Ngày 2/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Rạch Giá phê duyệt tờ trình số 214/TTr—PGDĐT về các khoản thu năm học 2019-2020 đối với các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.
Tờ trình số 214/TTr-PGDĐT. (Ảnh: A.M) |
Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá cho phép các trường được phép thu một số khoản có đúng quy định?
Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá đã cho phép các trường thu một số khoản phục vụ trực tiếp cho học sinh như:
Thu tiền hợp đồng nhân viên vệ sinh 40.000 đồng/năm học, tiền mua ghế ngồi chào cờ 25.000 đồng/học sinh (áp dụng cho học sinh đầu cấp), nha học đường 20.000 đồng/1 học sinh, tiền phù hiệu, túi đựng hồ sơ… 20.000 đồng/năm học.
Điều này, đã vi phạm Thông tư số16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Vi phạm Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cụ thể: Điều 2 Thông tư 16 nêu rõ: Nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ.
1. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Thế nhưng, Ủy ban Nhân dân thành phố Rạch Giá lại cho phép các trường thu một số khoản (đã nêu trên) chính là đổ đồng mức thu cho từng học sinh và buộc các em phải đóng.
Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện đã trở thành bắt buộc.
Bên cạnh đó, chính việc cho phép thu, mức thu cụ thể của Ủy ban Nhân dân thành phố Rạch Giá đã vi phạm mức tài trợ bình quân và mức tài trợ tối thiểu trong Thông tư 16:
“…không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu…”.
Ngoài ra, khoản 23, điều 3 Thông tư 16 cũng nêu rõ nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ:
- Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy;
Các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên;
Các hoạt động an ninh, bảo vệ;
Thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
Thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
Các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Nhưng thành phố lại cho phép thu 40.000 đồng/năm học để hợp đồng nhân viên vệ sinh.
Chưa hết, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định không được thu tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh trường thì lẽ nào Ủy ban Nhân dân thành phố Rạch Giá lại được quyền cho phép các trường học làm trái Thông tư 55?
Mức thu lạ và cao hơn thực tế
40.000 đồng/năm học/học sinh để thuê làm vệ sinh trong trường là khá cao.
Quy định của Thông tư 55 và Thông tư 16, nhà trường không được phép thu khoản tiền vệ sinh.
Thế nhưng trong thực tế, vì sức khỏe an toàn của học sinh, phụ huynh nhiều trường học vẫn tự nguyện được đóng góp để thuê người quét dọn.
Mức đóng tùy vào lòng hảo tâm của từng người.
Một số trường khác thu bình quân nhưng mức thu chỉ khoảng 20 ngàn đồng/học sinh/năm học.
Việc Ủy ban Nhân dân thành phố Rạch Giá ấn định mức thu 40 ngàn đồng/học sinh là quá cao.
Bên cạnh đó, chúng tôi thấy có khoản thu lạ, đó là tiền “nha học đường” thu 20 ngàn đồng/năm.
Đi dạy đã gần 30 năm nay, cũng dạy khá nhiều trường nhưng lần đầu tiên chúng tôi mới nghe đến khoản tiền này.
Chẳng biết học sinh phải đóng tiền nha học đường để làm gì?
Phải chăng hằng tuần các em đang được súc miệng bằng dung dịch ngừa sâu răng (fluor)?
Ở nhiều địa phương hiện nay, học sinh vẫn đang được súc miệng bằng dung dịch ngừa sâu răng (fluor) nhưng không mất tiền.
Hằng tháng, trạm y tế xã phường cấp thuốc về cho các trường để học sinh sử dụng miễn phí.
Nói đến lạm thu, từ trước đến nay chúng ta chỉ tập trung ở các trường học.
Thế nhưng kiểu lạm thu có “chỉ đạo” thế này liệu có chống được không?