Trường đại học Trưng Vương có trụ sở chính tại xã Kim Long (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), nhưng ít ai biết rằng Trường này đang rầm rộ mở "lò" chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ ngay tại tầng 1 của một tòa nhà chung cư trên phố Thành Thái (quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội).
Để lại lời nhắn trên fanpage Thạc sĩ Quản lý kinh tế hay Tuyển sinh sau đại học sẽ có nhân viên tuyển sinh tư vấn, mời chào học cao học với những cam kết khiến người nghe choáng váng “đã nộp hồ sơ là đỗ, thời gian học linh động, học ngay tại Hà Nội, bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận”.
Để tìm hiểu về cơ sở đào tạo thạc sĩ này, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt tại tầng 1 của một tòa nhà chung cư nằm trên phố Thành Thái gần công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội).
Có sinh viên tại chức, không cần đến lớp vẫn qua môn và tốt nghiệp |
Quan sát của phóng viên cho thấy, phía bên ngoài tòa nhà chung cư này nằm ngay lối lên sảnh có treo một số biển quảng cáo giới thiệu rất chung về hệ đào tạo chất lượng cao tuyển sinh thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế kèm số điện thoại tư vấn tuyển sinh.
Bên trong có 3 phòng lớn gắn biển Phòng hội thảo được gắn số thứ tự từ 1 đến 3. Một phòng tư vấn tuyển sinh khá khang trang và hiện đại.
Tiếp phóng viên, nhân viên tư vấn giới thiệu tên Nguyễn Hằng Nga, cán bộ tuyển sinh Trường đại học Trưng Vương tư vấn tuyển sinh thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế.
Với mong muốn học lên thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế, nhưng tốt nghiệp đại học ngành xã hội, Nga cho biết: “Các anh chị có bằng tốt nghiệp đại học ngành nào cũng có thể học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế của Đại học Trưng Vương.
Người đã tốt nghiệp đại học chỉ phải học chuyển đổi tức học bổ sung kiến thức 7 môn để đủ điều kiện thi đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đây đối với các thí sinh tốt nghiệp không đúng chuyên ngành khi đăng ký tuyển sinh thạc sĩ sẽ phải học 9 môn bổ sung kiến thức. Nhưng bên em vừa thay đổi, tất cả các chuyên ngành khác chỉ cần học bổ sung 7 môn chuyển đổi ngay tại đây mà không phải về trường”.
Bên ngoài văn phòng tuyển sinh của Đại học Trưng Vương chỉ giới thiệu ngắn gọn về chương trình đào tạo thạc sĩ. Ảnh: Vũ Phương. |
Lo lắng về việc học và thi qua 7 môn học bổ sung kiến thức để đủ điều kiện thi thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế sẽ mất rất nhiều thời gian và khó khăn đối với người đi làm, nữ nhân viên này xua tay: “Nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa đầu vào cho thí sinh.
Các anh chị không phải đến đây học 7 môn bổ sung kiến thức, bên em sẽ phát tài liệu các anh chị về nhà tự học.
Trước khoảng 1 tuần thi đầu vào, bên em sẽ tổ chức một buổi để các anh chị làm bài kiểm tra ngay tại đây. Làm rất đơn giản không có gì khó.
Theo quy định chương trình học thạc sĩ Quản lý kinh tế của Đại học Trưng Vương kéo dài từ 1,5-2 năm. Nhưng thực tế, anh chị học tập trung tại đây chỉ từ 12-13 tháng là xong.
Để tạo điều kiện cho học viên đã đi làm có thời gian nghỉ ngơi, nhà trường chỉ yêu cầu học viên học một ngày cuối tuần. Tùy vào lịch của Phòng Đào tạo sẽ bố trí lớp học vào ngày Thứ 7 hoặc Chủ nhật.
Chương trình Thạc sĩ Quản lý kinh tế bên em học theo tín chỉ, toàn khóa học rơi vào 60 tín chỉ (bao gồm cả bảo vệ luận văn 10 tín chỉ). Học viên sẽ học khoảng 1 năm sau đó được nghỉ để làm luận văn.
Làm luận văn và bảo vệ cũng chỉ kéo dài 3-4 là xong khóa học và chờ cấp bằng thạc sĩ”.
“Toàn khóa học học thạc sĩ Quản lý kinh tế, học viên sẽ không phải đến Trường đại học Trưng Vương học mà học luôn tại đây. Cơ sở này bên em có 3 phòng hội thảo. Đến khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp các anh chị mới phải về trường bảo vệ, lúc đó bên em sẽ bố trí xe đưa đón anh chị về trường”, Nga nói.
Nga mở cửa giới thiệu với phóng viên ngày thường 3 phòng hội thảo để làm phòng học thạc sĩ đóng cửa, chỉ cuối tuần mới nhộn nhịp. Ảnh: Vũ Phương. |
Nữ nhân viên này cũng mời phóng viên đến tham quan lớp học vào ngày cuối tuần sẽ rất đông học viên học kín 3 phòng hội thảo gồm rất chuyên ngành đào tạo thạc sĩ như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Quản lý kinh tế đến từ nhiều trường đại học khác nhau.
Bày tỏ sự băn khoăn vì lâu không học hành lo ngại thi đầu vào thạc sĩ, Nga vui vẻ cho biết: “Thi đầu vào trường cũng sẽ hỗ trợ tối đa để các anh chị đỗ. Anh cứ yên tâm, tỷ lệ đỗ thạc sĩ bên em là 100%, chưa có trường hợp nào bị trượt.
Thi 3 môn đầu vào gồm Kinh tế học, Toán kinh tế, tiếng Anh. Trước khi thi một tuần, học viên sẽ được bên em tổ chức ôn luyện để sát với đề thi nhất”.
Nga cũng khẳng định nhiều lần với phóng viên cứ yên tâm sẽ đỗ chỉ cần đi ôn tập một hai buổi theo hướng dẫn của trường.
Tiến sĩ dỏm và niềm tin bị nợ |
Nữ nhân viên này cũng thông tin chi tiết từng khoản học viên phải đóng khi nộp hồ sơ như sau: Học bổ sung kiến thức mỗi môn 700.000 đồng x 7 = 4.900.000 đồng.
Lệ phí ôn thi đầu vào 1.200.000 đồng/môn x 3 = 3.600.000 đồng. Lệ phí dự thi mỗi môn 500.000 đồng/môn x 3 = 1.500.000 đồng.
Như vậy, tổng chi phí học bổ sung kiến thức, ôn thi, dự thi 10 triệu đồng mỗi thí sinh đăng ký thi thạc sĩ Quản lý kinh tế.
Học phí 24 triệu đồng/năm, học thạc sĩ 2 năm sẽ là 48 triệu đồng. Học viên sẽ đóng theo học kỳ 12 triệu đồng/năm. Học viên học ở đây cũng hoàn toàn yên tâm không lo ngại vấn đề thi hết môn lại mất thêm tiền. Bên em đã thống nhất với giảng viên về việc này để hạn chế học viên phải chi thêm”.
Nữ nhân viên này cũng khẳng định: “Bằng do Đại học Trưng Vương cấp được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận. Điều kiện học tập tốt, môi trường chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại. Tỷ lệ đỗ đảm bảo cao”.
Trong thông báo tuyển sinh phát đi ngày 20/2/2019 do Tiến sĩ Bùi Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường đại học Trưng Vương ký, trong mục 12 Điểm tiếp nhận hồ sơ có địa chỉ tầng 1 như phóng viên có mặt.
Theo thông báo tuyển sinh thạc sĩ Quản lý kinh tế có 50 chỉ tiêu. Hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 5/4/2019. Thời gian dự kiến thi ngày 8/6/2019 và ngày 9/6/2019.