Huyện Sóc Sơn đối thoại với giáo viên hợp đồng về vấn đề tuyển dụng đặc cách

15/06/2020 06:05
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về phương án tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng; huyện Sóc Sơn thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội căn cứ theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Ngày 13/6/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tổ chức đối thoại với giáo viên hợp đồng việc việc tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020.

Đây là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm sau khi 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn gửi đơn kêu cứu (tháng 3/2019).

Đến nay đã hơn 1 năm đấu tranh nhưng kết quả dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ đã đồng ý chủ trương xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng không qua Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thế nhưng Thành phố Hà Nội mới đây trình phương án tổ chức thi sát hạch giáo viên hợp đồng 2 vòng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Từ mâu thuẫn này khiến cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội chưa thể yên tâm.

Ngày 10/6/2020, gần 100 giáo viên hợp đồng các Quận, huyện đội nắng có mặt tại Bộ Nội vụ để đi tìm phương án giải quyết thấu tình đạt lý.

Ngày 11/6/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn gửi giấy mời đến giáo viên hợp đồng trên toàn huyện tổ chức đối thoại, tháo gỡ vướng mắc trong tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hiệu: Sự việc giáo viên hợp đồng dùng dằng hơn 1 năm qua chưa được giải quyết khiến tất cả thầy cô đều cảm thấy mệt mỏi.

Thầy Hiệu chất vấn: “Chúng tôi là những giáo viên hợp đồng đã có nhiều năm đóng góp cho ngành giáo dục huyện Sóc Sơn.

Năm 2013 chúng tôi là những nạn nhân lịch sử bị bỏ quên: không được xét đặc cách theo Nghị định 29.

Sự việc kéo dài đến năm 2019 chúng tôi mới biết mình đã bị mất đi quyền lợi của mình vì thế giáo viên hợp đồng phải đứng lên đấu tranh.

Sau quá trình đấu tranh 6,7 tháng cuối cùng nỗi lòng của giáo viên hợp đồng toàn Hà Nội cũng đến được với Trung Ương.

Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đồng ý xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo công văn 5378.

Thực hiện công văn 5378 nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã đặt cách cho giáo viên hợp đồng thế nhưng thành phố Hà Nội vẫn dùng dằng mãi đến ngày hôm nay vẫn chưa xong.

Trong khi đó với phương án tổ chức sát hạch theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP có phải là sau khi đi một vòng lại quay về phương án cũ.

Vì thế chúng tôi mong muốn lãnh đạo huyện Sóc Sơn có ý kiến lên Ủy ban Nhân dân Thành phố làm sao có phương án xét tuyển đặc cách cho chúng tôi theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ”.

Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn đối thoại với lãnh đạo Huyện (Ảnh:CTV)

Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn đối thoại với lãnh đạo Huyện (Ảnh:CTV)

Cô giáo N.T.P. ví von: Lãnh đạo huyện như bậc cha, bậc mẹ, giáo viên hợp đồng như con.

Cha mẹ sinh ra con cái thì phải có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ con cái.

Cô P. Tâm sự: “Những vấn đề về cơ sở pháp lý các giáo viên khác đã trình bày hết rồi.

Tôi chỉ xin nói đến một chữ tình.

Chúng tôi là những giáo viên đã gần 20 năm công tác, về huyện Sóc Sơn từ ngày huyện còn khó khăn, cống hiến tuổi thanh xuân của mình, bồi dưỡng biết bao thế hệ học trò.

Từng ấy năm chúng tôi không một câu than vãn, oán trách.

Chỉ đến năm 2019, chúng tôi mới biết rằng chúng tôi đã bị lãng quên trong đợt đặc cách năm 2013 hay nói cách khác là người ta cố tình bỏ quên giáo viên.

Đến nay sự việc đã được Trung Ương tháo gỡ với những chủ trương rất nhân văn thế nhưng chúng tôi vẫn chưa được hưởng sự nhân văn đó.

Giáo viên chúng tôi như con cái, lãnh đạo như cha mẹ.

Cha mẹ sinh ra con cái thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, đùm bọc con cái.

Thế nhưng chúng tôi một mình một chiến tuyến đấu tranh suốt 1 năm qua.

Tôi hy vọng rằng Thành phố Hà Nội sẽ làm đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, làm đúng với lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung”.

Nhắc lại sự việc 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn kêu cứu gây xôn xao dư luận tại thời điểm 1 năm trước.

Sau sự việc này nhiều bất cập trong công tác tuyển dụng, đặc cách giáo viên hợp đồng được phơi bày.

Nguồn cơn xuất phát từ năm 2013, khi thực hiện đặc cách cho giáo viên theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP chỉ có giáo viên mầm non được đặc cách, giáo viên cấp 1, cấp 2 bị bỏ quên.

Từ năm 2018, Nghị định 168 được ban hành thay thế Nghị định 29.

Vướng mắc trong việc đặc cách theo Nghị định 168/2018/NĐ-CP nằm ở tiêu chuẩn:

Giáo viên ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xét đặc cách cho giáo viên không nhất thiết phải thực hiện theo Nghị định 168/2018/NĐ-CP.

Căn cứ theo đó, Bộ Nội vụ ban hành công văn 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Dựa theo công văn 5378 nhiều địa phương như Hải Dương, Cà Mau, Cần Thơ…đã thực hiện xong việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng.

Trong khi đó Hà Nội lại quay về phương án thi sát hạch 2 vòng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Giáo viên mệt mỏi vì sự việc dùng dằng quá lâu (Ảnh: Đức Minh)

Giáo viên mệt mỏi vì sự việc dùng dằng quá lâu (Ảnh: Đức Minh)

Đại diện giáo viên hợp đồng Sóc Sơn cho biết, họ có căn cứ để được hưởng quyền lợi xét tuyển đặc cách theo công văn 5378.

Thứ nhất, đây là quyền lợi giáo viên hợp đồng đáng lẽ được hưởng từ năm 2013 khi thực hiện theo Nghị định 29.

Thứ hai, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã cho phép xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng không cần theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thứ ba, Thực hiện theo công văn 5378 nhiều địa phương đã xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết: Phương án thi sát hạch huyện thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố và sẽ đề nghị phương án mới lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Vũ Ninh