Cụ thể, Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có điểm mới so với năm ngoái.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 có 50% là cán bộ, giảng viên các trường đại học về địa phương kết hợp với giáo viên tại chỗ coi thi nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, cán bộ chấm thi là giáo viên các trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; cán bộ giám sát phòng thi là giáo viên trường phổ thông; trật tự viên, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ là nhân viên của trường nơi đặt điểm thi và công an, kiểm soát viên quân sự;
Trong đó đảm bảo, mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát phòng thi thực hiện giám sát không quá 03 phòng thi trong cùng một dãy phòng thi.
Trưởng điểm thi là lãnh đạo trường phổ thông; 1 Phó trưởng điểm thi là lãnh đạo hoặc Tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông nơi đặt điểm thi;
Năm 2020, trường đại học không tham gia coi, chấm thi tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Hà Nội mới) |
Một điểm mới nữa là, việc chấm trắc nghiệm năm ngoái do trường đại học chủ trì, thực hiện chấm thì năm nay việc này được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tổ chức.
Cán bộ thực hiện chấm trắc nghiệm sẽ gồm cán bộ của Sở và giáo viên trường phổ thông dùng phần mềm của bộ để chấm.
Kỳ thi năm nay vẫn quy định mỗi tỉnh tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận có các thiết bị đảm bảo an toàn, có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24/24; có công an bảo vệ, giám sát liên tục. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải có sự chứng kiến của công an, thanh tra và ghi nhật ký đầy đủ.
Dự thảo cũng quy định, mỗi tổ chấm thi có tổ trưởng và cán bộ chấm thi là giáo viên đã và đang trực tiếp giảng dạy môn học đúng với bài thi tự luận được chấm ở trường phổ thông, ban làm phách của hội đồng sẽ không được tham gia chấm thi tự luận.
Ở bài thi tự luận, tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.