Sinh viên sư phạm quan trọng nhất là “đầu ra” chứ không chỉ là hỗ trợ học tập

22/01/2020 07:00
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Những sinh viên sư phạm ra trường mà không được phân công công việc mà mình đã được đào tạo thì có phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương hay không?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa lên website dự thảo Nghị định Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.

Theo dự thảo, sinh viên học sư phạm tới đây sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 3,63 triệu đồng và số tiền này sẽ được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.

Chúng tôi cho rằng đây là điều tích cực nhưng sẽ thiết thực hơn là các địa phương đảm bảo cho sinh viên sư phạm khi ra trường có việc làm.

Hỗ trợ học tập rất cần nhưng sinh viên ra trường thì việc làm mới quan trọng. (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)

Hỗ trợ học tập rất cần nhưng sinh viên ra trường thì việc làm mới quan trọng. (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)

Các địa phương đặt hàng trường sư phạm

Những năm qua, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm  đã được báo chí phản ánh khá nhiều. Địa phương nào cũng có sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều bởi có những tỉnh hàng chục năm không có chủ trương tuyển dụng giáo viên.

Chính vì thế, sinh viên sư phạm ra trường phải dạy hợp đồng theo tiết, theo tháng và không có quyền lợi như giáo viên được biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đồng lương thấp, ngày hè, ngày Tết không có lương dẫn đến tình trạng ngày càng ít học sinh giỏi xét tuyển vào các trường sư phạm.

Tuy nhiên, việc Bộ vừa đưa dự thảo Nghị định “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm” để lấy ý kiến của dư luận thì chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm mới.

Theo dự thảo Nghị định thì tới đây, các địa phương sẽ đặt hàng các trường sư phạm đào tạo. Tại điểm 2 của điều 3 dự thảo Nghị định thể hiện rất rõ:

“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này.

Sinh viên sư phạm quan trọng nhất là “đầu ra” chứ không chỉ là hỗ trợ học tập ảnh 2Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn?

Hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm của địa phương”. 

Tại điều 4 thì cũng đã nêu cụ thể: “Căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương”.

Như vậy, nếu các địa phương có sự phối hợp tốt với trường sư phạm về nhu cầu thực tế của địa phương để “đặt hàng” thì sẽ tạo ra những thuận lợi cho cả người học và sự chủ động trong tuyển dụng của địa phương.

Ngân sách nhà nước sẽ không lãng phí, sinh viên ra trường không phải sống trong cảnh thất nghiệp và đương nhiên là không lãng phí về tiền của, công sức của người học.

Một khi được hỗ trợ, được đảm bảo đầu ra thì sẽ có nhiều học sinh giỏi lớp 12 sẽ đến với trường sư phạm chứ không phải rơi vào cảnh “vơ bèo vạt tép” như những năm qua.

Ngân sách hỗ trợ tiền cho người học

Theo dự thảo của Nghị định thì đối tượng được hỗ trợ sẽ là: “Học sinh, sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, đào tạo bằng hai chính quy, đào tạo liên thông chính quy được giao nhiệm vụ đào tạo tại cơ sở đào tạo”.

Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ cho người học được quy định tại điều 5 như sau:

1. Hỗ trợ tiền đóng học phí: Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.  

2. Hỗ trợ chi phí sinh hoạt: Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm quan trọng nhất là “đầu ra” chứ không chỉ là hỗ trợ học tập ảnh 3Học giỏi thì tội gì đi sư phạm hả cô?

Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.

3. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Với mức hỗ trợ như vậy rõ ràng đã tạo cho người học sư phạm một khoản kinh phí phù hợp để theo học, nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn. Song, chính sách này sẽ thiết thực hơn nếu như các em học sư phạm ra trường được đảm bảo việc làm.

Điều chúng tôi thấy còn băn khoăn là trong dự thảo này có quy định về mức bồi hoàn đối với những sinh viên bỏ sư phạm để học ngành khác, người bỏ việc khi đã được phân công nhiệm sở, người chưa đủ số năm công tác theo quy định…

Vậy, những sinh viên sư phạm ra trường mà không được phân công, không xin được đúng công việc đã được đào tạo thì có phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương hay không?

Không có việc làm thì người học lấy tiền đâu mà bồi hoàn? Hoặc nếu không xin được việc bắt buộc người học sư phạm phải học ngành nghề khác thì sao? Những trường hợp như vậy liệu sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương hay địa phương phải bồi hoàn công sức 4 năm học tập cho sinh viên?

Chính vì thế, Bộ cũng cần tính đến nhiều phương án chặt chẽ và có cam kết rõ ràng. Nếu không  được quy định rõ ràng, không có những cam kết, ràng buộc chặt chẽ thì sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp như chúng ta đã và đang thấy trong những năm qua.

NGUYỄN CAO