Hơn 69.000 chỉ tiêu sư phạm và 1.000 tỷ đồng ngân sách, bao nhiêu người có việc?

16/07/2020 06:19
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sinh viên sư phạm ra trường trong những năm tới đây vẫn thất nghiệp như thời gian qua thì chúng ta không thể đo đếm hết được những lãng phí.

Việc sinh viên ra trường khó khăn tìm kiếm việc làm không phải bây giờ mới được đề cập, phản ánh mà nó đã xảy ra từ hàng chục năm qua, nhất là đối với những môn Khoa học xã hội.

Hiện cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương nhưng trong năm 2020 này, Bộ Giáo dục đã giao cho 102 trường đào tạo giáo viên trên cả nước tuyển sinh 69.630 chỉ tiêu.[1]

Dù biết rằng để có những con số này thì các trường đại học, các địa phương và Bộ Giáo dục đã có những cân nhắc, tính toán .

Nhưng, nhìn từ thực tế sinh viên ra trường chưa có việc làm, phải xin dạy hợp đồng theo mức lương tối thiểu hoặc dạy theo tiết, một số thầy cô dạy ở cấp học phổ thông thì điều chuyển xuống dạy mầm non khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường trong những năm qua rất khó khăn tìm kiếm việc làm (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường trong những năm qua rất khó khăn tìm kiếm việc làm

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Khi giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu

Trước thực trạng thiếu giáo viên, bắt đầu từ năm học 1997-1998 thì ngành Giáo dục chủ trương miễn học phí cho sinh viên theo học tại các trường sư phạm.

Chính vì thế, có đến gần chục năm trời thì khối ngành sư phạm luôn có điểm đầu vào cao chót vót, như: Đại học sư phạm Hà Nội, Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Sư phạm Vinh…

Giai đoạn đầu miễn giảm học phí thì những thí sinh thi vào các trường này nếu được 20 điểm/ 3 môn thì gần như không có cửa đậu vì có những ngành học lấy đến 27-28 điểm/3 môn thi.

Ngành sư phạm “lên giá”, học sinh giỏi ở các vùng nông thôn đều muốn vào học sư phạm vì học không mất tiền, ra trường được phân công công tác.

Nhưng, cũng chỉ được khoảng gần 10 năm thì sinh viên sư phạm ra trường bắt đầu khó xin việc do các địa phương ồ ạt mở các trường đại học sư phạm, tỉnh thì mở mới, tỉnh thì nâng cấp từ các trường cao đẳng lên đại học nên “đầu vào” sư phạm bắt đầu sa sút, nhiều năm chỉ lấy ở mức điểm sàn.

Chính vì nhu cầu tuyển dụng ở nhiều tỉnh đã “đóng băng” nhiều năm trời nên sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp ngày một nhiều hơn.

Nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp ở các tỉnh phía Bắc đã vào Nam tìm cơ hội việc làm. Rồi, nhiều tỉnh phía Nam cũng không còn nhiều cơ hội và chuyển hình thức tuyển dụng từ xét tuyển, sang thi tuyển và cạnh tranh gay gắt.

Nhiều giáo viên đã được tuyển dụng phải điều chuyển sang các trường khác, chuyển sang làm nhân viên nhà trường, thậm chí cắt hợp đồng…

Những năm gần đây, chỉ còn một địa phương duy nhất ở phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì việc tuyển dụng giáo viên hàng năm với số lượng lớn còn các tỉnh khác thì đã khó vô cùng.

Như vậy, nhìn lại quá trình miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm từ năm 1997 cho đến khi Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực (1/7/2020) thì đã có hơn 20 năm trời Nhà nước tài trợ học phí cho sinh viên sư phạm.

Phải thừa nhận một điều là việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm là một chính sách đúng đắn trong giai đoạn đầu, chỉ tiếc việc mở trường sư phạm ồ ạt ở các tỉnh đã làm cho chính sách này lãng phí và số lượng giáo sinh ra trường thất nghiệp ngày một nhiều hơn.

Nếu chỉ tiêu năm 2020 được giữ nguyên, số tiền hỗ trợ sinh viên sẽ là bao nhiêu?

Ngày 27/6 vừa qua trên Báo Thanh niên đã dẫn lời bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học thì chỉ tiêu các trường sư phạm đề xuất là 84.475 chỉ tiêu.

Căn cứ vào các nguyên tắc và tiêu chí nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu sư phạm, tương đương khoảng 64% chỉ tiêu đề xuất của các địa phương. [1]

Khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (1/7/2020) thì sinh viên sư phạm không còn được miễn học phí nhưng được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí với số tiền 3,63 triệu/ tháng, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ 10 tháng.[2]

Nếu so với số tiền Nhà nước phải cho cho sinh viên sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì chúng ta thấy số tiền còn lớn hơn so với việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm trước đây.

Bởi, thực tế các trường đào tạo các ngành tương đương với sư phạm như Khoa học tự nhiên, Khoa học nhân văn và Xã hội thì học phí những năm qua cũng chỉ gói gọn dưới 15 triệu đồng/ năm học.

Bây giờ, hỗ trợ sinh viên sư phạm thì mỗi năm là 10 tháng vơi số tiền 36.300.000 đồng…

Trong khi, năm 2020 này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm là 69.630 chỉ tiêu, nếu các trường tuyển đủ và sau 4 năm đào tạo đại học chúng ta sẽ có số tiền mà nhà nước đầu tư sẽ là rất lớn

Mỗi sinh viên sẽ được hỗ trợ 36.300.000 đồng, cả khóa sẽ là 145.200.000 đồng. Vậy, chúng ta sẽ có con số 69.630 (chỉ tiêu) x 145.200.000 (số tiền hỗ trợ cho 1 sinh viên/khóa học) = 1.011.027. 600.000 đồng.

Hàng ngàn tỉ đồng mà nhà nước hỗ trợ cho sinh viên trong suốt khóa học như vậy chắc chắn là những con số không nhỏ bởi các trường đại học phải đào tạo song hành 4 khóa học từ năm nhất đến năm tư trong mỗi năm học.

Rồi tiền chi trả lương cho giảng viên, cho các hội thảo khoa học của sinh viên, chi phí thực tập, kiến tập cho sinh viên hàng năm, tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, tiền phụ huynh cho con em mình ăn học suốt 4 năm…

Số tiền này sẽ không lớn nếu sinh viên ra trường được phân công công việc, không phải thất nghiệp. Nhưng, ai dám tin trong số 69.630 chỉ tiêu sư phạm năm nay thì sau 4 năm nữa ra trường sẽ có việc làm hết?

Nếu sinh viên sư phạm ra trường trong những năm tới đây vẫn thất nghiệp như thời gian qua thì chúng ta không thể đo đếm hết được những lãng phí.

Lãng phí về tiền bạc, công sức, tâm huyết của bao người mà trong đó, sự lãng phí tuổi trẻ của hàng chục ngàn giáo sinh ra trường quả là kinh khủng vô cùng.

Chính vì thế, học sinh lớp 12, phụ huynh học sinh phải thực sự cân nhắc kỹ lưỡng khi xét tuyển vào khối ngành sư phạm, nhất là khối đào tạo giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay đã đang quá dư thừa ở gần hết các địa phương.

Bộ Giáo dục, các địa phương và các trường sư phạm cũng cần phải tính toán cặn kẽ, khoa học để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Cứ nhìn số thống kê số lượng tuyển dụng, số lượng hồ sơ nộp để dự tuyển trên website của các Sở Giáo dục trong những tháng qua thì ai cũng thấy nguồn tuyển hiện nay đang rất dư thừa mà chỉ tiêu tuyển dụng thì lại quá ít.

Tài liệu tham khảo:

[1]//thanhnien.vn/giao-duc/chi-tieu-su-pham-bo-duyet-giam-nhieu-so-voi-de-xuat-cua-dia-phuong-1243979.html

[2]//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

NHẬT DUY