Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp

23/12/2019 06:28
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nếu như các cán bộ, học viên lớn tuổi hăng hái, nhiệt tình đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy cô bao nhiêu thì các học viên trẻ lại lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu.

Bây giờ, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc nhà nước có nhu cầu đi học thạc sĩ

Các lớp thạc sĩ mở ra ở khắp nơi. Một lớp, thường có một nửa là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường; một nửa là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Lúc đi thi đầu vào thạc sĩ, lợi thế luôn thuộc về em sinh viên, do kiến thức còn mới nguyên, thao tác, làm bài khá nhanh. Nhưng đến đi học thì lợi thế lại nghiêng hẳn về các học viên lớn tuổi, có thâm niên.

Các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp thạc sĩ luôn chọn các học viên lớn tuổi làm cán sự lớp, lớp trưởng, lớp phó, thủ quỹ… 

Ngay cả điểm số các bài kiểm tra, bài luận văn của nhóm sinh viên cũng khó khi nào “vượt mặt” điểm số các bài kiểm tra, bài luận văn của các đàn anh, chị lớn tuổi, nhất là thành phần cán sự lớp, thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với các thầy cô giáo. 

Thạc sĩ không đầu và nỗi buồn trí thức
Thạc sĩ không đầu và nỗi buồn trí thức

Có học viên từng bức xúc và khiếu nại về kết quả điểm số của mình với một số cán sự trong lớp, vì cho rằng giảng viên chấm bài chưa chính xác, có dấu hiệu nâng đỡ các học viên lớn tuổi. 

Sau khi phòng đào tạo nhà trường cho kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài kiểm tra của lớp đó thì sự thật đúng như học viên đã “tố”.

Nếu như các cán bộ, học viên lớn tuổi hăng hái, nhiệt tình đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy cô bao nhiêu thì các học viên trẻ lại lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu, vì số tiền mỗi lần nộp cả triệu đồng. 

Em T. học viên một lớp thạc sĩ ở Đà Nẵng chia sẻ: “Tụi em là sinh viên ra trường được 2 năm, đang thất nghiệp, chưa tìm được việc làm ổn định nên mới học tiếp thạc sĩ. 

Cha mẹ làm nông ở quê vẫn phải tằn tiện từng đồng lo cho em ăn học.

Các chú, các anh chị cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã có lương, việc nộp quỹ lớp lúc nào cũng khá nhẹ nhàng, thoải mái chứ sinh viên như tụi em, mỗi lần nộp quỹ lớp là mỗi lần lo lắng, chỉ còn cách xin tiền gia đình…”.

Có lớp thì tiền quỹ cứ “đếm đầu chia xôi”, chẳng phân biệt lớn, nhỏ, hoàn cảnh, đã đi làm hay đang thất nghiệp. 

Có lớp, cán bộ, công chức, viên chức thì nộp quỹ nhiều, còn các em sinh viên thì nộp ở mức thấp. 

Trúng lớp đông học viên, các thầy cô giáo ít đòi hỏi nọ, kia…số tiền đóng quỹ của mỗi người ở mức vừa phải. 

Gặp lớp ít học viên, một số giảng viên ở xa đến hoặc hay có nhu cầu đi đó đây, ăn nhậu nhiều, số tiền đóng quỹ của mỗi người không hề nhỏ, có tháng lên tới vài triệu đồng, hết gần một nửa tháng tiền lương.

Một số người học thạc sĩ sợ đóng tiền quỹ lớp (Ảnh minh họa: vtc.vn).
 Một số người học thạc sĩ sợ đóng tiền quỹ lớp (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Một đồng nghiệp của tôi đang học lớp thạc sĩ khi nay hay than thở về chuyện túng tiền, với lý do cán sự lớp đó yêu cầu các học viên nộp quỹ quá dày. 

Các cán sự lớp cũng đâu có sung sướng gì, mỗi lần các thầy cô ở Hà Nội, Thành phố Chí Minh đến dạy phải lo cắm đầu, nào là ra sân bay đón đưa, nào là lo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, nào là quà cáp lúc về, lúc tổ chức kiểm tra, thi cử… 

Nhiều người từng biết, lo cho thầy, cô giáo là không cần thiết, các giảng viên đi dạy đều có chế độ chi trả, thanh toán của nhà trường rồi. Song thấy các lớp đi trước đều làm thế cả, chẳng lẽ đến lớp mình lại thôi? 

Có một tâm lý khác, nếu mình thiếu niềm nở, chu toàn với thầy cô giáo, nhỡ họ phật lòng, gây khó khăn, ra đề cương, đề thi thật khó, chấm bài thật căng thì “chết” cả nút.  

Cứ theo “con đường đi” các lớp đàn, đàn chị là “thượng sách”. 

Tiền quỹ lớp vài, ba triệu đồng/lần đối với người khấm khá, lương bổng cao, chẳng có vấn đề gì, nhưng đối với các viên chức lương thấp, nhất là các em sinh viên nhà nghèo, ở quê, đang thất nghiệp, học tiếp thạc sĩ để dễ tìm việc, quả là một nỗi lo. 

Có ai thấu hiểu cho hoàn cảnh, “thế khó” của các em không?

Tại sao nhiều lớp, cán sự lớp hay bày vẽ chuyện nộp quỹ lớp để lo cho thầy cô giáo mình? Đây có phải là điều mà tất cả giảng viên mong muốn hay không? 

Những câu hỏi ấy, người viết bài này rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, phản hồi của bạn đọc, của những người trong cuộc.  

SÔNG TRÀ