Giám đốc 9X ước mơ đưa Việt Nam thành điểm kết nối sinh viên toàn thế giới

17/12/2016 07:31
Thùy Linh
(GDVN) - Giám đốc tuổi 9X, Hoàng Văn Cương cho rằng giáo dục trong nước hay nước ngoài đều chỉ có thể được xây dựng được dựa trên sự tin cậy.

Hơn 4 năm lăn lộn ở nhiều quốc gia, Hoàng Văn Cương đã đưa hàng trăm sinh viên quốc tế sang Việt Nam học tập và giao lưu văn hóa. 

Từ một thực tập sinh, 9X này hiện đã đảm trách vị trí Giám đốc Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế (Đại học FPT) và không ngừng theo đuổi ước mơ đưa Việt Nam trở thành điểm kết nối sinh viên toàn thế giới.

Cái duyên đi “toàn cầu hóa”

Hồi nhỏ, Hoàng Văn Cương (hiện là Giám đốc Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế, Đại học FPT) thích nhất là được xem ông mình giảng bài.

Hình ảnh ông giáo già cặm cụi say mê với bảng đen và phấn trắng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng anh, nhen nhóm trong anh niềm yêu thích nghề giáo. 

Năm cuối đại học, Cương được chọn trở thành thực tập sinh tại Phòng Hợp tác quốc tế, Đại học FPT (sau này là Khối Phát triển sinh viên quốc tế và Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế).

Những ký ức đẹp thời thơ ấu dường như đã truyền cho anh niềm đam mê, sự hứng khởi để chính thức “bén duyên” với ngành giáo dục.

Giám đốc 9X ước mơ đưa Việt Nam thành điểm kết nối sinh viên toàn thế giới ảnh 1
Anh Hoàng Văn Cương (Ảnh: Vân Anh)

Khi đó, mình bỡ ngỡ lắm, chẳng biết hợp tác quốc tế hay toàn cầu hóa giáo dục là gì, chỉ tâm niệm làm tốt mọi việc được giao. 

Tham gia từ những ngày đầu, mình cũng may mắn được làm việc và học hỏi từ các lãnh đạo - hạt nhân quan trọng đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động toàn cầu hóa giáo dục Đại học FPT. Từ lúc nào chẳng rõ, mình đã coi đây là tâm huyết, sứ mệnh của chính mình
”, Cương chia sẻ.

Cương khởi đầu công việc của mình bằng…tất cả mọi việc từ lên ý tưởng và nội dung website, làm ấn phẩm tuyển sinh đến tài liệu đào tạo định hướng.

Khối lượng công việc lớn, thị trường quốc tế nhiều thách thức, nhân sự lại ít ỏi, anh đã cùng đồng nghiệp lăn xả hết mình với một tinh thần start-up bất chấp thử thách. 

Một tháng sau khi kết thúc thời gian thực tập, mình chọn Philippines là thị trường đầu tiên để thử thách bản thân.

Đây là nơi đã chứng kiến những lần “xông pha” đàm phán đầu tiên, cũng là lần đầu tiên mình có được trải nghiệm cực kỳ khó quên, đó là ra nước ngoài bị cướp sạch tiền”, Cương kể lại. 

Đi đến đâu cũng được “người nhà” ra đón

Hiếm khi thấy vị giám đốc trẻ xuất hiện tại văn phòng. Thay vào đó, lúc thì Brunei, Hàn Quốc, khi thì Đức, Mỹ, anh rong ruổi khắp các quốc gia, đón các bạn quốc tế sang mình, đưa sinh viên Việt ra nước ngoài. 

Từng có câu chuyện về Cương rằng đi đến đâu anh cũng không lo nơi ăn chốn ở.

Bởi tại rất nhiều nước có sinh viên đã từng theo học các khóa trao đổi tại Đại học FPT, họ đều coi vị giám đốc 9X này chẳng khác người thân, sẵn sàng chào đón.

Hầu hết sinh viên quốc tế đến Việt Nam mong muốn được trải nghiệm, khám phá văn hóa, cảm nhận sự thân thiện từ môi trường và con người. Cương cùng các đồng nghiệp luôn nỗ lực xây dựng một không gian như thế. 

Giám đốc 9X ước mơ đưa Việt Nam thành điểm kết nối sinh viên toàn thế giới ảnh 2

Nhiều ý nghĩa từ hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”

(GDVN) - Trong thời gian qua, những hội thi kể chuyện về Bác Hồ đã diễn ra sôi nổi ở nhiều đơn vị trường học và thu được những thành công bước đầu.

Đón khóa sinh viên đầu tiên sang, Cương và nhóm của mình vừa dạy tiếng Việt, lịch sử Việt Nam, rồi lại khoác chiếc áo võ phục lên võ đường Vovinam (Việt võ đạo) làm trợ giảng, vượt qua rào cản ngôn ngữ để truyền đạt tinh thần nhân văn và thượng võ của người Việt. 

Mỗi lần có đoàn sinh viên châu Phi, châu Á, châu Úc sang giao lưu ngắn hạn, giám đốc 9X sẵn sàng bê ghế, dựng hội trường… cùng sinh viên “cháy” hết mình.

Không chỉ vậy, Cương còn là người góp phần đưa hàng trăm sinh viên Việt tại Đại học FPT ra nước ngoài học tập, trao đổi văn hóa mỗi năm. 

Trường Đại học FPT mong muốn trong 4 năm học, mỗi sinh viên có ít nhất một cơ hội đi nước ngoài. Đây là công việc nhiều thách thức nhưng đã trở thành mục tiêu nhất định phải thực hiện được”, anh chia sẻ.

Trong khi nhiều trường đại học mới bắt đầu tiến hành quốc tế hóa giáo dục, ở Đại học FPT nơi Cương công tác, “toàn cầu hóa đã trở thành cơm ăn nước uống hàng ngày, không thể thiếu được”. 

Những ngày đầu mới có sinh viên quốc tế, nhóm của Cương phải theo sát hỗ trợ các bạn bởi ngoài giảng viên của trường thì không phải ai cũng biết Tiếng Anh. 

Cương bèn quyết định mở một lớp “bình dân học vụ” dạy ngoại ngữ kiểu “xóa mù” cho từng cán bộ y tế, thầy giáo Vovinam, đến các nhân viên ở trung tâm dịch vụ.

“Toàn cầu hóa không ở đâu xa, nó nằm trong những điều tưởng như rất nhỏ”, Cương khẳng định. 

Khó khăn lớn nhất khi tuyển sinh quốc tế là phần lớn sinh viên nước ngoài chưa coi Việt Nam như một điểm đến du học hấp dẫn, thậm chí chưa biết mấy về Việt Nam. 

Trách nhiệm của mình là phải giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trước khi nói về Đại học FPT.

Chịu khó đi nhiều, nói nhiều, một người chưa biết, chưa tin thì mình đi gặp mười người, trăm người để kể với họ về đất nước mình”, Cương chia sẻ. 

Đối với anh, giáo dục trong nước hay nước ngoài đều chỉ có thể được xây dựng được dựa trên sự tin cậy.

Thùy Linh