Học sinh lớp 1 phải “cõng” gần 30 đầu sách, nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, sách bổ trợ, vấn nạn lạm thu... là những câu chuyện thu hút sự chú ý và bức xúc của dư luận vào đầu năm học mới.
Góc khuất của những khoản “hoa hồng” trong trường học được xem là chủ đề nhạy cảm. Nhưng thực tế là có khoản tiền này đằng sau việc vận động học sinh mua sách, vở, đồng phục, đồ dùng học tập.
Theo lời của Hiệu trường một trường tư thục ở Hà Nội cho biết thì phần trăm chiết khấu của những loại sách bán kèm này thường cao hơn phần trăm của sách giáo khoa rất nhiều.
Cô Lê Thị Nếp: "Bản thân tôi là giáo viên dạy trực tiếp nhưng cũng chỉ đủ thời gian dạy theo sách giáo khoa, mà các con lớp 1 chỉ cần học đủ theo sách giáo khoa là đã căng thẳng mệt mỏi lắm rồi". Ảnh: TD. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chia sẻ:
“Có khá nhiều nội dung và kiến thức từ các loại sách tham khảo nhưng tôi là giáo viên dạy lớp 1 lâu năm thấy rằng chỉ cần một bộ sách giáo khoa lớp 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đã quá đầy đủ kiến thức cho học sinh.
Mình không cần phải thêm loại sách bổ trợ hay tham khảo gì nữa. Nhưng có một điều là các trường lại bố trí thêm một số tiết rèn luyện hay có thể gọi là học thêm nằm trong chương trình học 2 buổi trên ngày.
Ví dụ, chương trình Toán có 3 tiết học trong tuần nhưng nay nhiều trường lại tăng thêm từ 1 đến 2 tiết. Còn chương trình Tiếng Việt là 12 tiết dạy trên tuần thì giờ tăng thêm 3 tiết. Ngoài ra các môn học khác cũng đều tăng thêm tiết dạy.
Chính từ những tiết dạy tăng thêm nên đã nảy sinh ra sách phụ trợ, có nghĩa là ngoài chương trình quy định ra thì học sinh cần thêm sách bổ trợ tham khảo nữa cho những tiết học này.
Nhưng theo tôi đây cũng là vấn đề cần thiết vì các em học sinh lớp 1 đều chưa biết viết, biết đọc, các em chủ yếu dựa vào hình ảnh để hoàn thành bài tập, củng cố kiến thức.
Vậy nên sách phụ trợ rất quan trọng với học sinh lớp 1. Nhưng có nhiều trường lại dựa vào yếu tố nêu trên để dồn cho học sinh mua rất nhiều loại sách bổ trợ, tham khảo và theo tôi đó là điều không nên.
Giáo viên nên chọn cho học sinh thêm một đến hai quyển sách phù hợp với lực học của các em, có như vậy sẽ tránh được việc mua quá nhiều sách, không hợp sẽ dẫn đến lãng phí. Thậm chí mua xong còn không dùng đến.
Ở trường chúng tôi thì Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn cùng giáo viên chủ nhiệm sẽ họp và quyết định lựa chọn sách cần thiết cho các con, chính vì thế mà bộ sách của học sinh trường chúng tôi rất gọn nhẹ chứ không cồng kềnh tới gần triệu đồng như các báo đã nêu ở một số trường”.
Theo cô Nếp: “Vấn đề về sách tham khảo, bổ trợ theo tôi cũng có ích, nhưng với điều kiện là giáo viên hoặc cha mẹ học sinh phải có đủ thời gian đọc và vận dụng vào việc kèm các con học, nếu làm được tốt việc đó thì hãy mua, còn không thì thôi.
Thời gian trên lớp căng như vậy thì lấy đâu ra thời gian để dạy các con ở sách tham khảo? Trong khi nội dung các loại sách đó cũng trùng lặp, na ná như nhau, mỗi chỗ copy lại một chút.
Vậy nên không cần thiết phải mua quá nhiều loại sách như vậy, vừa tốn tiền mà khi thấy quá nhiều loại sách các con lại sợ và điều đó gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý học tập của các con.
Với tôi thì chỉ cần một bộ sách giáo khoa theo quy định của Bộ cộng thêm 1 quyển bổ trợ cho Tiếng Việt, 1 quyển bộ trợ cho môn Toán và chỉ như vậy thôi là đã quá đủ cho học sinh lớp 1”.
Cô Lê Thị Nếp: "Các con cần phải có tuổi thơ, chơi mà học chứ không nên để các con có cảm giác sợ học. Đó mới là điều cần thiết”. Ảnh minh họa. LTN. |
Việc chính của giáo viên là dạy người
Cô Nếp cho biết:“Tôi thấy nhiều trường giáo viên bị bắt phải làm các công việc như mời học sinh mua sách, mời phụ huynh mua đồng phục, đứng ra tập hợp danh sách mua rồi thu tiền…thì thực sự tôi thấy rất buồn và phản cảm.
Giáo viên chúng tôi vẫn nói với nhau rằng những điều tốt có ích chúng ta làm được cho học sinh thì hãy làm, còn đừng vì một cái gì đó làm lãng phí thời gian, tiền của…của học sinh và phụ huynh thì không nên làm.
Trên thực tế là phụ huynh học cũng không nắm rõ được là sách nào cần và sách nào không cần, họ rất tin tưởng nên cứ thấy giáo viên hay nhà trường nói là mua thôi, vì họ không tiếc tiền để đầu tư việc học cho các con.
Nhưng theo tôi thì các nhà quản lý trường học không nên lợi dụng sự dễ tính đó ở các bậc phụ huynh để biến trường thành nơi phân phối sách, đồng phục, đồ dùng học tập…của các nhà sản suất. Như vậy là phản giáo dục.
Tôi mong sao những giáo viên dạy chuyên môn như chúng tôi chỉ cần được dạy học là hạnh phúc lắm rồi, không phải liên quan gì đến những chuyện khác như thế.
Ai lại giáo viên đến trường mà cứ như đi buôn, rất mang tiếng mà còn làm mất đi hình ảnh nhà giáo trong con mắt của học sinh và phụ huynh các em”.
Cô Nếp nhấn mạnh: “Tôi thấy sau cả 1 ngày học tập ở trường thì các con học sinh lớp một đã quá mệt mỏi rồi, và với lượng kiến thức các con được tiếp nhận trong ngày đã là quá đủ với trình độ của các con.
Vậy nên quan điểm của tôi là không cần thiết phải cho các con theo học thêm ở các lớp ngoài trường, nên để cho các con có thời gian nghỉ ngơi sau cả ngày học tập, các con cần phải có tuổi thơ, chơi mà học chứ không nên để các con có cảm giác sợ học. Đó mới là điều cần thiết”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo: "Đây có thể không chỉ là câu chuyện của sách giáo khoa mà còn cả đồng phục và hàng loạt những khoản thu khác trong nhà trường. Không chỉ khiển trách, mà cần cách chức, làm nghiêm những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng bán bia kèm lạc trong nhà trường”.Ảnh: Tùng Dương. |
Lợi ích ai được hưởng?
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên thực hiện đổi mới sách giáo khoa nên việc tạo lòng tin trong xã hội rất quan trọng.
Vậy nên việc bán sách tham khảo kèm theo sách giáo khoa trong các nhà trường với việc đưa thêm cả chục đầu sách nhập nhèm gây hiểu lầm để phụ huynh phải mua là điều không thể chấp nhận.
Để xảy ra tình trạng này, chắc chắn phải có chỉ đạo từ các phòng giáo dục xuống trường. Điều này không bình thường, không đúng tinh thần của ngành giáo dục. Lượng thông tin vào não của mỗi trẻ là cố định, nếu tràn ra sẽ gây quá tải cho trẻ, những người làm sư phạm phải hiểu được điều này”.
Cũng theo ông Vinh: “Trong nền kinh tế thị trường, các nhà xuất bản làm sách đều cần tung ra thị trường, tìm cách tăng doanh số.
Nhưng không thể đưa vào các trường giới thiệu, bởi sự giới thiệu xưa nay gần như ép buộc. Phụ huynh thường yếu thế hơn trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra mặc dù không muốn.
Cũng có những người thắc mắc, nhưng lại ngại đi đến cùng vì lo lắng con mình bị trù dập. Nếu giáo viên nói sách cần dùng, phụ huynh khó lòng từ chối.
Giáo viên nói thế nào, phụ huynh nghe thế ấy, nhưng điều này rất khổ cho các gia đình là đang mùa dịch bệnh, nhiều người mất việc, không đủ ăn, nay lại phải cõng thêm những chi phí vô lý khác”.
Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm hiệu trưởng. Phải có chỉ đạo từ trên, giáo viên mới dám giới thiệu tới phụ huynh. Nhưng giáo viên nhiều khi cũng mất dân chủ nên không dám nói.
Đây có thể không chỉ là câu chuyện của sách giáo khoa mà còn cả đồng phục và hàng loạt những khoản thu khác trong nhà trường. Không chỉ khiển trách, mà cần cách chức, làm nghiêm những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng bán bia kèm lạc trong nhà trường”.
Theo Báo Lao Động, tại Hà Nội, ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Công văn số 1515 gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông trực thuộc.
Trong công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi tới các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau đó, sở yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh, không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác.
Sau công văn của sở, các phòng giáo dục ở quận, huyện có công văn gửi về từng trường, cũng gửi kèm thêm danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12, thêm cả tên đơn vị phát hành sách là Công ty Sách và thiết bị Giáo dục Hà Nội.
Nhiều nơi, đơn cử như ở huyện Thanh Trì, phụ huynh không được lựa chọn sách, mà mặc định phải mua theo bộ sách Phòng Giáo dục và Đào tạo đã gửi về.
Trong đó, mỗi bộ đều trên 20 cuốn. Bộ sách lớp 6 còn lên đến 34 cuốn với giá gần 600.000 đồng, chưa kể nhiều bộ đồ dùng kèm theo phải mua nữa. Như vậy, trường bắt buộc phải trở thành “kênh phân phối” sản phẩm sau các công văn từ trên chỉ đạo xuống.
Nhưng bù lại, việc bán giúp sản phẩm của các đơn vị sản xuất cũng giúp nhà trường nhận lại “chi phí cảm ơn”, nói cách khác là một khoản tiền gọi là “hoa hồng”.
Ở mảng sách tham khảo, đồ dùng học tập, theo tìm hiểu của phóng viên, tỉ lệ chiết khấu cao hơn, thậm chí lên đến 45%. Với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, đây chính là nguồn thu chính.
Vì được chiết khấu cao, nên nếu đưa được sách tham khảo vào trường học, “chi phí cảm ơn” gửi lại nhà trường cũng cao hơn.
Thông tin của Lao Động, có đơn vị chi cho nhà trường lên đến 25% hoa hồng trên tổng số tiền sách tham khảo đã bán được. Vì lý do này, không ít trường rất nhiệt tình “tư vấn” để phụ huynh đăng ký mua sách tham khảo, đồ dùng thông qua nhà trường.
Không ít ý kiến cho rằng, chính những khoản “hoa hồng” này là nguồn cơn khiến tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, việc “nhập nhèm” giữa sách giáo khoa và sách tham khảo vẫn là câu chuyện “đến hẹn lại lên”.
Nó cũng là nguồn cơn khiến nhà trường trở thành “kênh phân phối” sản phẩm giúp các đơn vị sản xuất. [1]
Nguồn tham khảo:
[1] https://laodong.vn/giao-duc/truong-hoc-tro-thanh-dai-ly-sach-giao-khoa-dong-phuc-837361.ldo