Đáng lẽ ra, khi được các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng vào công tác trong các trường học công lập thì tấm bằng đại học, cao đẳng sư phạm của giáo viên đã được xem như là “giấy thông hành” để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hàng năm, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, tham gia học tập các lớp chính trị theo quy định thì giáo viên không phải canh cánh nỗi lo về văn bằng, chứng chỉ nữa.
Thế nhưng, dù đã có tấm bằng đại học, cao đẳng sư phạm được các trường đào tạo cấp, Bộ công nhận về chuẩn trình độ nhưng đội ngũ giáo viên vẫn phải tham gia học nhiều khóa học khác để có chứng chỉ theo quy định.
Mỗi chứng chỉ từ một vài triệu đến 5-7 triệu đồng đã trở thành gánh nặng cho nhiều nhà giáo vẫn đang phải gắng gượng để học. Nhưng, khi có những chứng chỉ này liệu có giúp ích được bao nhiêu cho công việc giảng dạy hàng ngày?
Bảng giá ôn tập và thi chứng chỉ của Trung tâm ngoại ngữ- Đại học Cần Thơ liên kết đào tạo (Ảnh: Nguyễn Nguyên). |
Theo quy định hiện hành cũng như 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, lấy ý kiến thì đa phần giáo viên phải có các chứng chỉ theo quy định.
Đó là chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Trong 3 loại chứng chỉ này thì chứng chỉ ngoại ngữ là khó học nhất, tốn kém nhất và thực tế giáo viên học, thi có đạt chứng chỉ này cũng khó nâng vốn ngoại ngữ của mình. Vì thế, việc học, thi chứng chỉ ngoại ngữ đang tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực ở các cơ sở đào tạo.
Chứng chỉ ngoại ngữ giá bao nhiêu tiền?
Theo 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập vừa được Bộ công bố thì chứng chỉ ngoại ngữ là nhiêu khê và tốn kém nhất.
Để có được chứng chỉ này, giáo viên phải bỏ cả tháng lương, thậm chí là đến 2 tháng lương mới có thể có được.
Chúng tôi đã tham khảo nhiều cơ sở thông báo chiêu sinh và thấy giáo viên đang phải khốn khổ cho các loại chứng chủ A2, B1- những chứng chỉ mà giáo viên phải học nhiều nhất trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ngày 15/5/2020, Trường đại học Trà Vinh đã có Thông báo số 1041/TB-ĐHTV về việc mở lớp chứng chỉ tiếng Anh A2, B1-B2 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo Thông báo này thì lớp ôn để thi chứng chỉ A2 là 2.200.000 đồng, lớp ôn chứng chỉ B1,B2 là 2.500.000 đồng. Lớp học chứng chỉ A2 là 3.200.000 đồng, lớp học chứng chỉ B1,B2 là 3.500.000 đồng. [1]
Theo Thông báo số 67/TB-GDTX.NNTH, ngày 22/7/2020 của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp thì giá ôn chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam còn cao hơn.
Theo bảng giá trên Thông báo này thì giá ôn và hướng dẫn làm bài chứng chỉ A2 là 3.700.000 đồng/1 học viên; chứng chỉ B1là 4.000.000 đồng/ học viên. Ngoài ra, học viên còn phải đóng 1.500.000 đồng lệ phí cấp chứng chỉ và học viên phải tự mua hoặc photo tài liệu học tập. [2]
Bảng báo giá của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Nguyễn Nguyên). |
Trong Thông báo số 51/TB-TTGDTX-GDNN của Trung tâm giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp huyện Châu Thành (An Giang) ngày 4/6/2019 thì mức giá học phí lớp luyện thi chứng chỉ A2 là 5.000.000 đồng, lệ phí thi là 2.000.000 đồng;
Học phí lớp luyện thi chứng chỉ B1 là 5.500.000 đồng, lệ phí thi là 2.000.000 đồng…Ngoài ra, người học còn phải nộp tiền lệ phí xuống Cần Thơ để thi. [3]
Như vậy, chúng ta thấy rằng cùng một loại chứng chỉ nhưng giá cả hiện nay ở các địa phương đang rất khác nhau và giá thì rất cao.
Giáo viên có được chứng chỉ A2, B1 theo quy định thì thường phải mất từ 5-7 triệu đồng học phí, lệ phí. Đó là chưa kể tiền đi lại, ăn uống, quỹ lớp trong quá trình học tập.
Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nếu tính giá 5000.000 đồng/ 1 chứng chỉ, chúng ta thấy giáo viên phải bỏ ra khoảng 5 ngàn tỉ đồng.
Giá học chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hiện nay là bao nhiêu?
TheoTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bến Tre thông báo chiêu sinh các lớp ôn thi chứng chỉ Tin học Ứng dụng công nghệ thông tin Cơ bản theo chuẩn qui định Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ TTTT và thi được qui định tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT cụ thể như sau thì giá tiền ôn thi là 700.000 đồng, giá tiền thi là 400.000 đồng. [4]
Chứng chỉ tin học của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp thông báo thì lớp bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn làm bài thi chứng chỉ Tin học Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản là 800.000 đồng, lớp ôn tập và hướng dẫn làm bài thi chứng chỉ Tin học Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản là 350.000 đồng. [2]
Trong khi, dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập vừa được Bộ công bố bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ Tin học Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản trở lên.
Nếu tính ở giá thấp nhất là 1000.000 đồng/ chứng chỉ cho 1,3 triệu giáo viên thì chúng ta thấy số tiền sẽ là 1,3 ngàn tỉ đồng.
Đối với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì ngày 31/7/2020, Giáo dục Việt Nam có bài viết “Nếu giáo viên cả nước học chứng chỉ nghề nghiệp, sẽ phải bỏ ra 2,2 nghìn tỉ đồng”.
Bài viết này tác giả đã có tính toán cẩn thận về số liệu giáo viên gần nghỉ hưu, giáo viên hạng IV không phải yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nên chúng tôi không đề cập lại nữa.
Như vậy, trừ đi những nhà giáo gần về hưu, chưa đạt chuẩn trình độ thì hiện nay nước ta còn khoảng 1 triệu nhà giáo cần có các loại chứng chỉ này.
Từ các phân tích ở trên, chúng ta thấy có con số: 5 ngàn tỉ đồng (chứng chỉ ngoại ngữ) +1,3 ngàn tỉ đồng (chứng chỉ tin học) + 2,2 ngàn tỉ đồng (chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) = 8,5 ngàn tỉ đồng.
Một miếng bánh khổng lồ, hấp dẫn, khó bỏ từ những đồng lương còm cõi của giáo viên cả nước!
Con số tạm tính này, người viết đã khấu trừ đi các nhà giáo không cần phải có một số chứng chỉ và tính ở mức giá chứng chỉ thấp nhất hiện nay, còn thực tế nhiều cơ sở đào tạo có giáo cao hơn nhiều.
Những con số này, lẽ nào lãnh đạo 2 bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Nội vụ lại không biết? Lẽ nào 2 Bộ không biết có rất nhiều bất cập trong đào tạo, cấp 3 loại chứng chỉ này cho giáo viên cả nước?.
Nhất là những ngày qua trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết của phóng viên thâm nhập vào các cơ sở đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc.
Trong khi, lương giáo viên bậc 1, bậc 2 có bằng đại học hiện nay ở các trường công lập thì mỗi tháng chỉ được khoảng trên 3 triệu đồng.
Nhiều giáo viên hợp đồng có số lương còn thấp hơn nhiều, sinh viên sư phạm còn không có lương vậy mà họ cứ phải “cắn răng” để đi học lấy những chứng chỉ theo quy định của Bộ!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.tvu.edu.vn/thong-bao-ve-viec-mo-lop-chung-chi-tieng-anh-a2-b1-b2-theo-khung-nang-luc-ngoai-ngu-6-bac-dung-cho-viet-nam/
[2]http://ttgdtxkthndongthap.edu.vn/tuyen-sinh/ngoai-ngu-tin-hoc/chieu-sinh-lop-chung-chi-ung-dung-cntt-co-ban-va-cac-lop-tie.html
[1]https://www.tvu.edu.vn/thong-bao-ve-viec-mo-lop-chung-chi-tieng-anh-a2-b1-b2-theo-khung-nang-luc-ngoai-ngu-6-bac-dung-cho-viet-nam/
[4]http://www.bvndc.vn/chieu-sinh-cac-lop-on-thi-chung-chi-tin-hoc-co-ban