Người Việt cả tin hay…?

01/02/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Hoạt động của các nhà sư và tín đồ đạo Phật lấy quốc thái dân an làm tôn chỉ mục đích luôn phù hợp với truyền thống của người Việt...

Những hiện tượng bất thường xảy ra trên thế giới và Việt Nam vào dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 như mưa đá, sấm chớp đêm giao thừa và ngày mồng 1 năm Canh Tý tại các tỉnh phía Bắc; Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCov) xuất phát từ thành phố Vũ Hán – Trung Quốc gây ra đã khiến một số người hoang mang, nghi ngại.

Năm 2019 và năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều ra văn bản yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không phải lễ dâng sao giải hạn và có vẻ các chùa đều “nghiêm túc” thực hiện, thông báo đều ghi nhà chùa tổ chức “Lễ cầu an” còn nếu có sai sót xảy ra thì lỗi là do “cái máy tính” chứ không phải người nhập dữ liệu.

“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối”
“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối”

Nói sai sót là do máy tính vì người dân chỉ nộp tờ giấy ghi họ tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ liên hệ (số điện thoại), người nhập dữ liệu là tình nguyện viên chứ không phải người nhà chùa.

Khi dữ liệu nhập xong thì tự máy tự động thông báo người đó Thái Dương hay Thái Bạch, La Hầu hay Kế Đô,…

Số tiền phải nộp để “cầu an” thì vẫn như mọi năm, vẹn cả ba đường, vừa không trái quy định vừa thể hiện “trách nhiệm” của cơ sở tôn giáo với việc cầu cho “Quốc thái dân an”, lại đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng.

Ban hành văn bản “cấm” dâng sao giải hạn nhưng lại cho phép hình thức “cầu an” trong khi các biện pháp kiểm tra, giám sát của chính quyền và giáo hội về các nội dung “cầu an” không hề quyết liệt liệu có phải là cách né tránh trách nhiệm, buông lỏng quản lý?

Bên cạnh chuyện cầu an thì việc nhà sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng – thành phố Uông Bí tổ chức buổi “Tụ tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona” vào dịp Tết Nguyên đán nên được đánh giá từ góc độ Phật giáo và quản lý nhà nước.

Ảnh lưu truyền trên mạng xã hội
Ảnh lưu truyền trên mạng xã hội

Về phía tôn giáo, nếu đây là nỗi lo của sư trụ trì chùa trước nạn dịch nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người và khiến gần 10.000 người bị lây nhiễm trên toàn thế giới (tính đến ngày 31/01/2020) thì cần được trân trọng.

Hoạt động của các nhà sư và tín đồ đạo Phật lấy quốc thái dân an làm tôn chỉ mục đích luôn phù hợp với truyền thống của người Việt, trừ trường hợp lợi dụng tôn giáo vào mục đích cầu lợi, cầu danh hoặc đánh bóng thương hiệu cho một nhóm người hoặc cơ sở thờ tự. 

Ngày 28/01/2020, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng bài: “Chùa Ba Vàng ‘tổ chức nghi lễ tâm linh đúng với giáo lý Phật giáo’ ”. [1]

Bài viết đăng toàn bộ công văn số 05/CV - BTS “Về việc chùa Ba Vàng tổ chức khóa lễ tụng kinh cầu nguyện, hồi hướng hóa giải nạn dịch virus Corona” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam  tỉnh Quảng Ninh, trong công văn có đoạn:

“Trong cách diễn giải của nhà chùa có nhiều từ ngữ nhạy cảm nên một số phương tiện truyền thông đã hiểu lầm là Đại đức Thích Trúc Thái Minh đang hướng dẫn nhân dân phương pháp tu tập điều trị và hóa giải dịch bệnh virus Corona”.

Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chú thích dưới bức ảnh trong bài viết khẳng định: “Việc chùa Ba Vàng thực hiện hồi hướng công đức, nguyện cầu đẩy lùi virus corona là việc làm cấp thiết, đúng tinh thần Nhà Phật”.

Vấn đề là ở chỗ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh có vội vã không khi khẳng định chỉ có “một số phương tiện truyền thông đã hiểu lầm” còn phật tử và người dân không hiểu lầm? 

Khi “một số phương tiện truyền thông đã hiểu lầm” thì không thể loại trừ khả năng một số phật tử và người dân cũng hiểu lầm bởi không thể phủ nhận một bộ phận người Việt ngày nay có niềm tin vào Phật pháp, vào những giáo lý nhân văn mà Đức Phật răn dạy nhưng có những hạn chế nhất định về nhận thức và do đó luôn tin vào những điều các sư trụ trì thuyết giảng.

Ngôn từ dùng trong công văn số 05/CV – BTS và trong bài viết [1] liệu có phải cũng  gây hiểu lầm cho truyền thông và người dân, rằng việc nhà sư Thích Trúc Thái Minh sử dụng “nhiều từ ngữ nhạy cảm” là “việc làm cấp thiết, đúng tinh thần Nhà Phật”?

Đừng lợi dụng tôn giáo làm điều trái đời, ngược đạo
Đừng lợi dụng tôn giáo làm điều trái đời, ngược đạo

Tuy không chính thức nhưng bài viết trên đã cho thấy cách nhìn nhận của tổ chức tôn giáo, vấn đề là chính quyền tỉnh Quảng Ninh có đồng quan điểm?

“Tụ tập hồi hướng” để hóa giải nạn dịch đang lan tràn trên toàn thế giới liệu có nguy cơ tạo nên một tâm lý nguy hiểm, rằng chỉ cần dựa vào tâm linh là đẩy lùi được đại dịch và do đó cứ ngồi nhà “tịnh tâm cầu nguyện” sẽ chữa được bách bệnh không cần đến sự can thiệp của y học hiện đại?

Về phía nhà nước, những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về đại dịch này đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Tính đến ngày 29/1 đã có 7 địa phương xử lý 8 trường hợp đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra chỉ nhằm mục đích thu hút chú ý của người đọc, một số tỉnh đưa mức phạt bằng tiền không dưới 10 triệu đồng. [2]

Liệu chính quyền có phải chờ câu trả lời chính thức từ những người có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo hay trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần xử lý vụ việc như các tỉnh khác, không phải chỉ là gặp gỡ, nhắc nhở?

Cần biết rằng sự tụ tập đông người sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan vì chỉ cần đứng cách người bệnh 2 mét là có thể bị nhiễm virus corona và tỉnh Quảng Ninh lại là nơi có số lượng khá đông người Trung Quốc sinh sống, du lịch. 

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng  đã ký công văn số 79 gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCov) gây ra.

Chính phủ đang cân nhắc cơ sở khoa học và pháp lý việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch virus corona. 

Không chỉ chú trọng đến quản lý người có dấu hiệu bị bệnh mà còn cần chú ý đến việc tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng ngừa, xóa bỏ tâm lý tụ tập cầu nguyện sẽ tai qua nạn khỏi có nên xem là nhiệm vụ cấp bách hiện nay?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://phatgiao.org.vn/chua-ba-vang-to-chuc-nghi-le-tam-linh-dung-voi-giao-ly-phat-giao-d39424.html

[2] https://vov.vn/phap-luat/8-doi-tuong-tung-tin-that-thiet-ve-dich-benh-viem-phoi-cap-bi-xu-ly-1004380.vov

Xuân Dương