Thế nào gọi là dạy buổi 2?
Hiểu đơn giản là dạy 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học (vì theo quy định hiện nay, học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày, tức là 5 buổi/tuần).
Các trường tiểu học tại Bình Thuận đang thực hiện dạy buổi 2 theo công văn 286 (Ảnh tác giả). |
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được tổ chức dưới hai hình thức:
a) Hình thức 1: Dạy học trên 5 buổi/tuần, không vượt quá định mức 1,50 giáo viên/lớp; bao gồm các trường dạy 30 tiết/tuần thuộc Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (T30 SEQAP).
b) Hình thức 2: Dạy học 35 tiết/tuần (10 buổi/tuần) cho toàn bộ học sinh của trường, vượt quá định mức 1,50 giáo viên/lớp; bao gồm các trường dạy 35 tiết/tuần thuộc SEQAP (T35 SEQAP).
Hiện nay, nhiều trường tiểu học tại tỉnh Bình Thuận đang tổ chức dạy học buổi 2 theo hình thức 2, tức là dạy 35 tiết/tuần (10 buổi/tuần, 5 ngày học cả ngày, mỗi ngày học 7 tiết) cho toàn bộ học sinh của trường.
Khi nào nhà trường sẽ tổ chức dạy buổi 2?
Muốn dạy buổi 2, các trường phải đảm bảo những quy định: Có tỉ lệ phòng học/lớp bằng 1,0.
- Có tỉ lệ giáo viên/lớp tối thiểu bằng 1,50.
- Dạy đủ 35 tiết/tuần (5 ngày học cả ngày, mỗi ngày học 7 tiết) cho toàn bộ học sinh của trường.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận, các trường dạy buổi 2 đều thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 282/UBND-VXDL:
"… Trường hợp cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con em mình được học thêm đầy đủ 35 tiết/tuần và 10 buổi/tuần thì đề nghị với nhà trường và thoả thuận tự nguyện đóng góp kinh phí theo Qui chế dân chủ ở cơ sở để đảm bảo kinh phí chi trả chế độ làm thêm giờ vượt định mức của giáo viên".
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cũng đã hướng dẫn cụ thể các bước tiến hành tổ chức dạy buổi 2 ở các trường trong Công văn số: 286/SGD&ĐT-GDTHngày 28 tháng 02 năm 2014 như sau:
Lập Bảng kê số tiết dạy vượt định mức 1,50 giáo viên/lớp để tính được số tiết phải thanh toán tiền dạy thêm giờ theo thoả thuận giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường; bảng kê này phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo xác nhận.
Tổ chức phiên họp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh toàn trường để thống nhất mức thu và tỉ lệ chi sao cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương đồng thời đảm bảo quyền lợi của giáo viên.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Bình Thuận (baobinhthuan.com.vn). |
Riêng về tỉ lệ chi, ít nhất 95% khoản thu dùng để chi trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên, phần còn lại chi cho công tác quản lí, công tác thu,…
Như vậy, hiểu một cách cụ thể, dạy học buổi 2 chẳng khác nào một hình thức dạy thêm có phép trong nhà trường và phụ huynh là người phải chịu tiền học phí.
Mức đóng tiền buổi 2 của học sinh Bình Thuận và mức chi trả cho giáo viên thế nào?
Thu tiền 2 buổi (hay là tiền buổi 2) hiện có địa phương tại tỉnh Bình Thuận (cụ thể thị xã La Gi) mức thu chung là 60.000 đồng/tháng (540.000 đồng/năm/9 tháng).
Tại Phan Thiết, trường thu 60.000 đồng, có trường thu 82.600 đồng (744.000 đồng/9 tháng). Phụ huynh đóng tiền hàng tháng (có gia đình đóng luôn 9 tháng).
Hiện các trường trong tỉnh đang chi trả cho giáo viên 85% (không phải 95%) theo công văn số: 286/SGD&ĐT-GDTH quy định).
Nếu thu 60.000 đồng một học sinh/tháng thì số tiền 1 tiết giáo viên nhận được dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/tiết.
Tùy theo tỷ lệ giáo viên trong trường để tính được tổng số tiết dạy tăng của giáo viên/tháng và nhân với số tiền 1 tiết sẽ ra số tiền giáo viên được nhận.
Có trường lợi dụng Covid-19 để "ngâm" tiền dạy buổi 2 của giáo viên?
Như trên đã nói, dạy buổi 2 bản chất là một hình thức dạy thêm có phép do nhà trường tổ chức cho học sinh chính khóa trên cơ sở nhu cầu và thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Vì thế, giáo viên sẽ được phụ huynh trả tiền cho những tiết dạy phụ trội của mình trong tháng.
Nhà trường thu tiền của phụ huynh theo từng tháng, cuối tháng kế toán kết sổ, tính tiền và trả cho giáo viên đã dạy.
Năm học này, do dịch Covid-19 bùng phát nên học sinh chỉ học 28 tuần (quy ra 7 tháng) là kết thúc năm học.
Vì thế, giáo viên cũng được nhận tiền buổi 2 được 7 tháng. Những phụ huynh đã đóng tiền buổi 2 nguyên năm học (9 tháng) đã được nhà trường trả lại 2 tháng do không học.
Theo phản ánh của nhiều giáo viên tại thành phố Phan Thiết, năm học này tất cả giáo viên bậc tiểu học nơi đây không nhận được tiền dạy buổi 2.
Nhiều trường học đã trả lại tiền cho phụ huynh, một số trường học khác chưa trả lại cho phụ huynh nhưng cũng không trả cho giáo viên vì còn đang nghe ngóng tình hình.
Chủ tịch công đoàn một trường tiểu học ở Phan Thiết (xin được giấu tên) cho biết các trường trả lại tiền buổi 2 cho phụ huynh vì theo sự chỉ đạo của phòng giáo dục năm học này giáo viên không dạy đủ 35 tuần.
Điều vô lý ở chỗ, dạy buổi 2 là sự thống nhất của phụ huynh và nhà trường, tháng nào dạy xong tháng đấy và được thanh toán, không liên quan gì đến việc năm học có đủ 35 tuần hay không.
Đã thu tiền dạy buổi 2 của cha mẹ học sinh nhưng không trả cho giáo viên, các trường tiểu học ở Phan Thiết có đang làm sai?
Cùng trong một tỉnh nhưng tại sao việc thu tiền, trả tiền buổi 2 cho giáo viên lại không thống nhất? Nơi trả hàng tháng, nơi lại trả theo năm học? Nơi trả 28 tuần học sinh thực học nơi lại không trả tuần nào cả?
Đơn cử, tại thị xã La Gi, giáo viên dạy buổi 2 được nhận tiền dạy tăng tiết vào cuối tháng. Năm học này, học sinh học 28 tuần (7 tháng) giáo viên cũng nhận đủ tiền buổi 2 của 7 tháng.
Còn tại Phan Thiết, thu tiền phụ huynh theo tháng, nhà trường bỏ vào ngân hàng đến cuối năm mới thanh toán cho giáo viên một lần. Riêng năm học này, dù giáo viên đã dạy 7 tháng buổi 2 nhưng nhà trường vẫn không chi trả một khoản nào cho các thầy cô giáo.
Nói về chuyện này, cô N. Phó hiệu trưởng trường tiểu học thị xã La Gi cho biết: “Tiền dạy buổi 2 nhà trường thu phụ huynh theo tháng thì phải trả cho giáo viên theo tháng. Thu theo tháng mà trả theo năm là sai quy định và chính nhà trường đang lạm dụng khoản tiền đó”.
Hiện, nhiều giáo viên tại Phan Thiết đang rất bức xúc và đã gửi đơn về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đề nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.