LTS: Có thể nói rằng ngôn ngữ (tiếng nói) của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là một thứ tài sản vô cùng quý giá.
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện quan trọng trong các hoạt động giao tiếp của con người và xã hội mà đối với mỗi dân tộc, ngôn ngữ còn được ví như một thứ “căn cước” của nền văn hóa.
Đối với đất nước ta, Tiếng Việt là tiếng nói chính thống của dân tộc Việt. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập hiện nay, cùng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực đời sống, tiếng Việt cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt là hiện tượng từ “lạ” xuất hiện ngày càng nhiều.
Vậy làm sao để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, hôm nay, tác giả Nguyễn Văn Khánh bàn về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Hội thảo này cho chúng ta thấy rằng đã đến lúc cần sự chung tay của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội.
50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt".
Trong tác phẩm này, ông đã nói: “Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng diễn tả rất nhiều ý; hoặc ngược lại, một ý nhưng lại có bao nhiêu chữ để diễn tả.
Vì vậy, nếu nói tiếng Việt của ta có khả năng rất lớn để diễn đạt tư tưởng và tình cảm trong nhiều thể văn thì điều đó hoàn toàn đúng. Không sợ tiếng ta nghèo, chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta”.
Muốn giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cần bắt đầu từ đâu? (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Chính từ cuộc phát động này mà trong nửa thế kỉ qua, thế hệ cha ông chúng ta đã và đang giữ gìn, phát triển từ vựng để làm phong phú cho ngôn ngữ nước nhà.
Điều dễ nhận thấy là tiếng Việt của chúng ta phong phú và đẹp về ngữ nghĩa, có khi cùng một nội dung, một vấn đề ta có thể dùng nhiều cách viết, dùng nhiều từ khác nhau nhưng vẫn diễn đạt được nội dung mà mình cần hướng tới.
Song, cùng từ sự đa nghĩa của nó và cách phát âm mỗi vùng miền khác nhau đã tạo nên sự khập khiễng trong cách dùng từ.
Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin, nhiều trang mạng ra đời, điện thoại di động phát triển, truyện tranh tràn ngập thị trường đã làm cho một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng trong cách dùng từ ngữ.
Từ đó, các em ít đọc những quyển sách hay, những câu chuyện bổ ích để trau dồi vốn từ cho riêng mình.
Chính vì vậy, dùng sai từ, từ nhiều lỗi chính tả đã và đang là thách thức lớn cho sự giữ gìn và phát triển tiếng Việt.
Nhìn lại tác phẩm Truyện Kiều, chúng ta thấy Nguyễn Du là bậc thầy trong việc dùng ngôn từ. Những câu thơ ông viết ra hình như không có một từ ngữ nào vô nghĩa.
Cái hay của Truyện Kiều không chỉ là nội dung mà chính cả cách dùng từ ngữ của Nguyễn Du.
Khi miêu tả về Mã Giám Sinh, ông viết: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, chỉ cần từ “tót” trong câu thơ cũng đủ lột tả được bản chất xấc xược của y khi làm lễ vấn danh.
Khi miêu tả về Sở Khanh, ông viết: “Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. Chao ôi, chỉ từ “lẻn” cũng thấy được bản chất không quang minh chính đại của gã khi đến dụ dỗ Thúy Kiều.
Và, cũng cách dùng từ chuẩn xác và đắt ấy, khi miêu tả Hồ Tôn Hiến, ông viết: “Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình”.
“Rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài"(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý vấn đề này tại Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" ngày 5/11 tại Hà Nội. |
Một con người đại diện cho triều đình mà tráo trở, vừa giết chồng người ta mà đắm say vợ của tình địch thì còn gì trơ trẽn và đáng phỉ nhổ hơn…
Cứ thế, Nguyễn Du đã lột tả được tất cả các nhân vật của mình chỉ thông qua tiếng Việt của mình để rồi người sau chỉ biết trầm trồ thán phục.
Quay lại với lần phát động Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt lần này, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang giữ gìn và làm phong phú cho tiếng Việt.
Song, một thực tế cho thấy rằng đôi lúc nhiều tờ báo đang quá lạm dụng sử dụng ngôn ngữ nước ngoài một cách không cần thiết.
Ví dụ khi chúng ta xem một số chương trình dành cho thiếu nhi. Một số chương trình giải trí của các Đài truyền hình mà lẽ ra không cần phải dùng tiếng nước ngoài nhưng người dẫn chương trình vẫn thường xuyên sử dụng.
Trên một số tờ báo, nhất là các tờ báo viết cho tuổi mới lớn, các em thiếu niên cũng sử dụng rất nhiều từ tiếng nước ngoài khi không cần thiết.
Và, nhất là trong các quyển truyện tranh thì đan xen vừa tiếng Anh, tiếng Việt, sử dụng ngôn ngữ xì tin loạn xì ngầu.
Giới trẻ thích, nhưng rõ ràng chúng ta đã và đang làm nghèo đi tiếng Việt của mình.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội thì phần lớn lớp trẻ hiện nay đang lạm dụng ngôn ngữ xì tin khi trao đổi với nhau.
Trong đó, có cả thầy cô giáo, trí thức, sinh viên và các em học sinh. Cách viết của một bộ phận giới trẻ hiện nay khiến chúng ta không khỏi giật mình nhưng đã trở thành phổ biến.
Ai cần sửa lỗi chính tả?(GDVN) - Tiếng Việt là thứ tiếng ghi âm bằng công cụ chữ quốc ngữ, có đặc điểm cơ bản "nói sao viết vậy". Từ đó, tình trạng nói sai dễ dẫn đến tình trạng viết sai. |
Việc sử dụng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải bắt đầu từ những bài học trên ghế nhà trường.
Thầy cô phải là người uốn nắn và sửa chữa cho học sinh từ cách phát âm, luyện cho các em viết đúng chính tả, ngữ pháp.
Trong gia đình thì cha mẹ phải thường xuyên kèm cặp và quản lí các em trong việc sử dụng điện thoại, các trang mạng xã hội để uốn nắn.
Đối với các phương tiện thông tin đại chúng cần có tính định hướng và sử dụng các bài viết của mình đúng văn phong.
Ngoài ra, chúng ta cần phải tạo một thói quen cho bản thân, cho con em chúng ta một thói quen thường xuyên đọc sách và trau dồi vốn từ.
Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt của mình như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết:
“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn /Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”.
Ông cha ta đã từng nói: “Nét chữ là nết người”. Viết đúng và biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là thể hiện ý thức của công dân đối với chữ viết dân tộc.
Đồng thời thể hiện lòng tự tôn dân tộc đối với tiếng Việt- một ngôn ngữ có sức sống mãnh liệt tự ngàn xưa mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn và bổ sung những vốn từ trong sáng, làm đẹp thêm cho tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.