Những điều bố mẹ cần làm ngay để giúp con không bị bắt nạt ở trường

29/09/2018 08:05
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh, thay vì mỗi ngày bố mẹ chỉ hỏi về điểm số, bài tập hãy hỏi con chơi với ai ở trường.

Câu chuyện một học sinh lớp 5 ở Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương phải cắt bỏ một đoạn ruột do nuốt 9 viên bi nam châm đang thực sự khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Được biết, em có chia sẻ với gia đình là bị các bạn khác ép phải nuốt số viên bi này từ cách đây vài tuần. Do lo sợ, nên em đã không dám báo ngay với người lớn.

Thực tế, không phải đến trường hợp của học sinh trên mà chuyện bạo lực, bắt nạt ở trường học là nỗi lo muôn thuở của học sinh, phụ huynh.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương: "Một đứa trẻ chỉ bị bắt nạt nếu chúng bị cô lập, yếu đuối". Ảnh: Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp
Tiến sĩ Vũ Thu Hương: "Một đứa trẻ chỉ bị bắt nạt nếu chúng bị cô lập, yếu đuối". Ảnh: Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, những đứa trẻ bị bắt nạt ở trường thường là người bị cô độc.

Chuyên gia nhấn mạnh, đầu tiên là bố mẹ phát phải phát hiện ra ngay khi con mới bị cô lập.

Muốn phát hiện được, bố mẹ phải nói chuyện chân tình với con, phải khiến con muốn chia sẻ như một người bạn.

Mỗi ngày, bố mẹ nói chuyện với con về các sự việc xảy ra ở trường, ở lớp. Phụ huynh đừng lúc nào cũng chỉ hỏi về điểm hay bài vở.

"Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh lúc nào cũng chỉ dọa nạt con về điểm số, bài tập khiến trẻ nhỏ rất sợ không dám chia sẻ về bất cứ gì.

Nếu phụ huynh bỏ qua thứ đó mà hỏi con bạn ngồi cạnh con tên là gì, ở lớp con hay chơi với ai…

Việc đó tạo thành thói quen, đứa trẻ sẽ chủ động chia sẻ. Bởi trẻ con bị gì ở lớp, về nhà chúng rất muốn giải tỏa và sẽ nói ra ngay", Tiến sĩ Hương nói.

Chúng sẽ nói ra việc bị cô lập, không có bạn bè ở lớp. Để giải quyết vấn đề này, có một phương án là bố mẹ chuẩn bị sẵn kẹo bánh.

Mỗi ngày cho con một gói và dặn con chia cho các bạn mà chúng quý.

Khi chia, con phải cho mẹ biết con chia kẹo cho những bạn nào, tên là gì. Trẻ sẽ có nhiệm vụ hỏi tên bạn khi cho kẹo.

Hôm sau, tiếp tục đưa thêm gói kẹo cho con nhưng nhiệm vụ là con phải hỏi bố mẹ bạn nhận kẹo tên là gì.

Lần tiếp theo đó hỏi nhà bạn có nuôi chó mèo không, có gần nhà mình không…Việc này có thể kéo dài 10 – 15 ngày liên tục, tức là khoảng 2 - 3 tuần.

Mỗi gói kẹo không đáng bao nhiêu tiền nhưng nó giúp con kết nối được một nhóm bạn trong lớp.

Những điều bố mẹ cần làm ngay để giúp con không bị bắt nạt ở trường ảnh 2Bé trai lớp 5 phải cắt bỏ một đoạn ruột do nuốt 9 viên bi nam châm

Khi đó, những học sinh hay nhóm học sinh muốn bắt nạt con thấy con có nhóm bạn sẽ không dám bắt nạt nữa.

Bao giờ cũng thế, người ta chỉ bắt nạt người yếu hơn mình nên phải tạo ra sức mạnh cho con.

"Sức mạnh trong trường học dễ nhất là sức mạnh bạn bè. Không ai dám trêu chọc một đứa nằm trong một nhóm bạn cả", Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.

Thứ hai là phải kích thích đứa trẻ mạnh mẽ lên chứ không phải chỉ chờ đợi dựa dẫm vào người khác.

Phụ huynh làm điều này bằng cách khi trẻ kể có mâu thuẫn với bạn bè, cha mẹ luôn phải nhấn mạnh đó là việc của con, con phải tự giải quyết.

Mặc dù sau đó, chúng ta sẽ tư vấn cho con cách giải quyết.

Bố mẹ có thể chia sẻ là ngày xưa bố mẹ cũng bị như thế, mẹ đã làm như thế này, thế kia…

Đứa trẻ có thể giải quyết theo tư vấn của bố mẹ hoặc theo cách của chính nó.

Khi trẻ kể với bố mẹ cách giải quyết vụ việc ổn, chúng ta phải dành lời khen ngợi trẻ.

Mỗi lần như vậy, trẻ sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Hương chia sẻ, bà biết một đứa trẻ bị vết nám rất to trên mặt nhưng em chưa bao giờ bị bắt nạt vì em đó rất tự tin, mạnh mẽ.

Bạn đó còn chia sẻ, con bị nám nhưng dáng người người con đẹp. Sau con sẽ làm người mẫu thời trang. Bạn đó tự tin như vậy nên không đứa nào dám động hay trêu chọc cả.

Thậm chí, bạn bè còn phải nịnh nọt em đó.

"Tôi muốn nói với phụ huynh là đứa trẻ bị bắt nạt bao giờ cũng là những đứa trẻ yếu đuối, cô độc.

Vậy thì việc bố mẹ cần làm là dạy con cách thoát ra khỏi thế cô độc, yếu đuối đó.

Việc này phải làm ngay chứ không phải đợi khi có vấn đề xảy ra", vị chuyên gia tâm lý phân tích.

Kể cả khi con bị bắt nạt xảy ra rồi, bố mẹ vẫn cần làm theo phương án trên để tạo cho con một nhóm bạn để trẻ có sức mạnh riêng.

Bởi vì, chính bản thân đứa trẻ mạnh mẽ mới dẹp được mọi chuyện còn bố mẹ hay thầy cô giáo sẽ không giúp giải quyết tận gốc vấn đề.

Thậm chí, nếu phụ huynh, giáo viên can thiệp không đúng cách, không tế nhị còn khiến con bị bắt nạt với cấp độ ngày càng tăng.

Những điều bố mẹ cần làm ngay để giúp con không bị bắt nạt ở trường ảnh 3Thiếu chia sẻ là nguyên nhân lớn gây bạo lực học đường

Tiến sĩ Vũ Thu Hương dẫn chứng một câu chuyện chị từng gặp phải.

Một bé nam khá hiền lành. Lúc đầu, con chỉ bị cô lập, bắt nạt thôi.

Sau đó, mẹ đến mách cô. Cô giáo mắng những bạn kia. Vậy là những đứa trẻ kia bắt đầu đánh bé.

Con bị đánh, mẹ tiếp tục nói với cô. Cô lại mắng bọn trẻ kia và yêu cầu chúng không được đánh bạn.

Chúng không đánh thằng bé nhưng tạt nước sôi vào thằng bé. Mức độ bạo lực ngày càng trầm trọng hơn.

"Tôi chia sẻ câu chuyện đó để thấy là người lớn đừng nghĩ là chúng ta nói gì là bọn trẻ sẽ làm như thế.

Cô giáo có thể mắng, quát những đứa bắt nạt, đánh bạn, yêu cầu không được đánh.

Nhưng chúng sẽ tức và nung nấu ý định trả thù, không đánh, không tạt nước sôi nhưng ai dám đảm bảo chúng không dùng đá ném bạn…

Thay vì bắt chúng làm cái này, cái kia, bố mẹ hãy giúp trẻ mạnh mẽ và xóa bỏ thể cô độc của con.

Đó mới là cách hữu hiệu để giúp trẻ không bị bắt nạt ở trường", Tiến sĩ Vũ Thu Thương nêu quan điểm.

Đỗ Thơm