Với cách thi 2 trong 1 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì trong những năm qua dù có những ưu điểm nhất định song không tránh khỏi những hạn chế trong quá trình tổ chức thi và việc xét tuyển của các trường đại học.
Có lẽ tốt hơn cả là Bộ chỉ đóng vai trò quản lý, ra các chủ trương, định hướng cho các trường đại học.
Hãy trả lại việc thi tuyển đại học cho các trường- đó là điều cần thiết và không có cách nào ưu điểm hơn là họ tự làm, tự chịu trách nhiệm, việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông cũng nên giao cho các địa phương bởi mỗi kỳ thi đi qua không hiếm những chuyện…đáng bàn.
Dù phải huy động nhiều nhân lực, vật lực cho mỗi kỳ thi nhưng những hạn chế, sai sót vẫn xảy ra (Ảnh minh họa: Kim Sơn) |
Năm 2018 là kỳ thi đỉnh điểm của tiêu cực khi 3 địa phương Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã xác định được hơn 200 thí sinh được nâng khống điểm.
Không chỉ 3 địa phương này mà một số tỉnh khác cũng nằm trong diện nghi ngờ về tiêu cực. Chỉ tiếc, sự việc này chỉ dừng lại có 3 tỉnh mà thôi.
Năm 2019, Bộ Giáo dục đã tập trung tất cả những gì tối ưu nhất từ việc thay đổi cách coi thi, chấm thi, trang bị nhiều máy móc hiện đại trong chấm thi, bảo vệ kỳ thi. Rồi, điều động hàng ngàn giảng viên từ các trường đại học đổ về các địa phương.
Nhưng, hạn chế trong việc tổ chức của kỳ thi vẫn không được chấm dứt. Khâu chấm thi của hành loạt tỉnh có những sai sót. Nhiều thí sinh được nâng lên hàng chục điểm sau phúc khảo, nhiều điểm 0 được chấm lại thành điểm giỏi.
Lỗi của thí sinh, của người chấm hay máy móc vẫn là cách đổ lỗi vòng quanh, chưa thuyết phục được dư luận!
Bộ không nên ôm việc của các trường đại học
Bộ vẫn luôn nhận định sau mỗi kỳ thi là thành công, nghiêm túc, ít tốn kém nhưng phía sau đó vẫn có những sai sót, những điều thị phi cũng đi kèm. Việc điều động hàng ngàn giảng viên đại học về địa phương cũng đi kèm một khoản kinh phí khổng lồ phải chi trả.
|
Máy móc, phần mềm phục vụ cho chấm thi hiện đại, camera giám sát, thanh tra của Bộ, của Sở, cán bộ an ninh bảo vệ vòng trong, vòng ngoài thì vẫn xảy ra những sai sót, tiêu cực.
Vì thế, Bộ chỉ cần ôm một kỳ thi, một nhiệm vụ là xét tốt nghiệp, thậm chí giao việc xét tốt nghiệp cho các địa phương có lẽ sẽ tốt hơn.
Việc công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nên làm nhẹ nhàng và xem như công nhận quá trình học tập của các học sinh khi đã hoàn thành chương trình phổ thông.
Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng thì để các trường họ tự chủ. Làm như vậy không dẫn đến tình trạng tranh giành thí sinh của nhiều trường đại học tốp dưới mà đảm bảo được chất lượng cho họ.
Những thị phi cũng sẽ không còn mà các trường họ tự chủ được nguồn tuyển. Việc tuyển sinh, đào tạo và chất lượng như thế nào thì để xã hội đánh giá. Trường có uy tín thì thí sinh tìm đến nhiều, nhân lực được xã hội chấp nhận. Trường làm kém thì tất yếu tự đào thải mình.
Đó là một sự cạnh tranh lành mạnh nhất, khả quan nhất trong bối cảnh cả nước có đến mấy trăm trường đại học, cao đẳng như hiện nay.
Điều đặc biệt là uy tín của Bộ Giáo dục cũng không bị nghi ngờ sau mỗi kỳ thi.
Việc thi 2 trong 1 có những ưu điểm, hạn chế gì?
Ưu điểm mà Bộ đang đưa ra là giảm áp lực cho các thí sinh, giảm chi phí cho phụ huynh. Nhưng thực tế có giảm được bao nhiêu đâu. Phía sau là những hệ lụy cũng không hề ít.
Hà Giang liệu có “giơ cao đánh khẽ” vụ gian lận điểm thi năm 2018? |
Các trường đại học tốp trên thì tuyển không hết thí sinh điểm cao. Và, chỉ khi những trường này tuyển không hết thì hàng trăm trường tốp dưới mới có thể tuyển được thí sinh cho mình.
Nhiều trường đại học chỉ tuyển được thí sinh hạng 2, hạng 3 với mức điểm trung bình, thậm chí là dưới trung bình.
Nếu trao quyền tự chủ trong thi tuyển cho các trường đại học thì chất lượng tuyển sinh của các trường ắt sẽ nâng lên. Bởi cuối năm 12 thì các thí sinh đã làm hồ sơ thi tuyển. Tất nhiên, thí sinh luôn biết lượng sức mình để thi vào trường nào.
Vì thế, các trường tốp dưới vẫn có thể tuyển được các thí sinh có học lực giỏi.
Còn cách tuyển hiện nay thì thí sinh điểm cao sẽ tìm đến trường tốt và chất lượng đào tạo phải tốt là đương nhiên. Những trường chỉ tuyển được thí sinh ở các nguyện vọng sau cùng thì đương nhiên không thể nào nâng cao được chất lượng đào tạo.
Đó là chưa kể những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi, việc "đi đêm" giữa phụ huynh và những cán bộ trong hội đồng coi thi, chấm thi mà kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là một minh chứng rõ ràng nhất.
Ngoài ra, môn tự luận cũng chưa thực sự là môn thi được chấm khách quan bởi đây là môn thi do các Sở chủ trì rất dễ dẫn đến tính cạnh tranh không lành mạnh để có lợi cho địa phương mình.
Chính vì vậy, chỉ có thể minh bạch, khách quan và tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo là Bộ nên trả lại các khâu thi cử, tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng càng sớm càng tốt.
Nếu cứ duy trì mãi kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay thì ưu điểm cũng chẳng phải là nổi bật mà những hạn chế thì vẫn luôn nảy sinh như những kỳ thi đã qua mà xã hội đã từng phải chứng kiến.