Ngõ cụt của các sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm

20/07/2020 06:31
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một viễn cảnh đối với sinh viên đang học cao đẳng sư phạm là khi ra trường vừa không có việc làm, vừa phải trả lại tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho Nhà nước.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 yêu cầu chuẩn trình độ của giáo viên mầm non là cao đẳng và chuẩn trình độ của giáo viên từ tiểu học, trung học cơ sở là đại học.

Vì thế, khi Luật này có hiệu lực thì hàng trăm ngàn giáo viên chưa đủ chuẩn phải đi học nâng chuẩn theo lộ trình của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2020.

Năm 2020 vẫn còn cơ sở thông báo tuyển sinh trung cấp sư phạm mầm non, ảnh chụp màn hình.

Năm 2020 vẫn còn cơ sở thông báo tuyển sinh trung cấp sư phạm mầm non, ảnh chụp màn hình.

Nhưng, dù sao những giáo viên chưa đủ chuẩn vẫn được địa phương, nhà trường bố trí cho đi học nâng chuẩn, họ được miễn phí đào tạo, được hưởng 100% lương và tính năm công tác liên tục.

Điều 115, Luật Giáo dục 2019 quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13."

Nhưng thực tế vẫn còn hàng ngàn giáo sinh đã học trung cấp, cao đẳng sư phạm ra trường những năm qua chưa xin được việc làm, vậy những sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh trước 1/7/2020, tương lai sẽ đi về đâu?

Qúa trình hình thành cho đến khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực

Việc nâng cao chuẩn trình độ của giáo viên trong bối cảnh hiện nay cũng là điều cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế công việc của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kế hoạch, lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên phải thực hiện đồng nhất để khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì ít ảnh hưởng đến công việc của người học, người lao động.

Thôi thì, chuyện giáo viên đang giảng dạy ở các nhà trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở cứ cho là yếu tố lịch sử để lại thì việc họ sẽ được đào tạo, nâng chuẩn cũng là điều phù hợp.

Thông báo tuyển sinh của Trường cao đẳng sư phạm Bắc Ninh năm 2019 (Ảnh: Nguyễn Cao).

Thông báo tuyển sinh của Trường cao đẳng sư phạm Bắc Ninh năm 2019

(Ảnh: Nguyễn Cao).

Hơn nữa, theo hướng dẫn của Nghị định 71/2020/NĐ-CP thì quyền lợi của giáo viên khi đi học nâng chuẩn vẫn được đảm bảo.

Nhưng, kế hoạch, tầm nhìn chiến lược của việc đào tạo sinh viên cao đẳng sư phạm ra làm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở trong những năm gần đây lẽ nào Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không biết? Bởi, Luật Giáo dục năm 2019 là do Bộ tham mưu, xây dựng. Phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm cho các trường sư phạm cũng do Bộ chủ trì.

Vậy nhưng, nhìn lại các mốc thời gian của Luật Giáo dục năm 2019 thì chúng ta thấy có rất nhiều điều đáng băn khoăn.

Tháng 11/2017, Bộ Giáo dục công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục để xin ý kiến rộng rãi của xã hội.

Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục (số 43/2019/QH14) được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và chính thức được công bố. Đến ngày 01/7/2020 thì Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực.

Như vậy, chúng ta thấy Bộ hoàn toàn có thể chủ động ngưng phân bổ chỉ tiêu đào tạo sinh viên cao đẳng sư phạm từ năm 2017 vì trước khi có dự thảo luật thì đã có chủ trương và quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Nhưng, tại sao từ năm 2017 đến năm 2019, hàng năm các trường cao đẳng sư phạm ở nhiều địa phương vẫn được giao chỉ tiêu để tuyển sinh và đào tạo đều đều?

Câu hỏi này chỉ có thể là lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) và lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm mới tường tận vấn đề.

Hàng ngàn sinh viên cao đẳng sư phạm chưa ra trường đã biết thất nghiệp

Chúng tôi lần tìm lại các thông báo tuyển sinh đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm ở nhiều địa phương và thấy những con số không thể không không trăn trở.

Bởi, lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ ban hành, các trường sư phạm biết rõ là ngày 01/7/2020 thì Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhưng các trường vẫn được giao chỉ tiêu, vẫn tuyển sinh để đào tạo cho nhiều khóa sinh viên sư phạm…dưới chuẩn trình độ.

Tại Thông báo số 139/CĐSP-TS ngày 01/4/2019, do ông Nguyễn Hữu Tuyến- Hiệu trường Trường cao đẳng sư phạm Bắc Ninh ký và gửi đến các Trường trung học phổ thông trên địa bàn về kế hoạch tuyển sinh cao đẳng sư phạm chính quy năm 2019 đã thể hiện rất rõ từng con số.

Trong Thông báo này, nhà trường thông báo tuyển sinh năm 2019 với 770 chỉ tiêu, trong số này có 450 chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, 100 chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học và 220 chỉ tiêu đào tạo giáo viên trung học cơ sở.

Như vậy, trừ đi số chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non thì còn 320 chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Thế nhưng, khi các em còn chưa học xong năm thứ nhất thì đã biết chắc chắn là mình sẽ rất ít cơ hội có việc làm sau khi ra trường. [1]

Ngày 16/1/2019, Trường cao đẳng sư phạm Ninh Thuận đã có Thông báo số 23/TB-CĐSP về việc tuyển sinh đào tạo các hệ chính quy năm 2019 do ông Lê Anh Tuấn- Hiệu trưởng nhà trường ký.

Tại Thông báo này, chúng tôi thấy chỉ tiêu tuyển của Trường cao đẳng sư phạm năm 2019 là 730 chỉ tiêu.

Điều đáng quan tâm nhất là có 150 chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.

Trong số này, có 30 chỉ tiêu đào tạo giáo dục tiểu học, 120 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Tin học, mỗi ngành học tuyển 30 chỉ tiêu. [2]

Khi lần tìm vào trang tuyển sinh của các website của các trường cao đẳng sư phạm từ năm 2017 cho đến năm 2019, chúng tôi thấy phần lớn các nhà trường vẫn tuyển sinh, đào tạo khối giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hệ cao đẳng và có nhiều trường đào tạo khối giáo viên mầm non hệ trung cấp.

Có điều, những năm qua, sinh viên sư phạm hệ đại học ra trường còn thất nghiệp thì hệ trung cấp, cao đẳng làm sao có cơ hội việc làm, nhất là khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực?.

Chính các địa phương không tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn mới

Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều tỉnh tuyển dụng viên chức trong năm 2020 này đều thông báo tuyển đúng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019.

Ảnh chụp từ website của Trường cao đẳng sư phạm Ninh Thuận (Ảnh : Nguyễn Cao).

Ảnh chụp từ website của Trường cao đẳng sư phạm Ninh Thuận (Ảnh : Nguyễn Cao).

Chẳng hạn, ngày 01/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ra Thông báo kế hoạch tuyển giáo viên năm 2020 với 1.471 chỉ tiêu nhưng yêu cầu vị trí giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải tốt nghiệp đại học sư phạm. Vị trí giáo viên mầm non phải tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm.

Trong khi, khoảng 5 năm trở lại đây thì Trường cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự của tỉnh này đã liên tục tuyển sinh, đào tạo và hiện vẫn có hàng ngàn giáo sinh chưa xin được việc làm.

Lý giải việc không tuyển dụng sinh viên hệ cao đẳng cho vị trí giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và hệ trung cấp cho vị trí giáo viên mầm non, ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang đã trả lời phóng viên chương trình chuyển động-24h như sau:

Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên trung học cơ sở năm 2020 chỉ 95 chỉ tiêu, trong khi, theo số lượng thống kê năm 2019 thì số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học của địa phương còn khoảng 600 giáo sinh nên Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban tỉnh là quyết định tuyển dụng đúng chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019.

Bởi, nếu tuyển dụng dưới chuẩn lại mất công đào tạo, bồi dưỡng, vừa lãng phí vừa mất thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các nhà trường”.

Ông Đông còn cho biết thêm: “Năm nay, Bắc Giang tuyển dụng 1.471 chỉ tiêu giáo viên nhưng số hồ sơ đạt chuẩn là khoảng 3500- 4000 hồ sơ”. [3]

Như vậy, chỉ tuyển số hồ sơ đạt chuẩn trình độ mà đã nhiều gấp nhiều lần thì những giáo sinh dưới chuẩn trình độ làm sao có cơ hội dự tuyển?

Số phận những sinh viên năm 2, năm 3 hệ cao đẳng sư phạm sẽ ra sao?

Hiện các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước vẫn đang còn rất nhiều sinh viên cao đẳng sư phạm đang học năm 1, năm 2 (tính đến khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực). Như vậy, số sinh viên này sẽ tiếp tục học năm thứ 2, thứ 3 vào năm học tới.

Nhưng, tương lai nào cho các em đây? Nếu học tiếp chắc chắn nhiều em sẽ hoang mang, chán nản vì biết chắc không có cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Học hết chương trình đào tạo thì phải tiếp tục học liên thông thêm 2 năm nữa mới có cơ hội việc làm nhưng cũng không chắc chắn vì thời gian càng về sau thì cơ hội càng ít đi.

Điều trớ trêu nữa là khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí mỗi năm học là 36.300.000 đồng. Vậy nên, năm học tới đây thì ngân sách Nhà nước còn phải hỗ trợ cho số sinh viên cao đẳng sư phạm đang theo học ở các nhà trường.

Nhưng, oái oăm ở chỗ nếu sinh viên sư phạm ra trường không làm việc trong ngành Giáo dục thì phải trả lại phí đào tạo. Song, với thực tế hiện nay thì tỉnh nào sẽ tuyển giáo viên dưới chuẩn- bởi tuyển giáo viên dưới chuẩn trình độ là trái luật.

Vậy là, một viễn cảnh đối với sinh viên đang học cao đẳng sư phạm sẽ ra trường sau 1-2 năm nữa vừa không có việc làm, vừa phải trả lại tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho Nhà nước.

Vậy, đâu là trách nhiệm của Bộ, trách nhiệm của các Ủy ban nhân dân tỉnh và các trường cao đẳng sư phạm khi phân bổ chỉ tiêu, tuyển sinh, đào tạo để hàng ngàn sinh viên sư phạm lâm vào ngõ cụt từ khi các em chưa tốt nghiệp?

Tài liệu tham khảo:

[1]//thptthuanthanh1.bacninh.edu.vn/upload/63116/20190404/FILE_20190403_220037_CV_1390001.pdf

[2]//ninhthuan.edu.vn/SiteFolders/Root/1/VanBan/Van%20ban%202018/Thong%20bao%20tuyen%20sinh%20CDSP%202019.PDF

[3]//vtv.vn/video/chuyen-dong-24h-trua-17-7-2020-449068.htm

NGUYỄN CAO