Nhiều giáo viên hợp đồng ở Hà Nội hiện đang đứng ngồi không yên vì sắp phải trải qua kỳ thi công chức.
Điều đáng nói, trong hàng trăm giáo viên hợp đồng ấy, có nhiều người đã gắn bó với nghề giáo gần 30 năm công tác.
Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm ở Sóc Sơn, Hà Nội đứng trước nguy cơ nghỉ việc, (ảnh Trinh Phúc). |
Nhiều thầy cô bật khóc vì uất ức, bởi mình đã cống hiến hết sức lực cho ngành giáo dục của địa phương trong những năm tháng khó khăn nhất và đã được ghi nhận bằng nhiều giấy khen, nhiều danh hiệu.
Thế nhưng thời điểm này, những thứ ấy đều trở nên vô nghĩa vì không được làm căn cứ xét ưu tiên.
Cô Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Minh Phú cho biết:
“Những năm 2000, Minh Phú là một xã nghèo của huyện với tỉ lệ học sinh thất học chiếm nhiều nhất trên địa bàn huyện.
Vì vậy, các đồng chí lãnh đạo địa phương chào đón chúng tôi như “những người hùng”, động viên chúng tôi gắn bó công tác lâu dài với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cấp đất cho giáo viên ngoại tỉnh để chúng tôi gắn bó với sự nghiệp giáo dục huyện.
Và 26 năm trôi qua, chỉ một lần duy nhất địa phương tổ chức thi công chức nhưng do không có hộ khẩu, tôi đã để vuột mất cơ hội". [1]
Thi kiểu này có chọn được người giỏi?
Hình thức thi là trắc nghiệm 60 phút về Luật Viên chức, 30 phút thi ngoại ngữ và thi viết 180 phút cho bài thi chuyên ngành.
Nội dung thi kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển viên chức…
Hà Nội thi tuyển giáo viên, người hợp đồng lâu năm không được cộng điểm |
Với những nội dung thi như thế, chưa thi, những giáo viên này đã cầm chắc một vé trượt.
Bởi, phần lớn những thầy cô thời ấy không có kiến thức ngoại ngữ.
Cũng như chúng tôi (gần 30 năm về trước), nhiều địa phương không hề dạy ngoại ngữ cho học sinh. Có chăng cũng chỉ là tiếng Pháp, tiếng Nga.
Đã thế, khi đi dạy, giáo viên cũng chẳng bao giờ phải cần đến vốn ngoại ngữ nên cũng chẳng ai đi học.
Điều mà nhiều thầy cô lứa tuổi này cố gắng phấn đấu, tích lũy cho mình, chỉ là kinh nghiệm giảng dạy, là những thành tích của nghề liên quan trực tiếp đến việc dạy và nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Đó là những giấy khen về các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp…
Bây giờ thi viên chức phải vượt qua vòng thi Anh văn (giáo viên đạt mới được bước vào vòng 2 thi nghiệp vụ) những giáo viên này không thể cạnh tranh nỗi với những em sinh viên mới ra trường là điều dễ hiểu.
Gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục chỉ đánh đổi bằng vài tiếng đồng hồ với một khối kiến thức (chủ yếu là lý thuyết) liệu có bất công?
Tuyển giáo viên, sao không tổ chức thi tuyển nghiệp vụ và kĩ năng sư phạm như thi tiết dạy, thi thiết kế bài dạy, thi kế hoạch kèm cặp học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi, thi ứng xử và xử lý tình huống sư phạm?
Những điều này, cần hơn nhiều mớ lý thuyết về các văn bản, Thông tư…về khả năng ngoại ngữ mà trong suốt quá trình dạy giáo viên cũng chẳng cần sử dụng đến.
Trước thời điểm thay chương trình mới, ngành giáo dục đang rất cần một đội ngũ nhà giáo đầy tâm huyết, giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn chứ không phải những sinh viên đang trong thời gian học việc.
Vậy tại sao thành phố Hà Nội lại không đặc cách tuyển dụng những thầy cô giáo đã giảng dạy lâu năm, có nhiều thành tích trong giảng dạy như thế?
Muốn đậu viên chức giáo viên, thầy cô Hà Nội phải thi hai vòng |
Nếu áp dụng phương án tuyển dụng đặc cách, ngành giáo dục Hà Nội vừa có được một đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn, nhiệt huyết với nghề, vừa là sự “tri ân” những thầy cô đã cống hiến cho ngành giáo dục địa phương mình từ những ngày còn gian khó nhất.
Thi thố kiểu này chỉ làm khổ học sinh
Thành phố Hà Nội tổ chức thi viên chức đánh đồng giáo viên dạy giỏi lâu năm với sinh viên vừa ra trường, đã không thể tuyển được những thầy cô giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cho ngành, còn gây thiệt thòi cho nhiều học sinh nơi đây.
Hàng trăm giáo viên đang hoang mang, lo lắng trước nguy cơ bị sa thải, liệu thời gian này, những thầy cô giáo ấy có thể yên tâm giảng dạy?
Ngoài tâm lý buồn chán, lo sợ, giáo viên còn phải lao vào ôn thi với mong muốn trụ lại với nghề, chắc chắn thầy cô cũng chẳng còn thời gian, tâm trí để lo cho từng bài giảng, lo cho sự tiến bộ của từng học sinh của mình.
Khi thầy cô bất an thì học sinh sẽ là những người hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://tintuconline.com.vn/giao-duc/co-giao-bat-khoc-vi-lam-nghe-gan-30-nam-van-co-nguy-co-ra-khoi-nganh-n-386263.html{1}