Ngày 26/10/2018, Trường Đại học Tài Chính Marketing phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) tổ chức hội thảo “Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng (Trường Đại học HUFI) cho biết, theo một báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trình độ kỹ năng của lao động nước ta vẫn còn rất thấp.
Các kỹ năng mềm dành cho sinh viên chưa được các trường đại học tại Việt Nam quan tâm đúng mức.
Các em sinh viên cũng ít để ý, trau dồi việc này, nên cũng chậm thích ứng với công việc, khó có khả năng tìm việc trong môi trường làm mà cạnh tranh cao.
Hội thảo “Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” (Ảnh: P.L) |
Vài năm trở lại đây, vấn đề này đã được các trường và sinh viên quan tâm nhiều hơn, nhưng vấn đề đào tạo kỹ năng cho các em có hiệu quả hay không, lại phải phụ thuộc vào các trung tâm ở bên ngoài.
Theo giải thích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh (Trường Đại học Tài Chính Marketing), thường mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp rất nhiều, nhưng các nhà tuyển dụng lại không dễ tuyển được người phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh nói rằng, phần lớn, sinh viên thiếu các kỹ năng như giao tiếp, tác phong làm việc, trình độ tiếng Anh, khả năng làm việc theo nhóm.
Đại diện cho Trường Đại học Tài Chính Marketing cũng nói thêm, cái khó lớn nhất cho việc giảng dạy kỹ năng mềm vào các trường đại học, cao đẳng, là do các em sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này, số lượng sinh viên lại đông nên giảng viên sẽ bị hạn chế thời gian.
“Nếu tích hợp giảng dạy kỹ năng mềm thì sẽ làm mất thời gian cho các chủ đề quan trọng khác” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh khẳng định.
Một đại biểu đến từ Trường Đại học Văn Lang thì nói, sinh viên ra trường khó xin việc là do thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, với cuộc sống.
Hiện chúng ta đang chạy theo vòng cuốn của kỹ năng sống, nhưng lại quên đi các giá trị sống, nên ngày càng có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức ở ngay trong môi trường học đường.
Đồng tình với đại biểu này, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền (Trường Đại học Tài Chính Marketing) nói, nền tảng của kỹ năng sống chính là các giá trị sống.
“Nếu sinh viên chỉ chú trọng vào kiến thức, kỹ năng mà không gắn liền với các giá trị sống thì lại trở nên nguy hại, giống như hổ được mọc thêm cánh theo ý nghĩa tiêu cực. Sinh viên không có nền tảng giá trị sống đúng đắn, thì cũng khó trả lời được chính xác ý nghĩa, giá trị bản thân.” – Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền kết luận.