LTS: Chất lượng đào tạo tại chức từ lâu đã mất dần vị thế và uy tín trong ngành Giáo dục. Và đây là góc nhìn riêng của cô giáo Phan Tuyết với câu chuyện không vui này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuộc tranh luận bằng tại chức và bằng chính quy sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Ai cũng có cái lý của mình.
Còn các nhà chuyên môn không ít người cũng ủng hộ bằng tại chức vì trên lý thuyết hai loại bằng cấp này đều thực hiện cùng một khung chương trình, với chuẩn kiến thức, kỹ năng tương đương; chỉ khác hình thức đào tạo, một bên là chính quy, tập trung; một bên tại chức (dành cho người đang làm việc).
Có thể các nhà chuyên môn ủng hộ như thế vì họ chưa hiểu nhiều về thực tế tuyển sinh và cách đào tạo hệ tại chức ở các địa phương hiện nay.
Nếu hệ tại chức được đào tạo bài bản như trên lý thuyết quy định thì sự đòi công bằng cho tấm bằng tại chức là điều hợp lý.
Thế nhưng giữa lý thuyết và thực tế cách xa nhau một trời một vực. Có sự khác biệt này lỗi nằm ở những nhà đào tạo.
Cần đưa ra những biện pháp cải thiện chất lượng đào tạo tại chức (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Chẳng hạn, hai hình thức đào tạo này khác xa về trình độ người học, thời gian học, cách quản lý học viên, cách dạy của giảng viên, cách tổ chức thi đến thái độ học tập của người học…
Và chính những điều này, đã làm chất lượng đào tạo tại chức quá thấp dẫn đến giá trị của tấm bằng ít được mọi người thừa nhận cũng là điều dễ hiểu.
Mọi thứ đều dễ dãi
Học sinh muốn vào đại học chính quy thì ít nhất phải đạt được điểm sàn trong kì thi đại học. Sinh viên phải học tập trung 4 năm, trải qua biết bao học phần. Mỗi lần thi cũng phải học bài vô cùng vất vả, căng thẳng.
Học lơ là là có thể đúp môn, đã có không ít sinh viên thi lại hết lần này đến lần khác mà chưa thể vượt qua. Thế mới có chuyện hàng năm có không ít trường đại học đã đuổi cả ngàn sinh viên vì thiếu điểm.
Còn tại chức thì sao? Ai muốn học đều được, thi chỉ là thủ tục cần và đủ. Một số ý kiến cho rằng “tại chức là nồi cơm của các trường” nên tuyển sinh rất dễ dãi.
Bằng chính quy và tại chức có một khoảng cách khá xa về chất lượng, giá trị |
Cũng có một số ít học viên tại chức có lực học khá, giỏi nhưng do điều kiện hoàn cảnh gia đình không thể vào học chính quy, số này thì học vô cùng nghiêm túc và năng lực sau khi tốt nghiệp cũng có thể chẳng thua gì người học chính quy.
Còn đại đa số chỉ có lực học trung bình, yếu, kém. Nhiều người không thể vào đại học, số khác nghỉ học thời phổ thông thậm chí nghỉ từ trung học cơ sở và học bổ túc lên. Kiến thức những học sinh này gần như chạm đáy.
Đầu vào kém, khi vào học thời gian học lại được rút ngắn hơn chương trình chính khóa gấp nhiều lần. Nói là 2 năm đến 3 năm, thậm chí 4 năm nhưng nếu dồn lại ngày thực học có khi chỉ vài tháng là cùng.
Giảng viên quản lý lỏng lẻo, phần nhiều thầy cô có tâm lý là du di. Không dám vơ đũa cả nắm nhưng khá nhiều giảng viên gần như thả lỏng để học viên tự quyết định việc học của mình.
Thế nên có học viên thích thì đi học, không thích thì ở nhà. Mỗi khi đến kì thi học phần, họ luôn được giảng viên ưu ái cho đề cương ngắn gọn, có người còn giới hạn đến độ chẳng còn gì để giới hạn nữa.
Nhiều người có tâm lý, học viên tại chức chủ yếu học để hợp thức hóa cái bằng chứ không phải học để đi xin việc. Thế nên chất lượng đào tạo không đặt nặng.
Người viết bài từng biết có những học sinh nghỉ học từ lớp 9, lớp 10 xin vào xã phường làm và miệt mài học bổ túc rồi đại học tại chức.
Thời gian học vẫn đi làm bình thường chỉ khi thi mới có mặt. Thế là vẫn có được tấm bằng đại học sau thời gian quy định.
Muốn thay đổi về bằng tại chức
Nhà nước đã bỏ ra cho hệ tại chức hàng nghìn tỉ đồng để đào tạo ra những cử nhân tại chức nhưng khi tuyển dụng lại bị từ chối thì học để làm gì?
Chúng ta cứ kêu gọi thậm chí muốn đưa cả vào Luật Giáo dục sửa đổi bằng chính quy và tại chức phải có giá trị như nhau.
Dù Luật quy định nhưng suy nghĩ của khá đông người vẫn thế thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều quan trọng, thiết yếu nhất hiện nay là cần thay đổi cái nhìn về hệ đào tạo tại chức.
Cần thừa nhận một điều, hệ tại chức không có vấn đề mà cả hệ đào tạo tại chức mới có vấn đề. Chừng nào trường đại học không còn xem “hệ tại chức là nồi cơm của trường” thì chừng ấy đào tạo tại chức mới được đi vào thực chất.
Thứ nhất, cần dẹp bỏ kiểu đào tạo liên kết vì hình thức này ẩn chứa khá nhiều nguy cơ đào tạo trá hình. Cần quy định một số trường đại học có uy tín, chất lượng mới được đào tạo loại hình này.
Thứ hai, tổ chức thi đầu vào chặt chẽ, có điểm đầu vào như đại học chính quy. Lấy chất lượng làm đầu không cần chạy theo số lượng.
Thứ ba, thời gian học có thể linh động nhưng cũng không nên rút ngắn như hiện nay. Giảng viên cần nghiêm khắc như khi đào tạo sinh viên chính quy.
Thứ tư, tổ chức thi học phần, thi tốt nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất.
Thứ năm, cuối cùng cần tổ chức tuyển dụng một cách thật công bằng mà không phân biệt tại chức chính quy để tìm ra người có năng lực thật sự (chỉ khi tổ chức thi tuyển dụng chung giữa hai loại hình đào tạo, người đỗ là sinh viên tại chức chắc chắn chẳng còn ai dám nghi ngờ về chất lượng đào tạo).
Khi đã làm tốt những điều này mới nên đòi hỏi giá trị hai tấm bằng như nhau.