LTS: Phản ánh những bất cập trong việc đánh giá, khen thưởng học sinh cấp Tiểu học, tác giả Thanh An cho rằng nhà trường nên chú trọng đến chất lượng và sự trung thực trong việc đánh giá học sinh.
Với các hoạt động chụp hình lưu niệm, ken vào tấm giấy khen..., Ban giám hiệu các nhà trường không nên quá quan trọng cầu kì và áp đặt.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối năm là nhiều trường Tiểu học lại bắt đầu thu tiền chụp hình của học trò. Thôi thì đủ loại, nào là ảnh chụp lưu niệm cuối năm, cuối khóa, chụp để ken vào tấm giấy khen của học trò.
Mỗi tấm vài chục nghìn để làm kỉ niệm cuối năm, cuối cấp hay ken vào tấm giấy khen cho con em mình cũng ý nghĩa lắm chứ…
Vì thế, nhiều bậc phụ huynh cũng không mấy người thắc mắc về chuyện tiền bạc.
Nhất là chụp hình vào giấy khen rồi để vào một vị trí trung tâm, trang trọng trong nhà, rồi mỗi lần có ai vào nhà cũng trầm trồ khen ngợi.
Thế nhưng, đằng sau tấm hình ấy là rất nhiều điều còn băn khoăn của nhiều giáo viên. Trong đó, chuyện chụp hình để ken vào tấm giấy khen có nhiều câu chuyện buồn… không thể cười được.
Hiện nay, theo Thông tư 22, thì các môn thi lấy điểm phải đạt được 9 điểm trở lên mới khen thưởng.
Thế nhưng, có một sự thật tréo ngoe là nhiều trường đã âm thầm cho học sinh các lớp chụp hình từ khi chưa …thi học kì.
Ban giám hiệu liên hệ với các thợ chụp hình rồi hẹn ngày giờ đến trường và thông báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để đưa học sinh xuống sân chụp hình.
Nhưng, vì không thể khen hết lớp được nên khi thợ hình đến thì giáo viên chủ nhiệm chỉ chỉ định một số em xuống chụp hình nhưng không nói là chụp làm gì.
Sau khi chụp hình thì các thợ ảnh sẽ lồng hình học sinh vào các tờ giấy khen. Và, các giáo viên chủ nhiệm sẽ báo cho phụ huynh những em chụp hình làm giấy khen để họ đóng tiền đã chụp hình con mình từ trước.
Một số trường còn chọn sẵn học sinh sẽ được khen thưởng dù chưa biết kết quả thi cử. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết) |
Có một điều gần như đã là mặc định trong nhà trường là việc của ai người đó làm, cái gì không liên quan thì giáo viên không góp ý, hoặc không được phép góp ý.
Nhiều câu chuyện chỉ có một lượng giáo viên nhất định biết với nhau mà thôi. Như câu chuyện nhà trường tổ chức chụp hình cho học sinh để ken vào các tấm giấy khen.
Chuyện bất cập không chỉ là chuyện tiền bạc mà ở đó là cả những trớ trêu khi tổ chức thi và chấm thi học kì.
Những em đủ điểm để khen thưởng thì không nói làm gì. Nhưng, những em mà giáo viên đã có chủ đích từ trước mà không làm được bài bắt buộc giáo viên phải “ra tay” giúp đỡ.
Ngày tổ chức gác thi thì giáo viên chủ nhiệm cứ đi lòng vòng trong lớp xem các em có làm bài được không.
Sự giúp sức không chỉ là những em không làm bài được mà cả những em đã “lỡ” chụp hình để làm sao các em không bị điểm dưới 9.
Mặc dù trong phòng thi, nhà trường bố trí thêm một giáo viên môn chuyên cùng gác thi nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm vẫn làm việc của mình như không tồn tại khái niệm “giám thị 2” đang cùng mình làm nhiệm vụ coi thi.
Đánh giá kết quả học tập cuối năm, chuyện "H" và "T" ở cấp Tiểu học(GDVN) - Những em học thêm, có cha mẹ “quan tâm” thầy cô trong các ngày lễ, hoặc có cha mẹ thân quen với thầy cô… bao giờ cũng là một “lợi thế” trong việc xếp loại. |
Cách giúp trong phòng thi nếu vẫn xảy ra trường hợp không đủ điều kiện khen thưởng thì giáo viên tiếp tục phải “tính toán” trong phần chấm điểm.
Những sự việc này không hiếm ở một số đơn vị trường học.
Thời hiện đại nên mỗi phụ huynh luôn sắm cho mình chiếc điện thoại có đầy đủ các chức năng quay phim, chụp hình.
Thế là đến ngày tổng kết, nhiều bậc phụ huynh dù không được nhà trường mời dự lễ tổng kết nhưng họ vẫn đến.
Khi nhà trường trao phần thưởng là chạy đến để “ghi” lại khoảnh khắc “thiêng liêng” của con em mình.
Và, điều dĩ nhiên, những clip, những tấm hình ấy sẽ được các bậc phụ huynh đăng lên facebook cá nhân để nhận được những lời khen thưởng, tấm tắc của người thân và bạn bè.
Cứ đến mùa tổng kết năm học, chúng ta sẽ cảm nhận được điều này rõ nhất.
Ở cái thời mà ai cũng chuộng hình thức, chuộng thành tích nên chuyện “thực thực hư hư” diễn ra hiện hữu trước mắt mọi người.
Giáo viên ai cũng muốn mình có nhiều học sinh được khen thưởng, phụ huynh nào cũng muốn con mình được khen thưởng.
Nhà trường cũng muốn học sinh của mình đạt được nhiều thành tích và có kết quả học tập cao.
Ban giám hiệu nào cũng nghĩ ra nhiều chiêu độc, lạ để có thể đánh bóng tên tuổi của mình với cấp trên và cũng muốn kiếm thêm một chút “hoa hồng” nên cũng tìm mọi cách để đưa các dịch vụ vào nhà trường.
Những bí mật trong đánh giá học trò cuối cấp |
Vì thế, những chuyện gì có thể “nghĩ ra” và “làm được” là họ đều làm.
Chuyện tấm hình trong mỗi tấm giấy khen, hay năm nào cũng chụp hình lưu niệm cả lớp có cần thiết không?
Nếu là cần thiết thì đó phải là nhu cầu của phụ huynh.
Hơn nữa, thời nay chúng ta có cần thiết phải thuê thợ hình vào rồi mỗi học sinh đóng hàng mấy chục nghìn đồng, thậm chí hàng trăm nghìn đồng để nhận một tấm hình tập thể được in, ép vội vàng?
Là người đang trực tiếp đứng lớp và cũng có con đang học Tiểu học nên những năm qua, điều mà chúng tôi luôn cảm nhận được là quá nhiều bất cập trong công tác khen thưởng của các nhà trường.
Các cháu còn nhỏ như những tờ giấy trắng tinh nên điều cần thiết là làm sao nhà trường khích lệ và tạo được động lực cho các cháu học tập và có ý chí phấn đếu rèn luyện.
Chuyện khen thưởng là tốt, là cần thiết nhưng cũng không nhất thiết phải màu mè, cầu kì làm gì. Điều mà nhà trường và thầy cô cần làm là khách quan, trung thực, tạo được bình đẳng cho tất cả học trò của mình.