Tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” mãi mãi bất diệt!

18/12/2016 15:59
Trinh Phúc
(GDVN) - “Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân".

Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc

Sáng nay (18/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016).

Các đây 70 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã nhất tề đứng lên bước vào cuộc chiến chống thực dân Pháp với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Các đại biểu tham lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (ảnh Trinh Phúc).
Các đại biểu tham lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (ảnh Trinh Phúc).

Tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam;

đồng chí Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội;

đồng chí Nguyễn Văn An nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội;

đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thủ tướng Chính phủ…

 Cùng nhiều đồng chí là cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gần 3500 đại biểu là các cựu chiến binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân chứng lịch sử…

Tại buổi Lễ Kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đọc diễn văn kỷ niệm khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn của ngày Toàn quốc kháng chiến và những thành tựu mà sự nghiệp cách mạng đem lại 70 năm qua .


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn tại lễ Kỷ niệm (ảnh Trinh Phúc).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn tại lễ Kỷ niệm (ảnh Trinh Phúc).

Bí Thư Thành ủy Hà Nội ôn lại:

“Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa;

song cũng khiến cho các thế lực đế quốc và bọn phản động vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá, hòng thủ tiêu thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ, nạn giặc ngoại xâm... và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.

 Sau đó chúng mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946.

Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của ta, ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội.

 Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh.

Ngày 18/12/1946, tướng Mô-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội;

 nếu các đòi hỏi đó không được chấp nhận thì chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.

Dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng; dân tộc Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: hoặc là khoanh tay, cúi đầu trở lại kiếp nô lệ; hoặc là đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước.

Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.

Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước”.

Các chiến sĩ "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh năm xưa" ôn lại kỷ niệm (ảnh Trinh Phúc).
Các chiến sĩ "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh năm xưa" ôn lại kỷ niệm (ảnh Trinh Phúc).

Đánh giá ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh:

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội;

thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.

Đó cũng tiêu biểu cho truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận” với tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”;

đã kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô và tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...

với những chiến công vang dội đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Ngọc Hồi, Đống Đa...

Có thể nói, chiến công của quân và dân Thủ đô trong mùa Đông năm 1946 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao:

“Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc;

qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Bài học lớn cho thế hệ trẻ

Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Huy Du sinh năm 1930, nhân chứng lịch sử đã kể lại những tháng ngày Toàn quốc Kháng chiến oanh liệt của dân tộc:

“Những ngày cuối năm 1946, thực dân Pháp trở mặt, quay lại đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội.

Chúng ngang nhiên giết hại đồng bào, tàn sát nhân dân ta. Trước hoàn cảnh đó tôi đã tự nguyện đi kháng chiến.

Đại tá Lê Huy Du (ảnh Trinh Phúc).
Đại tá Lê Huy Du (ảnh Trinh Phúc).

 Đúng 8 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, đèn điện phụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh… nã vào thành Hà Nội.

Giờ cứu nước đã đến, chúng tôi phải phải xông ngay ra đường đốn ngả cây cối, ngả cột đèn, rải mìn, rải chướng ngại vật ở phố hàng Da, phố Đường Thành để chặn địch tấn công từ trong thành ra.

Tôi đã cùng Trung đội 3 tự vệ chiến đấu, đánh địch từ cửa Nam, hàng Bông, hàng Trống, hàng Gai…

Sau 60 ngày đêm chiến đấu, lăn lộn, quần nhau với địch trong những căn nhà đổ nát, những khu phố bị bắn tan hoang, cuộc sống trong các chiến hào đầy gian khổ, thiếu thốn…

Nhưng với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm, không sợ hy sinh, lại được thư động viên của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Hàng năm cứ vào dịp cuối năm, tôi không thể quên mùa đông 1946, mùa đông rét mướt, ác nghiệt, mùa đông có nhiều thử thách hiểm nghèo như trong thế ngàn cân treo sợi tóc, buộc quân và dân ta phải cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được.

 Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền”.

Trước câu chuyện kể đầy hào hùng của các nhân chứng lịch sử, đại diện thế hệ trẻ phát biểu cảm tưởng tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Trần Xuân Bách (32 tuổi), giảng viên Đại học Y xúc động nói:

“Trong tâm thức thế hệ trẻ chúng tôi, ngày 19.12.1946 là ngày cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến thần thánh, chống lại cường quốc, thực dân.

Chúng tôi vô cùng biết ơn những thanh niên quả cảm năm xưa, chiến đấu một mất mất, một còn với quân thù. Bao tấm gương trẻ tuổi anh hùng.

May mắn sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, được tạo điều kiện đi học tại những nước tiên tiến, sau khi hoàn thành chương trình ở nước ngoài tôi đã trở về nước làm việc và nguyện làm việc noi gương bậc cha anh đi trước để xây dựng đất nước”.

Buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến đã tôn vinh tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" và khẳng định tinh thần đó sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thế hệ trẻ Việt Nam.

Trinh Phúc