Tuần qua, câu chuyện về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhắc đến khá nhiều trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Việc tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học đang được bàn để luật hóa trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nhiều vấn đề tắc nghẽn ở lĩnh vực này sẽ được tháo gỡ khi Luật này được thông qua. Các trường sẽ có hành lang pháp lý tốt để được tự chủ tài chính, chuyên môn, nhân sự.
Tuy nhiên, ở mảng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù trong lĩnh vực y tế, làm sao để tự chủ thành công vẫn còn khá mù mịt.
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đang triển khai mô hình bệnh viện trong trường học mang lại hiệu quả. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Lối đi, mô hình quản trị nào phù hợp để tự chủ vẫn là điều các trường đang phải tự mày mò, điều chỉnh. Đặc biệt đối với các trường đào tạo đặc thù ngành sức khỏe, việc tự chủ sẽ khó thành công nếu không gắn chặt đào tạo và thực hành.
Chính vì thế, mô hình bệnh viện trong trường học mà trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đang triển khai hơn một năm qua đang hứa hẹn là một lối ra tốt cho việc tự chủ của các trường khối ngành này.
Hơn một năm nay, trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ đã "về chung một nhà". Nó mở ra cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên, chủ động trong kế hoạch đào tạo.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng nhấn mạnh đến sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Thọ khi cho phép triển khai mô hình bệnh viện trong trường học.
Có lẽ đây cơ cơ sở đào tạo ngành y hệ cao đẳng duy nhất trên cả nước có mô hình này. Đến hôm nay, nó đã giúp cán bộ nhân viên nhà trường phần nào vững tin hướng đến tự chủ.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, sau hơn một năm triển khai mô hình, hiện nay trường đã tự chủ được 50% chi thường xuyên. Bên cạnh đó, cán bộ giảng dạy tại trường đã có thu nhập tốt.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Ông không tiết lộ con số cụ thể. Nhưng vị hiệu trưởng này tỏ ra khá vui khi khẳng định, cán bộ, nhân viên nhà trường hoàn toàn yên tâm để dồn toàn tâm toàn sức cho công tác giảng dạy và điều trị.
Vị lãnh đạo trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ chia sẻ, mốc thời gian tháng 2/2017 là một dấu ấn đậm nét trong cuộc đời ông. Đó là thời điểm mô hình trên chính thức được triển khai.
Tuy nhiên, để có mốc thời gian trên, ông không nhớ đã bao lần chỉnh sửa, trình bày đề án với các bên liên quan, các cấp lãnh đạo.
“Dù quá trình này mất rất nhiều năm nhưng mô hình này có thể được hoạt động, tôi phải cảm ơn sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
Bởi mô hình bệnh viện trong trường học đối với hệ cao cao đẳng ngành y là chưa từng có”, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Lần hồi lại ký ức, thầy Thủy nhớ đến rất, rất nhiều khó khăn trong công tác đào tạo khi mô hình này chưa được triển khai.
Khi đó, sinh viên đi thực tập tại các cơ sơ y tế phụ thuộc rất nhiều. “Trong đào tạo không có kế hoạch là không ổn. Cùng với đó, chất lượng giảng dạy cũng ảnh hưởng.
Trước thời điểm sáp nhập bệnh viện với trường học, việc đưa sinh viên đi thực tập ở các cơ sở y tế bằng các giao dịch qua hợp đồng giữa trường và các bệnh viện.
Học sinh, sinh viên phải tốn nhiều chi phi đi lại, chỗ ở mỗi kỳ thực tập…Việc đánh giá, giám sát chất lượng thực tập vì thế cũng rất khó khăn”, Thạc sĩ Thủy chỉ ra các bất cập.
Nhưng những vấn đề này đã dần lùi xa vào quá khứ, bởi giờ đây, sinh viên của trường chỉ cần di chuyển vài trăm mét từ trường học đến bệnh viện.
Vô vàn thuận lợi mở ra cho cả nhà trường và bệnh viện. Và người được lợi nhất chính là sinh viên học tập tại đây.
Theo chia sẻ của sinh viên Phạm Thị Diễm Hương – khoa Điều dưỡng khóa 10, đến thời gian thực tập, cô và các bạn hết cảnh chạy đôn chạy đáo tìm chỗ ăn ở khi đi thực hành.
“Các khóa trước, mỗi đợt thực tập, các sinh viên có thể phải sang tận Thành phố Việt Trì. Chúng em lại phải lo chỗ ăn, ở sinh hoạt hoàn toàn mới.
Nhưng đến nay, hầu hết sinh viên trong trường đều được luân phiên đi thực tập ngay tại bệnh viện của trường”, Hương chia sẻ.
Nữ sinh viên ngành điều đưỡng hiện đang thực tập ở tổ chăm sóc, hướng dẫn khách hàng của bệnh viện. “Tươi cười, lễ phép, chỉ dẫn tận tình là điều mà bất cứ nhân viên nào ở vị trí này đều phải đảm bảo.
Chúng em dù là đang thực tập nhưng không hề có sự khác biệt nào giữa nhân viên làm việc tại bệnh viện và sinh viên thực tập. Tất cả phải làm tốt nhiệm vụ của vị trí đó”, Hương cho biết.
Dù hiệu quả là rất rõ nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, cần phải có cơ chế, hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động của mô hình này. Bởi chỉ khi nào mô hình, phương pháp quản trị được luật hóa, việc tự chủ của các cơ sở như trường mới bền vững.