Chạy điểm học bạ?

30/05/2020 06:22
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thật ra chạy điểm học bạ lợi đơn, lợi kép, lợi cả học trò, lợi cả giáo viên, lợi cả nhà trường.

Chuyện chạy ở nước ta có nhiều thứ, chẳng cứ phải chạy hai chân trên đường mới là … chạy. Chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy lớp, chạy trường, chạy án, chạy dự án, … chạy điểm học bạ.

Người ta chạy điểm học bạ làm gì?

Thật ra chạy điểm học bạ lợi đơn, lợi kép, lợi cả học trò, lợi cả giáo viên, lợi cả nhà trường.

Cái lợi đầu tiên chính là nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp của trường, khả năng đậu tốt nghiệp của trò.

Cái lợi thứ hai với trò là xét tuyển vào đại học ở những trường có hình thức xét tuyển học bạ; nhà trường sẽ có con số báo cáo đẹp về … tỷ lệ % học sinh đậu cao đẳng, đại học trong kỳ tuyển sinh…

Để có điểm học bạ đẹp, người ta chạy bằng cách cho con đi học thêm đầy đủ; muốn đẹp hơn nữa thì chạy bằng quà cáp, nhờ cậy, quen biết.

Với giáo viên, có một thứ dễ cho học trò, đó là điểm số; nhiều khi còn được cấp trên bật đèn xanh nữa là khác.

Cho cũng có nhiều cách, cho qua việc ra bài kiểm tra dễ, đã được ôn tập “sát” đề, cho gỡ điểm bằng cách … kiểm tra lại; cho ngồi bên bạn có học lực khá, giỏi; làm lơ khi coi kiểm tra… của thì biết rồi, cách cho cũng lắm.

Người ta có nhiều cách để có điểm học bạ đẹp. (Ảnh minh hoạ: Caodangyduocpasteur.com.vn)
Người ta có nhiều cách để có điểm học bạ đẹp. (Ảnh minh hoạ: Caodangyduocpasteur.com.vn)

Vậy có giới hạn “cho” điểm không?

Thật ra biến không thành có như nâng điểm thi ở vụ tiêu cực thi cử (ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang) trong học bạ là rất ít, vì sẽ bị dư luận phát hiện ra ngay; biên độ cho điểm tùy thuộc vào mối quan hệ, lực học thật sự của học sinh mà … giáo viên cho điểm phù hợp.

Không thể có chuyện nâng “vượt cấp”, tức điểm yếu lên khá; trung bình lên giỏi; mà chỉ có thể nâng lên … một cấp thôi.

Vì vậy “kịch trần” cũng nâng lên từ 2 đến 2,5 điểm cho mỗi lần “phóng bút” vì giáo viên còn muốn “giữ nồi cơm” của mình.

Các địa phương “xa mặt trời” điểm học bạ càng long lanh, nhiều khi học sinh đô thị, học sinh vùng có kinh tế xã hội phát triển nhìn vào mà phát thèm, mà choáng.

Những nơi chất lượng học tập chưa tốt thường “thương học trò hơn” nâng điểm để cứu học trò khi xét tốt nghiệp, những nơi này biên độ có thể từ 2,5 đến 3 điểm cho mỗi lần “phóng bút”.

Giáo viên “phóng bút” bằng cách nào?

Để hợp thức hóa, không khó với người ra đề, trong đề kiểm tra thường xuyên, cấu trúc đề gồm: Biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao; ranh giới giữa các mức độ nhận thức chỉ mong manh như … sợi chỉ.

Vì vậy điểm giỏi ở trường này có thể chỉ tương đương điểm khá hoặc trung bình nơi khác.

Khu vực đô thị, khu vực có kinh tế xã hội phát triển, giáo viên thường “phóng bút” qua dạy thêm, học thêm, ôn sát đề kiểm tra, luyện tập đi luyện tập lại …

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 ngày 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói:

“Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ là một phương thức tuyển sinh, tuy nhiên cơ sở giáo dục đại học cần lưu ý khi dành quá nhiều chỉ tiêu cho phương thức này bởi lẽ chất lượng điểm trong học bạ giữa các trường, các vùng miền có khác nhau.

Có vùng, điểm học bạ của học sinh cao vút, long lanh nhưng thực chất chất lượng chưa đạt được như vậy”.

Vì vậy, muốn có điểm học bạ trung thực, Bộ cần xóa bỏ cơ cấu điểm học bạ trong điểm xét Tốt nghiệp phổ thông, các trường đại học cần đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Bỏ cơ cấu điểm học bạ trong điểm xét Tốt nghiệp phổ thông cũng là giải pháp giảm bệnh thành tích trong giáo dục; giảm áp lực học thêm cho học trò.

Lê Mai