Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này?

29/01/2018 07:13
Nhật Duy
(GDVN) - Lớp 9 mà đòi hỏi các em làm được việc này, thì các em phải là những chuyên gia về Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

LTS: Thầy giáo Nhật Duy tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích về 4 chủ đề tích hợp của môn Lịch sử và Địa lý trong dự thảo chương trình môn học mới, bậc trung học cơ sở.

Tác giả tin rằng, 3 chủ đề đầu gần như là chép lại môn Lịch sử, Địa lý hiện nay, trong khi chủ đề thứ 4 thuộc về khoa học pháp lý với những yêu cầu đánh đố cả thầy và trò.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. 

Theo dự thảo chương trình các môn học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xin ý kiến xã hội vào chiều muộn thứ Sáu ngày 19/1, môn “tích hợp” Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở tới đây sẽ có 4 chủ đề tích hợp sau: 

Các cuộc đại phát kiến địa lý (lớp 7);  Đô thị: Lịch sử và hiện tại  (lớp 7, 9); Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; và Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam (lớp 8-9). 

Nội dung và mục tiêu của 4 chủ đề tích hợp của môn Lịch sử và Địa lí

Chủ đề 1: Các cuộc đại phát kiến địa lý (lớp 7)

Nội dung dạy học chủ đề: Nguyên nhân của các cuộc phát kiến địa lý; Một số cuộc đại phát kiến địa lý; Tác động của các cuộc đại phát kiến địa lý đối với tiến trình lịch sử.

Hình minh họa chụp từ phóng sự của VTV.
Hình minh họa chụp từ phóng sự của VTV.

Yêu cầu cần đạt của chủ đề là: Giải thích được nguyên nhân và những yếu tố tác động đến các cuộc đại phát kiến địa lý; 

Mô tả được các cuộc đại phát kiến địa lý: Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ (1492-1502), cuộc thám hiểm của Ferdinand Magellan (1519-1522) vòng quanh Trái Đất;

Phân tích và đánh giá được tác động của các cuộc đại phát kiến địa lý.

Chủ đề 2: Đô thị: Lịch sử và hiện tại (lớp 7, 9)

Nội dung dạy học ở lớp 7: Các đô thị cổ đại và các nền văn minh cổ đại; Các đô thị trung đại châu Âu và giới thương nhân. 

Lớp 9: Các đô thị hiện đại, nơi tập trung quyền lực và các nguồn lực phát triển; Xu hướng đô thị hóa trên thế giới ; Đô thị hóa ở Việt Nam; đô thị và phát triển vùng.

Yêu cầu cần đạt: Lớp 7: Mô tả được các giai đoạn phát triển của đô thị trong lịch sử thế giới và Việt Nam thời cổ đại và trung đại;

Trình bày được mối quan hệ giữa đô thị với các nền văn minh cổ đại; vai trò của giới thương nhân với sự phát triển đô thị châu Âu trung đại. 

Lớp 9: Trình bày được vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng với tư cách là trung tâm quyền lực và kinh tế của vùng, đất nước, khu vực; 

Mô tả được quá trình đô thị hóa thời kỳ xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp; Đánh giá được tác động của đô thị hóa đối với các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Chủ đề 3: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (lớp 8,9)

Nội dung dạy học lớp 8: Quá trình hình thành và phát triển châu thổ; thủy chế của các dòng sông chính; Quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ. 

Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? ảnh 2

Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả?

Lớp 9: Văn minh các dòng sông; Vấn đề biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến vùng châu thổ của hai đồng bằng hiện đại.

Yêu cầu cần đạt: Lớp 8: Trình bày được quá trình hình thành và phát triển châu thổ; mô tả được thủy chế của các dòng sông chính;

Trình bày được quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với thủy chế của các dòng sông. 

Lớp 9: Trình bày được những nét đặc sắc về văn hóa ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long thông qua việc tìm hiểu về văn minh các dòng sông; 

Trình bày và phân tích được những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở hai vùng châu thổ; đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; 

Bước đầu trình bày được một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến vùng châu thổ của hai đồng bằng hiện đại.

Chủ đề 4: Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam (lớp 8-9)

Nội dung dạy học lớp 8: Phạm vi các vùng biển và hải đảo Việt Nam; Đặc điểm tự nhiên môi trường biển, đảo; Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo trong lịch sử Việt Nam. 

Lớp 9: Cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam; Vai trò chiến lược của biển đảo Việt Nam.

Yêu cầu cần đạt ở lớp 8: Xác định được vị trí, phạm vi của vùng biển và các đảo Việt Nam;

Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? ảnh 3

Ts Trần Công Trục: Hội thảo Hoàng Sa - Trường Sa, được và chưa được

Trình bày được những nét chính về điều kiện tự nhiên; đánh giá được những thuận lợi và khó khăn của điều kiện tự nhiên đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo; 

Trình bày được quá trình xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử. 

Lớp 9: Trình bày và phân tích được những cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển đảo Việt Nam; 

Phân tích và đánh giá được vai trò chiến lược của biển đảo Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và thềm lục địa. [1]

Tích hợp kiểu gì đây?

Nhìn vào 4 chủ đề nói trên mà các nhà biên soạn lấy làm căn cứ “tích hợp” 2 môn Lịch sử, Địa lý vào 1 sách cho 4 suốt năm học trung học cơ sở, chúng tôi không thể tin nổi.

Chúng tôi đã đọc dự thảo chương trình môn học “tích hợp” mới Lịch sử và Địa lí, rồi so sánh với chương trình môn học hiện hành được thể hiện trong Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông (chương trình 2000) và thấy cả 3 chủ đề "tích hợp" đầu tiên không hề có gì mới. 

Dường như ban soạn thảo chương trình môn học đã chép lại 3 chủ đề đang có trong chương trình sách giáo khoa hiện hành. Chỉ khác là thêm vào một số câu từ để có thể gọi là “tích hợp liên môn”.

3 chủ đề “tích hợp” này thực tế đang được giảng dạy lâu nay ở 2 môn học Lịch sử, môn Địa lí.

Chủ đề 1 đang được bố trí giảng dạy tại môn Lịch sử lớp 7; Chủ đề 2 đang được bố trí rải rác một số bài ở môn Địa lí lớp 7; Chủ đề 3 đang được bố trí 2 ở bài 20, bài 35 của môn Địa lí lớp 9.

Theo lí giải của ban soạn thảo chương trình môn học mới: 

“Việc xây dựng chủ đề viết chung, tích hợp cả Lịch sử - Địa lý dựa trên việc tìm ra những nội dung gần nhau hoặc những vấn đề lớn chung, những chỗ giao nhau. 

Trong kinh nghiệm dạy học tích hợp trên thế giới, chỗ giao nhau là thuộc về ngoại biên, xa với cái cốt lõi của môn học tạo nên môn tích hợp, nên việc tích hợp cần được cân nhắc để giảm thiểu sự hy sinh đặc trưng cốt lõi của các khoa học tạo nên sự tích hợp đó.” 

Tác giả Nhật Duy cho rằng, các buổi tập huấn không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề tích hợp khái niệm, nội hàm của nó còn nhiều tranh cãi. Ảnh: tanthanhst.edu.vn.
Tác giả Nhật Duy cho rằng, các buổi tập huấn không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề tích hợp khái niệm, nội hàm của nó còn nhiều tranh cãi. Ảnh: tanthanhst.edu.vn.

Rõ ràng quý thầy biên soạn chương trình mới đang cố tình “hy sinh đặc trưng cốt lõi” để gán ghép bằng được các chủ đề tích hợp nhằm xóa bỏ các môn học hiện hành để hướng tới việc “đổi mới” giáo dục!

Như thế có thể thấy rằng, việc gán ghép Lịch sử với Địa lý, cũng như Vật Lý - Hóa học với Sinh học vào 1 sách chỉ là để các nhà biên soạn cố chứng minh “cái mới”.

Nhưng thực ra chẳng có gì mới, chúng vẫn là những môn học độc lập và gán ghép chúng lại chỉ làm mọi thứ rối tung, khổ thầy khổ trò chứ chẳng ích lợi chi.

Chủ đề đầu tiên cơ bản thuộc về môn Lịch sử, 2 chủ đề sau chủ yếu thuộc về môn Địa lí, yếu tố lịch sử rất mờ nhạt.

Bởi suy cho cùng, bất cứ vấn đề xã hội hay tự nhiên nào cũng cần đặt trong lăng kinh bối cảnh lịch sử ở thời gian, không gian cụ thể để xem xét nó.

Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? ảnh 5

Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp

Ví dụ như ngay trong văn học, thì văn học Lý - Trần khác với văn học Lê sơ, văn học thời chống Pháp, văn học đương đại. Đó là bối cảnh lịch sử của vấn đề, hay ở đây là lịch sử văn học, chứ không phải môn Lịch sử.

Tuy nhiên bối cảnh lịch sử của các sự kiện, thời kỳ, giai đoạn trong môn Địa lý không đồng nghĩa với môn Lịch sử.

Nói cách khác, 3 chủ đề này thực chất vẫn là nội dung độc lập của 2 môn Lịch sử, Địa lí hiện nay mà thôi. Lịch sử có chăng là bối cảnh, là thời điểm chứ không phải khoa học lịch sử. 

Nếu coi đây là chủ đề “tích hợp”, thì hầu hết vấn đề nào cũng là tích hợp hết.

Đánh đố thầy và trò

Còn riêng chủ đề thứ 4 tuy “bóng dáng” của tích hợp các kiến thức đa môn rõ ràng hơn nhiều so với 3 chủ đề trước, nhưng theo chúng tôi lịch sử và địa lý chỉ làm nền cho pháp lý.

Bởi lẽ nội dung chính của chủ đề này liên quan đến bằng chứng xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa;

Việc phân chia các vùng biển ở đây không còn là địa lý, mà là việc ứng dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 vào Biển Đông, tức là khoa học pháp lý chứ không phải địa lý.

Như vậy, trước hết thầy và trò phải nắm được “hệ tọa độ”, “hệ quy chiếu pháp lý” là các văn bản luật quốc tế cực kỳ phức tạp, chuyên sâu;

Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? ảnh 6

Các nguyên tắc pháp lý trên Biển Đông và sai sót cần khắc phục

Sau đó rồi mới đặt các dữ kiện khác như bằng chứng lịch sử, vị trí địa lý...vào đây để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán của các chủ thể trong quan hệ quốc tế đến đâu.

Chưa kể đến việc cách liệt kê nội dung dạy học và yêu cầu cần đạt, vẫn là lối nhồi nhét kiến thức và học thuộc lòng các số liệu, dữ kiện.

Một số đòi hỏi về phân tích thì vượt quá khả năng của giáo viên, học sinh.

Bởi lớp 9 mà đòi hỏi các em làm được việc này, thì các em phải là những chuyên gia về Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982:

Trình bày và phân tích được những cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển đảo Việt Nam; 

Phân tích và đánh giá được vai trò chiến lược của biển đảo Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và thềm lục địa.

Chúng tôi thiết nghĩ, ngay cả quý thầy Tổng chủ biên và chủ biên môn học này chưa chắc đã trình bày và phân tích được các nội dung này, chứ đừng nói học sinh lớp 9.

Không tin, quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên môn học này cứ thử lên giáo án và giảng riêng 1 chủ đề tích hợp này rồi công bố rộng rãi cho dư luận giáo giới cả nước được thị phạm và xã hội giám sát, mọi thứ sẽ sáng tỏ như ban ngày.

Ngay cả khái niệm “chủ quyền biển đảo” mà các nhà biên soạn nêu ra cũng còn mơ hồ, bởi chủ quyền lãnh thổ khác với các quyền chủ quyền, quyền tài phán quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Như thế có thể thấy rằng, việc gán ghép Lịch sử với Địa lý, cũng như Vật Lý - Hóa học với Sinh học vào 1 sách chỉ là để các nhà biên soạn cố chứng minh “cái mới”, chứ thực ra chẳng có gì mới.

Chúng vẫn là những môn học độc lập và gán ghép chúng lại chỉ làm mọi thứ rối tung, khổ thầy khổ trò chứ chẳng ích lợi chi.

Là giáo viên, chúng tôi mong muốn sự thay đổi cả chất và lượng của ngành giáo dục, chúng tôi mong muốn sự đi lên của ngành giáo dục. 

Chúng tôi không sợ khó, sợ khổ nhưng chúng tôi rất sợ sự đổi mới nửa vời nhân danh khoa học ở 2 môn “tích hợp”

Đặc biệt là cách trả lời quanh co, né tránh rồi im lặng của các nhà biên soạn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lẫn các môn học “tích hợp” càng khiến chúng tôi mất niềm tin.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/du-thao-mon-lich-su-va-dia-ly-cap-thcs-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-424676.html

Nhật Duy