Hội Minh Thề "thiết linh, chích địa", thề không tham nhũng

10/12/2017 08:37
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Chủ tế cắm phập con dao bầu xuống vòng tròn trước đài thề, tiếng hịch văn sang sảng: “Dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử!”. Chức sắc trong làng cùng hô.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Lễ hội Minh Thề - di sản văn hoá đặc sắc, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị” do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng tổ chức ngày 8/12 tại đình làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ), cho rằng Hội Minh Thề góp phần giáo dục, định hướng con người sống chí công vô tư, không lấy của công đút túi riêng.

Thề không tham nhũng

Cụ Phạm Đăng Khoa (84 tuổi), người được coi là “tiên chỉ” của làng Hòa Liễu cho hay Hội Minh Thề có từ thời nhà Mạc, cách nay hơn 400 năm.

Theo đó, năm 1561, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung) lập ấp Lan Niểu (làng Hòa Liễu ngày nay) đã quyên tiền tu tạo ngôi chùa Thiên Phúc.

Cụ Phạm Đăng Khoa, người có công lớn trong việc phục dựng lại Lễ hội Minh Thề
Cụ Phạm Đăng Khoa, người có công lớn trong việc phục dựng lại Lễ hội Minh Thề

Bà bỏ tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng dâng tam bảo. Sau đó, dân thôn cũng góp ruộng dâng lên, được tổng cộng 47 mẫu 3 sào gọi là “thánh điền”.

Một phần này được cho cấy đấu thầu gây quỹ nghĩa thương cấp cho người nghèo khi giáp hạt, duy tu sửa chữa đường làng.

Để quản lý quỹ nghĩa thương không bị thất thoát các bậc bô lão, chức sắc trong thôn đã cùng nhau lập lời thề. Lễ hội minh thề ra đời từ đó.

Cụ Khoa cho hay từ sau năm 1945, lễ hội minh thề được tổ chức nữa, tưởng như đã thất truyền.

Số ruộng “thánh điền” cũng được chia cho dân thôn, không còn quỹ nghĩa thương nữa.

Cụ Khoa, một ông giáo làng, sau khi nghỉ hưu đã cố công cùng với các bô lão trong làng phục dựng lại Hội Minh Thề từ năm 2002.

Hội Minh Thề "thiết linh, chích địa", thề không tham nhũng ảnh 2Phải lập bản đồ công chức quốc gia để chống tham nhũng biên chế

Ngày Hội Minh Thề, quan viên, hương thôn trong làng áo dài khăn xếp tề tựu quanh lễ đài.

Trống hiệu vang lừng, điệu lưu thuỷ réo rắt, Trưởng làng làm chủ lễ thắp nhang quỳ lạy. Chủ lễ cầm dao bầu xoay một vòng trên không sau đó vẽ một vòng dưới đất, rồi cắm phập con dao xuống giữa vòng tròn để “thiết linh, chích địa”.

Chủ lễ chuyển hịch văn cho một “quan viên” tuyên đọc. Văn thệ gồm bốn nội dung: không lấy của công, không trộm cắp, không cậy thế o ép người, không bao che cho kẻ gian.

“Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử! Y như văn thệ!”- sau mỗi lời thề sang sảng, chủ lễ và quan viên lại vung tay hô to “xin thề”.

Sau đó chủ lễ “chích huyết kim kê” cắt tiết gà trống vào rượu, cùng các hương thôn và dân làng uống rượu thề.

Bài học về pháp luật, đạo đức

Ông Đặng Trần Kiên, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Hải Phòng, cho rằng trải qua biết bao biến đổi của thời cuộc, Hội Minh thề vẫn tồn tại và tháng 5/2017 đã được chính thức công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần nâng tầm lễ hội Minh Thề để quan chức cùng thề
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần nâng tầm lễ hội Minh Thề để quan chức cùng thề

Theo ông Kiên, giá trị cốt lõi của Hội Minh Thề là giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống trong sạch cho mọi người, nhất là người có chức sắc không lấy của công làm của tư.

Trong xã hội hiện nay, khi tình trạng tham nhũng ở nước ta khá phổ biến, xảy ra ở mọi lúc mọi nơi thì nhân cách này càng có ý nghĩa sâu sắc. Hội Minh Thề càng mang ý nghĩa rất thời sự.

Ông Kiên cho rằng Hội Minh Thề có ý nghĩa giáo dục nhân cách, nhân cách này là quy chuẩn xã hội, là pháp luật, là chuẩn mực đao đức ở bất kỳ giai đoan lịch sử nào.

Vì vậy, ông Kiên đề xuất nên đưa nội dung Hội Minh Thề vào giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong khuôn khổ bộ môn địa phương học.

Hội Minh Thề "thiết linh, chích địa", thề không tham nhũng ảnh 4Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lò đã nóng lên không ai có thể đứng ngoài cuộc

Ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, cũng cho rằng nội dung của hịch văn Minh Thề có tính giáo dục pháp luật, đạo đức sâu sắc.

“Ở trong việc thi hành pháp luật sẽ được Thánh đức soi xét, nếu người nào chứa chấp của gian tà, bao che kẻ trộm cắp, Thần linh sẽ điều tra xét hỏi công tư rõ ràng, lấy quyền hành chính trực chiểu theo luật thề mà trị tội”. Ông Trung cho rằng hịch văn Minh Thề làm cho con người tin tưởng vào pháp luật, lẽ công bằng.

Theo ông Trung, nội dung và ý nghĩa của hịch văn cần được khai thác để làm bài học giáo dục cộng đồng về chí công vô tư, đức tính liêm khiết, bảo vệ của công, về việc tuân thủ pháp luật.

Mong muốn quan cùng thề

Ông Đặng Trung Kiên cho rằng cần xem xét để nâng tầm của lễ hội Minh Thề bởi người dân cho rằng trong hội thề có lãnh đạo từ cấp xã trở lên tham gia chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của người dân.

Chức sắc, bô lão và người dân trong làng cùng thề "Dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử"
Chức sắc, bô lão và người dân trong làng cùng thề "Dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử"

Cùng quan điểm này, ông Vũ Minh Đức, Câu lạc bộ Hải Phòng học, cho rằng tham nhũng đang là quốc nạn thì lễ hội này phải là lễ hội quốc gia mới xứng tầm.

“Nếu được quan tâm tổ chức tốt, cán bộ từ thấp đến cao ai cũng tuyên thệ không tham nhũng và thực hiện không tham nhũng thật thì cuộc chiến chống tham nhũng mới thành công” – ông Đức nói.

Theo ông Đức, lời thề có thần linh, trời đất chứng giám là một phương tiện, một giải pháp ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả vì trước mặt thần linh người có chức quyền đã hứa thì có muốn tham nhũng cũng sợ thần linh tru diệt.

Đây là biện pháp ngăn chặn tham nhũng, trộm cắp hữu hiệu vì quyền lực phải được kiểm soát, mà cơ chế kiểm soát ở đây ngoài người dân còn có thần linh, trời đất.

Hội Minh Thề "thiết linh, chích địa", thề không tham nhũng ảnh 6Đưa quan chức đi thăm nhà tù, tội phạm là một sáng kiến hay

Về phương diện pháp luật, đây chỉ là bản quy ước, một lời tuyên thệ, chưa phải bộ luật nhưng hiệu quả vô cùng to lớn, từ dân thường đến chức dịch, quan lại coi đây như điều luật ai ai cũng phải tự giác thực hiện.

“Tình trạng nhiều cán bộ từ cơ sở đến cấp cao tham nhũng như thế thì dân có tin được không? Chắc chắn không ai tin” – ông Đức đặt vấn đề: “khi quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị tồn tại thì ở đó có tham nhũng, vấn đề là phải kiểm soát quyền lực như thế nào?”.

Theo ông Đức, chính lễ hội Minh Thề sẽ làm được điều đó bởi qua lễ hội đã tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực một cách công khai minh bạch, kết hợp cả yếu tố đạo đức với yếu tố tâm linh, đề cao triết lý làm quan phải là công bộc của dân, phải liêm khiết công tâm. Vì thế, ông Đức cho rằng cần nâng tầm lễ hội.

ĐỖ HOÀNG