyên Linh, chúng tôi cũng tìm được đến ngôi nhà của thầy giáo Điền. Dù trời đang mưa nhỏ và thời tiết khá lạnh nhưng vẫn có hàng dài những chiếc xe đạp của học sinh để trải dài trong sân. Trong căn phòng nhỏ là nơi dạy học, có khoảng 20 học sinh đang nghe thầy giảng bài một cách chăm chú. Tranh thủ lúc cho học sinh làm bài kiểm tra, thầy Điền dành cho chúng tôi chút thời gian để chia sẻ về cái duyên đưa ông đến với nghề dạy học.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống nho học, ngay từ khi còn nhỏ ông đã nổi tiếng trong xã, ngoài huyện vì học rất giỏi. Sống dưới sự rèn giũa của cha, ông luôn cố gắng phấn đấu và đạt thành tích nổi trội trong các môn tự nhiên. 10 tuổi, ông đã được cô giáo giao nhiệm vụ giảng giải những bài khó cho các bạn cùng lớp.

Năm học cấp 3, nhiều lần ông được nhà trường miễn lao động để  dạy kèm cho các bạn có học lực yếu kém. Đến khi thi đại học, không chọn con đường sư phạm theo năng khiếu sẵn có, ông đăng ký thì vào khoa chế tạo máy của trường đại học Bách khoa Hà Nội - một trong những trường đại học nổi tiếng nhất nước thời bấy giờ. Ra trường với tấm bằng kỹ sư dệt may, ông quay trở về quê hương rồi công tác tại Nhà máy may và đay Hưng Yên. Ông chọn ở trọ gần công ty vì nơi làm việc cách nhà hơn 20km.

Cứ cuối tuần ông lại dành thời gian đạp xe về nhà thăm vợ con. Cái duyên đến với nghề dạy học với ông trong một lần tình cờ kiểm tra kiến thức của cậu con trai đang học cấp 3. Điều khiến ông thấy ngỡ ngàng là con đã học lớp 10 nhưng trong 7 hằng đẳng thức lại chỉ nhớ có 2. Lo lắng vì con trai không chuyên chú vào học tập nên ông quyết định ban ngày đi làm, ban tối đạp xe về nhà để kèm con học. Thấy ông dạy con, họ hàng cũng gửi 3 cháu sang nhờ ông dạy.

Bước đầu dạy học vô cùng vất vả, bởi con và các cháu của ông dường như đã… mất gốc. Để lấp lỗ hổng kiến thức cho các học sinh đặc biệt này, ông kiên trì dạy lại từ những bài học đơn giản nhất. Để cho chúng dễ hiểu, ông truyền đạt theo cách đơn giản và gọn nhẹ, đi sâu vào những phần kiến thức cơ bản theo phương châm: Hổng phần nào bổ túc phần đó.

Ông tâm sự: "Mong muốn của tôi đơn giản là các cháu nhận ra được tầm quan trọng của việc học và cố gắng học để nắm vững kiến thức. Sau một năm được kèm cặp, sức học của các cháu dần đi lên, đều đạt loại khá. Đến năm lớp 12, cả 4 học trò của ông đều xuất sắc đạt loại giỏi. Và ông cũng không bất ngờ khi kỳ thi đại học năm 2000 kết thúc, cả 4 người đều đỗ vào các trường đại học có tiếng với số điểm cao (từ 25 đến 29).

Thầy Điền đang nhiệt tình giảng bài cho học sinh
Thầy Điền đang nhiệt tình giảng bài cho học sinh

Tiếng lành đồn xa, thấy minh chứng trước mắt là lớp học tại gia của ông Điền - một thầy giáo không chuyên lại hiệu quả hơn nhiều so với các lò luyện thi mở ra đầy rẫy tại địa phương, nhiều bà con trong làng vội mang con đến nhờ ông dạy vào buổi tối. Thậm chí nhiều người ở các tỉnh xa như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Quảng Ninh cũng tìm đến nhà ông giáo làng.

Một phần thấy gia cảnh nhà ông không dư dả, một phần sợ ông đổi ý, họ bảo nhau góp tiền rồi mua bảng, bàn ghế, đồ dùng dạy học mang đến để phục vụ cho việc giảng dạy của ông. Ông kể: "Có lần tôi xem tử vi thấy mình hợp với hai ngành là y và sư phạm. Nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc vì hồi đó mình không theo sư phạm. Tính ra tôi thấy mình cũng có duyên với nghề dạy học vì giờ cũng thành thầy giáo không chuyên rồi".

Thành công nhờ phương pháp dạy đặc biệt

Vừa đi làm ở nhà máy vừa đảm nhiệm việc dạy học nên thời gian biểu trong ngày của ông Điền luôn trong tình trạng kín mít. Những khi rảnh rỗi, ông lại mở tài liệu góp nhặt được ra để nghiên cứu, tìm cách truyền đạt lại kiến thức cho học sinh. Đối tượng trong các lớp học của ông đều đang học cấp 3, được xếp vào các lớp khác nhau: Lớp bồi dưỡng và củng cố kiến thức cho các em lớp 10, 11.

Lớp luyện thi đại học cho các em lớp 12 và 13. Số lượng học sinh trong mỗi lớp dao động ở con số từ 15 đến 20 và được chia làm nhiều ca. Ông Điền cho biết: "Các cháu đi học trên trường vào ban ngày nên lớp học chủ yếu diễn ra vào buổi chiều và tối. Học sinh học trên trường đã rất vất vả rồi nên tôi phải truyền đạt kiến thức làm sao cho các cháu thấy đơn giản, dễ hiểu nhưng lại phải nhớ được lâu để vận dụng vào bài tập.

Tập trung vào việc dạy học và có đam mê tâm huyết với nghề nên năm 2004, sau 4 năm mở lớp ông đã xin nghỉ chế độ ở nhà máy về sống tại nhà để tập trung hết cho chuyên môn. Điều đặc biệt là nhiều khi không hiểu những môn chuyên ngành, cậu con trai đang học trường giao thông vận tải lại mang sách về nhờ ông chỉ dạy giúp.

Phương pháp giảng dạy của ông Điền khá độc đáo. Ông chú trọng vào việc gợi mở để các cháu phải tư duy nhiều hơn như ông nói học ít nhớ nhiều. Ông không soạn giáo án hay dựa theo bài giảng khuôn mẫu cụ thể nào mà tự đưa ra cách dạy của riêng mình. Ông cũng tích góp thêm các đề thi về nghiên cứu để kịp thời đưa các dạng bài mới đến với học sinh.

Ông kể: "Ban đầu tôi đi lướt sau đó đi theo đường xoáy. Vì học sinh đã có kiến thức căn bản ở trên trường rồi nên khi sơ đồ lại hệ thống kiến thức thấy học sinh hổng chỗ nào tôi kịp thời bổ sung chỗ đó. Những phần kiến thức quan trọng khác nhau thì tôi đi sâu và dần nâng cao. Cứ học xong một bài tôi lại đưa ra một đề trắc nghiệm gồm 50 câu cho các em thực hành ngay.

Như thế sẽ giúp học sinh nhớ lâu và nắm chắc kiến thức. Theo phương châm học đến đâu chắc đến đó với cách giảng dễ hiểu và gợi mở nhiều bí quyết hay, ông đã giúp cho nhiều học sinh từ học lực khá lên đến giỏi và xuất sắc. Khi học sinh chọn trường, còn băn khoăn do dự, ông lại tư vấn cho các em đăng ký các trường phù hợp với lực học của mình.

Khi các trung tâm luyện thi đại học mọc lên như nấm, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu thì học sinh lại tìm đến ngồi chật kín cả lớp học của thầy Điền. Tính từ năm 2000 đến nay, số lượng học sinh trong các lớp học của ông đã lên đến con số trên 800.

Trong đó số lượng các em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn dao động ở từ 80 - 90%, có năm đạt 100%. Năm 2007, lớp học có 33 em thì có 28 em thi đỗ, góp phần đưa xã Đình Cao trở thành địa phương có số lượng học sinh đỗ đại học cao nhất tỉnh. Hay như năm 2011, 15 học sinh trong lớp học ôn thi đại học của ông đều nhận được giấy báo trúng tuyển của các trường đại học có tiếng như: Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Quân sự... Có không ít em thi đỗ 2, 3 trường với số điểm rất cao như em Nguyễn Trung Tín (29 điểm), Nguyễn Thị Uyên (10 điểm môn vật lý), Trần Trung Hải...

Điều khiến nhiều phụ huynh quý trọng và cảm phục thầy giáo làng là những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó ông không lấy học phí, gia đình khá hơn ông cũng chỉ thu học phí bằng 1/3 so với những nơi khác. Hiện tại, một ca học 2 tiếng đồng hồ ông cũng chỉ thu 15 nghìn đồng.

Những năm gần đây, đối tượng dạy học của ông chủ yếu là học sinh lớp 13. Nhiều em đã mất gốc, ông lại phải kiên trì dạy lại từ đầu. Ông tâm sự: "Điều khó nhất là logic kiến thức cơ bản cho học sinh. Các em phải hiểu mới có hứng thú với việc học. Ông bảo mong ước lớn nhất của mình là các em học sinh ngoan ngoãn, chú tâm vào việc học để trở thành người có ích”. 

Tâm nguyện của thầy giáo làng

Hiện tại, học sinh trong các lớp học của ông đều ở các tỉnh xa tìm đến và ở tại nhà ông. Không chỉ đảm nhận việc dạy văn hoá, ông còn quan tâm và dạy dỗ các em như người thân trong nhà. Nhiều em mới đến còn lạ lẫm, chán học rồi bỏ đi chơi điện tử, ông phải khuyên nhủ, bảo ban nhẹ nhàng để các em nghe lời. Chưa kể đến nhiều hôm ông lo lắng, vất vả cả đêm để tìm các em trốn đi chơi về nhà. Thầy giáo làng tâm sự, tâm nguyện trong tương lai của ông là có thể dạy cho nhiều thế hệ học sinh hơn nữa và đặc biệt là có cơ hội kèm cặp cho hai đứa cháu (đang học tiểu học) khi chúng thi vào đại học.

Theo Người đưa tin