Thời gian vừa qua, dư luận tranh cãi về việc một số tỉnh thành như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đã loại khỏi quy hoạch những người sinh từ năm 1975 trở lại đây không có bằng tốt nghiệp đại học chính quy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy định như vậy là nặng về bằng cấp, không trọng thực tài.
Đặc biệt, trong thời đại cách mạng cộng nghiệp 4.0, khi việc học tập đang theo xu hướng tự học, học từ xa, học qua Internet, học tập suốt đời thì những quy định này được cho rằng đang đi ngược với xu thế thời đại.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp báo thường niên của Bộ Nội vụ (12/12), phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã hỏi quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này.
Ông Trương Hải Long Vụ trưởng Vụ Công chức (ảnh nguồn cổng thông tin Bộ Nội vụ). |
Thay mặt Bộ Nội vụ, ông Trương Hải Long,Vụ trưởng Vụ Công chức trả lời rằng: “Đến nay việc quy hoạch công tác cán bộ của Đảng được thực hiện theo quy định của Đảng, đó là Nghị quyết 42, Hướng dẫn 15, 16”.
Theo ông Trương Hải Long, ở một số tỉnh cán bộ thuộc đối tượng Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý, về nguyên tắc khi đối tượng cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ quản lý do cấp có thẩm quyền ban hành.
Quan điểm của Bộ Nội vụ, như trước đây theo công tác tuyển dụng hay bổ nhiệm thì không phân biệt bằng chính quy hay tại chức”.
"Ông Kim Ngọc có đại học đâu mà người ta vẫn rất giỏi đấy thôi" |
Cũng theo ông Trương Hải Long: “Để trả lời cụ thể câu hỏi của nhà báo, việc loại khỏi quy hoạch những cán bộ có bằng tại chức có đúng không, chúng tôi xin phép trao đổi cụ thể với Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Hà Tĩnh về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng như quy định riêng, cụ thể của những Tỉnh ủy này về công tác cán bộ như thế nào thì mới trả lời chính xác.
Tình thần chung pháp luật của nhà nước không có quy định về công tác quy hoạch”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 15/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 61/2017/QĐ-UBND về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng (quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017).
Theo đó, người được bổ nhiệm phải có trình độ đại học trở lên theo chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí, chức danh bổ nhiệm.
Cụ thể: "Trưởng, Phó phòng và tương đương thuộc sở ban ngành, sinh từ năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy.
Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu.
Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học chính quy.
Trưởng, phó phòng cấp huyện sinh năm 1965 trở về sau tốt nghiệp đại học chính quy.
Trường hợp sinh năm 1965 đến năm 1975 tốt nghiệp đại học không phải chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu (trừ chức danh Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo).
Trường hợp sinh năm 1976 trở về sau tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.
Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu”.
Tại chức – chính quy: Phải kiểm soát chất lượng đào tạo trước khi "lên bàn cân" |
Cũng như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh cũng nói không với bằng tại chức trong việc cơ cấu cán bộ.
Theo đó, thực hiện Quy định số 668-QĐ/TU ngày 12/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiều đơn vị đã loại khỏi quy hoạch những cán bộ sinh từ sau 1/1/1975 tốt nghiệp đại học hệ tại chức.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 28/11, ông Hà Văn Thạch - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, quy định trên phù hợp với Nghị quyết 42-NQ/TW công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và đặc điểm tình hình của Hà Tĩnh.
Trưởng Ban tổ chức cũng cho rằng, quy định đòi hỏi bằng cấp (đại học chính quy) đối với cán bộ trong diện quy hoạch là giải pháp chống lại tình trạng học giả, bằng thật.
"Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định như vậy không phải chạy theo bằng cấp mà mục đích nhằm chống việc chạy theo bằng cấp.
Bằng cấp là thước đo đánh giá trình độ cán bộ. Có người học không thực chất, không chất lượng nhưng vẫn có bằng", ông Thạch nói.
Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, việc đưa ra quy định 668 nhận được sự đồng thuận của người dân.
"Việc này chúng tôi đã công khai tới cán bộ lão thành, nhân dân trong tỉnh và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng", ông Thạch nói và khẳng định thêm, quy định trên ra đời nhằm nâng cao chất lượng cán bộ trong bộ máy quản lý.