Một số trường có đang vi phạm Chỉ thị 138 của Bộ Giáo dục?

12/05/2019 06:27
Đỗ Quyên
(GDVN) - Một số trường học hiện nay đang tạo ra không ít áp lực cho giáo viên làm nhiều thầy cô cảm thấy sợ, thấy nặng nề khi nghe đến cụm từ “Bồi dưỡng thường xuyên".

Mục đích của công tác Bồi dưỡng thường xuyên là cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho mỗi giáo viên góp phần cho công tác giảng dạy và giáo dục học sinh đạt hiệu quả hơn.

Giáo viên vẫn đang chịu áp lực hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa internet)
Giáo viên vẫn đang chịu áp lực hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa internet)

Công tác Bồi dưỡng thường xuyên đề cao việc tự học, tự nâng cao trình độ hiểu biết của người giáo viên là chính.

Bởi thế, tự mỗi thầy cô sẽ biết mình phải học tập thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

Thế nhưng cách làm của một số trường học hiện nay đang tạo ra không ít áp lực cho giáo viên làm nhiều thầy cô cảm thấy sợ, thấy nặng nề khi nghe đến cụm từ “Bồi dưỡng thường xuyên” hằng năm.

Nhà trường có sai khi kiểm tra nội dung tự học của giáo viên?

Nội dung Bồi dưỡng thường xuyên được quy định trong Chương trình Bồi dưỡng thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Tổng thời lượng BDTX đối với mỗi giáo viên là 120 tiết/năm học, bao gồm:

a) Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học (sau đây gọi là nội dung bồi dưỡng 1): khoảng 30 tiết/năm học.

b) Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học, bao gồm cả nội dung bồi dưỡng do các dự án thực hiện (sau đây gọi là nội dung bồi dưỡng 2): khoảng 30 tiết/năm học.

c) Nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên (sau đây gọi là nội dung bồi dưỡng 3): khoảng 60 tiết/năm học.                

Bồi dưỡng nâng cao tri thức hay hành là chính?

Nội dung bồi dưỡng 1 và 2: 60 tiết/năm học/giáo viên. Theo kế hoạch thực hiện của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo( 30 tiết/giáo viên ).

Nội dung bồi dưỡng 3: 60 tiết/năm học/giáo viên. Đây là kiến thức tự chọn và giáo viên tự học.

Vì là những nội dung tự học, tự bồi dưỡng nên giáo viên có quyền lựa chọn hình thức học sao cho hiệu quả.

Thầy cô giáo có thể học tập thông qua những hoạt động ngoại khóa, những buổi giao lưu, trong những tiết dạy, những cuộc họp chuyên môn…

Có thể ghi âm, quay phim chụp hình lưu vào kho tư liệu làm tài liệu cho bản thân mình, thậm chí có thể lưu nhớ trong đầu những điều mình đã học được…

Gọi là tự học thì đâu nhất thiết phải ghi, phải chép ra vở, phải chứng minh là mình đã tự học thế nào?

Quy định nào để nhiều trường học ở thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận bắt giáo viên phải làm điều đó?

Không ít trường học đang vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019

Bộ Giáo dục và đào tạo quy định giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách như sau:

Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn);
- Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
- Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học);
- Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Trong Chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ “Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Một số chuyện kỳ lạ vẫn còn tồn tại trong ngành giáo dục địa phương

Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Thế nhưng một số trường học ở thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận hiện nay lại buộc giáo viên phải có thêm một cuốn vở tự học Bồi dưỡng thường xuyên cho 4 modun.

Điều này đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chưa hết, những trường học này ngoài việc tự ý “đẻ” thêm cuốn vở tự học lại còn buộc giáo viên phải chép bằng tay (không được làm bằng vi tính).

Điều này, một lần nữa tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Bộ Trưởng trong Chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019 “Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định”.

Việc chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên đã được Chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019 quy định rõ.

Thế nhưng nhiều trường học ở cơ sở hiện nay vẫn cố tình vi phạm. Phải chăng "phép vua" đang thua "lệ làng?"

Đỗ Quyên