Bất chấp quy định, nhiều trường học đẻ ra quỹ lớp, quỹ trường
Lục tung các quy định về các khoản thu trong trường học hiện nay, chúng tôi không thể tìm ra văn bản nào cho phép các trường học lập ra quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh.
Tiền quỹ lớp một trường ở Hà Nội 200 ngàn, tiền quỹ cha mẹ 600 ngàn đồng (phụ huynh cung cấp). |
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Trong Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT đã ban hành không có khái niệm nào gọi là “quỹ lớp” hay “quỹ cha mẹ học sinh”.
Một trường học ở Thanh Hóa thu quỹ lớp 400 ngàn, quỹ cha mẹ 100 ngàn (phụ huynh cung cấp) |
Do đó, nếu có là sai. Thông tư này chỉ có một quy định đó là khoản kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí này được thống nhất trong hội phụ huynh”.[1]
Tin nhắn của phụ huynh chia sẻ về việc đóng quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. |
Vậy mà, trong bảng các khoản thu ở nhiều trường học hiện nay, người ta đang ấn định sẵn những khoản thu này khiến cho số tiền học sinh phải nộp đầu năm đã tăng lên đáng kể.
Nhiều nơi ấn định mức thu 2 loại quỹ lớp và quỹ cha mẹ học sinh, nhà trường đang vi phạm quy định Thông tư 55?
Phụ huynh có con học lớp 4 một trường tiểu học tại thành phố Thanh Hóa cho biết lớp con chị vừa phải đóng tiền quỹ lớp 400 ngàn đồng và tiền quỹ cha mẹ học sinh 100 ngàn đồng.
Phụ huynh có con học tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội lại đóng tiền quỹ hội phụ huynh 600 ngàn đồng/năm, quỹ lớp 200 ngàn đồng/năm.
Phụ huynh ở một trường tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiền quỹ hội phụ huynh 300 ngàn đồng/năm, tiền quỹ lớp 600 ngàn/năm (phụ huynh cãi nhau giảm còn 400 ngàn đồng/năm). Vậy mà vẫn ít hơn một số trường học ở quận 3 và quận 5.
Một số trường trung học tại Bình Thuận cũng có mức thu tiền quỹ hội phụ huynh 300 ngàn đồng/năm và quỹ lớp 200 ngàn đồng/năm.
Và còn nhiều, rất nhiều trường học trên mọi miền đất nước đã tự ý đặt ra mức thu tiền quỹ hội phụ huynh và tiếp tục thu tiền quỹ lớp.
Việc thu 2 loại quỹ này đã không còn là cá biệt xảy ra ở một số trường học, một số địa phương nữa mà đã trở thành chuyện bình thường đến mức phụ huynh cũng cứ nghĩ rằng đây là khoản tiền buộc phải đóng nên cứ răm rắp móc hầu bao để nộp.
Thu quỹ cha mẹ học sinh còn thu quỹ lớp để làm gì?
Mặc dù Thông tư 55 không cho phép việc thu tiền để lập quỹ, thế nhưng việc quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì ai cũng hiểu rằng phụ huynh phải đóng góp tiền mới có kinh phí hoạt động.
Thế nhưng, Thông tư 55 cũng quy định rất rõ việc thu và chi của kinh phí hoạt động này.
Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định:
a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
Quy định là thế nhưng có mấy trường thực hiện việc để phụ huynh muốn đóng góp, ủng hộ bao nhiêu là tùy. Hiện nhiều trường học đang ấn định mức trần phải đóng góp khá cao.
Vậy tại sao vẫn có nhiều trường học còn thu tiền quỹ lớp?
Sau khi phụ huynh đóng tiền quỹ tại lớp, thay vì phụ huynh sẽ thống nhất nộp bao nhiêu phần trăm về quỹ hội của trường, phần còn lại để lại cho lớp hoạt động.
Thế nhưng nhiều trường học lại ôm trọn gói khoản tiền quỹ cha mẹ học sinh. Vì thế, buộc các lớp phải có thêm tiền quỹ lớp.
Nhìn vào bảng tích kê các khoản thu của nhiều trường học, chúng ta dễ dàng nhận ra 2 khoản phí mà phụ huynh phải nộp riêng biệt đó là quỹ lớp và quỹ cha mẹ học sinh.
Điều này đã vi phạm quy định về thu chi, về nguyên tắc hoạt động kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định rất rõ trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xóa bỏ quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh phải được giữ tại lớp như tinh thần chỉ đạo của Thông tư 55
Thu cùng lúc 2 khoản tiền gọi là quỹ lớp và quỹ cha mẹ học sinh, những trường học này đang vi phạm nghiêm trọng tinh thần chỉ đạo của Thông tư 55.
Thông tư 55 quy định “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh lớp.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo nghị quyết của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường”.
Vì thế, theo đúng nguyên tắc sau khi phụ huynh đóng góp xây dựng kinh phí cho lớp sẽ thống nhất trích về trường bao nhiêu %, số còn lại sẽ giữ ở các lớp để phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Phụ huynh có người chưa hiểu rõ và có thể chưa biết về Thông tư 55 nên thấy nhà trường yêu cầu nộp tiền là nộp ngay nhưng lẽ nào các cơ quan chức năng lại không biết?
Có điều, Điều 15 - Xử lý vi phạm, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định:
Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, vi phạm các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý theo quy định của pháp luật là quy định nào? Xử lý ra sao? Ai xử lý? Xử lý theo quy trình nào? Thiết nghĩ đây mới là điều cần Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, chứ không phải năm nào cũng ra văn bản cấm lạm thu mà không có giải pháp xử lý cụ thể nào.
Hãy làm chặt chẽ, thí điểm vài địa phương chắc chắn những năm học kế tiếp tình trạng tự đẻ ra các loại quỹ như thế sẽ giảm đi đáng kể.
Tài liệu tham khảo:
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lap-quy-lop-quy-hoi-la-sai-20151008215842874.htm[1]